ÐTC tiếp tân Ðại Sứ Cộng Hòa Hungari trình thư ủy nhiệm.
Vatican - 08.02.99 - Lúc 11 giờ sáng thứ Hai, mùng 8 tháng 2/1999, ÐTC đã tiếp Tân Ðại Sứ Cộng Hòa Hungari, tiến sĩ Pal Tar, trình thư ủy nhiệm. Tân Ðại Sứ sinh năm 1931, có gia đình và hai người con. Ông đậu tiến sĩ năm 1958, tại Học Viện Cao Ðẳng Về Thương Mại (Ecole des HautesEtudesCommerciales) ởParis. Năm 1969 ông đậu tiến sĩ tại Học Viện Chính Trị (Institut d’Etudes Politiques) cũng tại Paris.
Từ năm 1961 đến 1991, ông là công chức cấp cao của Ngân Hàng Quốc Gia Paris và giũ nhửng chức vụ quan trọng sau đây: Tổng Giám Ðốc Ngân hàng quốc gia Paris tại Burxelles - Phó Giám Ðốc Ngân Hàng này tại Hồng Kông - Giám Ðốc Ngân Hàng quốc gia Paris tại Los Angeles - Tổng Giám Ðốc tại Houston và phó Giám Ðốc tại Paris. Ngoài ra ông còn giữ chức vụ Cố Vấn riêng của Thủ Tướng Jozsef Antali (1990 - 91) và sau đó được bổ nhiệm làm Ðại Sứ Hungari tại Hoa Kỳ. Từ năm 1994 tới nay, ông là Chủ Tịch Quĩ Lajos Batthyany".
Trong diễn văn chào mừng Tân Ðại Sứ Hungari, ÐTC gợi lại nguồn gốc tôn giáo, văn hóa và nhân bản đã giúp Hungari ra khỏi cơn thử thách lâu dài, rồi ngài nhấn mạnh đến vai trò thiết yếu của gia đình "nền tảng của xã hội và đền thánh của sự sống". Trong cơ hội thuận tiện này, ÐTC nhắc lại cho các tín hữu Kitô và cho tất cả mọi người thiện chí giá trị đầu tiên của mỗi sự sống con người, cách riêng sự sống của trẻ sẽ sinh ra. Về điểm này, ÐTC nhắc lại rằng việc hủy diệt con người yếu đuối hơn, là một vi phạm đến quyền sống của mỗi một con người. Vì thế ngài cầu chúc: "thể chế gia đình trở nên trung tâm của các lo lắng của các vị trách nhiệm về đời sống công cộng và cầu chúc mỗi một đôi bạn có những phương thế để đón nhận và giáo dục con cái, được Thiên Chúa ban cho và trao phó cho việc chăm sóc của họ".
Về việc chiếm lại được tự do, ÐTC nói: Ngài rất nhậy cảm trước những cố gắng của Nhà Cầm Quyền Hungari để đem đến cho Giáo Hội Công Giáo những phương tiện cần thiết nhằm bảo đảm việc thực hiện sứ mệnh thiêng liêng và việc lo lắng đến các tín hữu của mình, nhất là bằng việc trao trả lại các tài sản đã bị tước lột cách bất công.
Trong dấn thân của Giáo Hội để cộng tác vào việc xây dựng một xã hội luôn luôn công bình và liên đới hơn, ÐTC nhắc lại cách riêng việc giúp đỡ các người ít may mắn hơn và việc huấn luyện giới trẻ, bằng việc giáo huấn tại các trường công và tư và bằng việc giáo dục về các giá trị thiêng liêng, luân lý, nhân đạo và dân sự.
Trong các vị Thánh và Anh Hùng của Hungari, ÐTC nhắc đến Ðức Giám Mục Vilmos Apor, tử đạo, đã được chính ngài tôn phong lên bậc Chân Phước tháng 11 năm 1997 và Ðức Cố Hồng Y Jozsef Mindszenty "Vị chủ chăn nhiệt thành, vị bênh vực can đảm đức tin và tự do của dân tộc Hungari".
Nói đến những cố gắng của dân tộc Hungari để tìm lại công lý và hòa bình trong nội bộ và trong mối bang giao với các quốc gia lân cận, Ðức Gioan Phaolô II nói: "Công việc xây dựng Ðại Châu Âu đòi dấn thân của mọi người để phát triển tình huynh đệ đích thực". Vì thế, trong hòa đồng các dân tộc, cần phải có sự tôn trọng các nhóm thiểu số, để tính cách đặc thù của các nhóm này được công nhận bởi cộng đồng quốc gia và quốc tế và để các nhóm này có thể đem đến sự đóng góp tích cực vào việc xây dựng quốc gia nơi họ đang sinh sống. Rồi ngài nói thêm: Tòa Thánh không ngừng bênh vực quyền của mọi dân tộc và Tòa Thánh vui mừng về các cố gắng đã thực hiện để tiến đến sự hiệp nhất trong việc tôn trọng "căn cước văn hóa riêng của mỗi một dân tộc và trong sự hòa hợp giữa các dân tộc".
Trong diễn văn trình thư ủy nhiệm, Tân Ðại Sứ nhắc lại hai chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Hungari: tháng 8 năm 1991, lúc người lính sau cùng của quốc gia chiếm đóng vừa ra đi và tháng 9 năm 1996, để kỷ niệm 1000 năm thành lập Ðan Viện Pannonhalma, rồi lễ Phong Chân Phước cho Ðức Cha Vilmos Apor, tháng 11 năm 1997 tại Roma: cả ba biến cố này gây xúc động mạnh mẽ và để lại những ấn tượng sâu xa, đầy hy vọng cho tương lai Hungari.