Bài Suy Niệm về "Cuộc Tử Nạn của Chúa Giêsu" trong Tuần tĩnh tâm của ÐTC và của các vị Giáo Sĩ cấp cao tại Vatican.
Vatican - 23.02.99 - Tuần tĩnh tâm của ÐTC và các Giám Chức Giáo Triều Roma bước sang ngày thứ ba. Trong hai bài suy niệm chiều thứ Hai 22/02/99, Ðức Cha André-Mutien Léonard, Giám Mục Giáo Phận Namur bên Bỉ, trình bày những chặng đường Cuộc Tử Nạn của Chúa Giêsu, những giai đoạn của việc tự hạ mình tột điểm của Con Thiên Chúa, mà Tiên Tri Isaia gọi là "Ðầy Tớ đau khổ". Trước sự tự hạ của Ðấng Công Chính bị đè bẹp vì những tội ác lớn lao của nhân loại, Chúa Cha đáp lại bằng Cuộc Phục Sinh vinh quang, biến đổi khuôn mặt không còn hình tượng con người của Con Thiên Chúa, và khởi sự một nhân loại mới, một nhân loại đã chiến thắng tội lỗi và sự chết. Lễ Phục Sinh, đối với đức tin Kitô, là khởi sự "trời mới và đất mới". Vị giảng thuyết kết luận bằng việc nhấn mạnh rằng: Lễ Phục Sinh này đòi nơi người tín hữu Kitô một hành động đức tin; đây là một đòi hỏi kinh hoàng, nhưng Chúa Kitô bị đóng đanh và sống lại đáng được như vậy, vì Người đã phải trả giá rất cao để chiếm được lòng tin của chúng ta.
Trong hai bài suy niệm sáng thứ Ba 23/02/99, Ðức Cha Leonard trình bày điểm then chốt sau đây: Các tôn giáo, các nền triết học, các chế độ chính trị qua dòng lịch sử đã bật lên một vài tia sáng hy vọng cứu rỗi cho con người, nhưng hầu như luôn luôn có việc lám méo mó, cắt xén khía cạnh này khía cạnh kia của bản tính con người: đặt thể xác trên linh hồn hoặc ngược lại, đưa cá nhân lên trên cộng đoàn hoặc ngược lại, hiện tại trên tương lai, hoặc quá khứ trên cả hai hiện tại và tương lai... Khác hẳn mọi lời hứa với nhân loại qua các thế kỷ, trong Mầu Nhiệm Phục Sinh của Chúa Giêsu đóng đanh và sống lại, chúng ta có một hy vọng duy nhất và thực tế của việc cứu độ con người toàn diện và cứu độ tất cả mọi con người: cứu độ linh hồn và thể xác, cá nhân và xã hội, hiện tại, cùng với quá khứ vàø tương lai.