Phản ứng báo chí
về diễn văn ÐTC Gioan Phaolô II
về tình hình thế giới trong năm 1998
đọc trước Ngoại Giao Ðoàn cạnh Tòa Thánh
sáng thứ Hai 11.01.99

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

THỜI SỰ: Phản ứng báo chí về diễn văn ÐTC Gioan Phaolô II về tình hình thế giới trong năm 1998, đọc trước Ngoại Giao Ðoàn cạnh Tòa Thánh sáng thứ Hai 11.01.99.

Báo chí xuất bản tại Ý sáng thứ Ba 12.01.99 đều lưu ý đến diễn văn quan trọng ÐTC Gioan Phaolô II đọc trước Ngoại Giao Ðoàn cạnh Tòa Thánh trong dịp Ðầu Năm Mới về tình hình thế giới trong năm 1998.

Nhật Báo Công Giáo Tương Lai (Avvenire) của Hội Ðồng Giám Mục Italia, đã dành một bài bình luận nơi trang nhất và tất cả trang hai và nửa trang ba cho bài diễn văn.

Trên trang hai, tờ báo Công Giáo đăng ba bài: một bài phỏng vấn của Giáo Sư Buonomo, Ðại Học Lateranense, với tít lớn cả trang: "Tôn giáo, việc khoan dung không đủ. Bài diễn văn của ÐTC đọc cho các vị đại sứ là một lời kêu gọi lương tâm mọi người, lời kêu gọi này gửi cả cho Tây Phương nữa; như vậy Ðức Gioan Phaolô II đưa ra một bài học cho cả thế giới, đó là: "Khi chỉ mộât mà thôi trong các quyền căn bản của con người bị vi phạm, thì trước hay sau gì các quyền khác cũng sẽ bị vi phạm".

Giáo sư Buonomo giải thích: "ÐTC nhắc lại cho mọi người rằng: quyền tự do tôn giáo như một quyền căn bản của mọi quyền khác. Châu Âu này sai lầm. Châu Âu này hãnh diện về đồng tiền duy nhất, nhưng Châu này lại đi đến chỗ giới hạn tôn giáo vào một sự việc hoàn toàn tư riêng, giới hạn vào khu vực phụng tự mà thôi. Và tôi có thể quả quyết: việc giới hạn này đưa đến việc coi tôn giáo là một hiện tượng văn hóa, như nhiều hiện tượng khác. ÐTC cảnh tỉnh Châu Âu vì đang coi trọng vấn đề kinh tế, và hãnh diện về đồng tiền chung, đồng "Euro" duy nhất. Dĩ nhiên đây là một bước tiến đến Châu Âu thống nhất. Không ai phủ nhận điểm tích cực này; nhưng thống nhất kinh tế, chính trị mà thôi không đủ và sẽ không bền bỉ, bởi vì Châu Âu không coi trọng vấn đề con người. Trái lại ÐTC nhắc lại rằng: nền tảng của phẩm giá con người, không phải là phẩm giá trừu tượng, mà cụ thể được thể hiện trong quyền sống, quyền có việc làm, quyền gia đình, quyền tự do tôn giáo".

Trong bài hai: nhật báo Công Giáo Tương Lai nhắc lại những dấu hiệu hy vọng của năm 1998 được ÐTC nhắc đến trong diễn văn:

Bài ba đăng bản dịch bằng tiếng Ý bài diễn văn của ÐTC. Nguyên văn bằng tiếng Pháp là tiếng Ngoại Giao của Tòa Thánh.

Trên trang ba, Avvenire viết với tít cỡ bự: "Một trật tự mới theo Ðức Wojtyla". Trên tít này, tờ báo Công Giáo viết: "Trong diễn văn truyền thống đọc hôm thứ Hai 11 tháng Giêng 1999, cho các vị đại sứ cạnh Vatican, đại diện 169 quốc gia có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, Ðức Gioan Phaolô II lại một lần nữa lên tiếng bênh vực các dân tộc, bằng việc nêu lên những vụ tranh chấp chưa được giải quyết, bắt đầu từ Châu Phi". Nhật Báo Tương Lai còn viết thêm như sau: "ÐTC nói với các nhà ngoại giao: cần lập lại quyền của con người, khởi sự từ nền đạo đức luân lý".

Trong bài, tờ báo Công Giáo viết: Không nên chỉ đọc bài diễn văn này như một bản thống kê về các điểm tiêu cực và tích cực. Diễn văn này làm cho Cộng Ðồng Quốc Tế suy tư về một đòi hỏi, giống như một việc "tái lập" các mối quan quan hệ giữa các dân tộc, vì ÐTC quả quyết rằng: "luật quốc tế không thể và không được trở thành luật của kẻ mạnh hay luật của đa số đơn giản của các nước, cũng không thể là luật của một tổ chức quốc tế, nhưng là luật phù hợp với các nguyên tắc của luật tự nhiên và của luật luân lý".

Nhật Báo Il Tempo (Thời Báo) đã đăng và bình luận bài diễn văn của ÐTC cho ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, nơi trang dành cho mục Văn Hóa - với tít lớn chiếm cả trang: "Trái đất này không thễ quên Thiên Chúa được", tờ báo Roma đã nhận định như sau: "Hôm qua (11/01/99) ÐTC đã phác họa tình hình thế giới trước 169 vị đại sứ". Trong bài dài, báo này viết: "Dù cao niên và mệt mỏi, vị Giáo Hoàng bất khuất này đi một vòng thế giới và đây là lần thứ ba trong tháng Giêng 1999 này ngài lên tiếng bênh vực con người nam, nữ bị chà đạp, bị xúc phạm trong quyền hòa bình, quyền tự do của họ. Mỗi lần, ngài lên tiếng mạnh thêm: trong sứ điệp ngày đầu năm về ngày hòa bình, rồi ngày mồng 3/01/99 trong giờ đọc Kinh Truyền Tin và ngày hôm qua (11/01/99), trong khi làm bản thống kê về thế giới...".

Bài báo viết tiếp: "Và đây là lần thứ nhất Tây Phương bị đưa vào trong điểm tiêu cực. Thuyết bất khả tri cố chấp, chủ trương trí tuệ con người không thể biết được những cái tuyệt đối, và có khuynh hướng giới hạn Giáo Hội vào khu vực phụng tự mà thôi, bằng việc không chấp nhận hay khó chấp nhận giáo huấn công cộng của Giáo Hội".

Bài báo cũng nhấn mạnh đến điểm được Ðức Gioan Phaolô II lưu ý cách riêng: Vấn đề tự do tôn giáo. Ngài nói: Tại Á Châu, nhà thờ bị phá hủy, nhân sự tôn giáo bị xử tàn nhẫn, nhiều khi bị sát hại nữa. - Rồi tại các miền khác, nơi Hồi Giáo chiếm đa số, người ta phải than phiền về những kỳ thị trầm trọng đối với các tín hữu của các tôn giáo khác. Rồi còn có nơi, việc phụng tựï Kitô hoàn toàn bị cấm và việc giữ cuốn Kinh Thánh bị coi là một tội ác. ÐTC quả quyết: Tương lai của xã hội sẽ tùy thuộc vào những mối liên hệ không thể bỏ qua được giữa Thiên Chúa và Trái Ðất này".

Tờ Corriere della sera, xuất bản tại Milano, viết nơi trang 15, trang dành cho các biến cố ngoại quốc: "Ðức Gioan Phaolô II: Chiến tranh không giải quyết, nhưng gây nên sự trầm trọng tại miền vụng Vịnh Ba Tư". Cơn khủng hoảng Irak một lần nữa cho thấy chiến tranh không giải quyết được các vấn đề: "chiến tranh gây nên nhiều phức tạp và hậu quả bi thảm của chiến tranh đè nặng trên người dân". Báo này viết: Ðây là những lời Ðức Gioan Phaolô II nói lên trong bài diễn văn đọc cho Ngoại Giao Ðoàn, trong cuộc gặp gỡ chúc mừng Năm Mới 1999.


Back to Radio Veritas Asia Home Page