Tường thuật ngày nhất (thứ Sáu 7/05/99) trong chuyến viếng thăm của ÐTC Gioan Phaolô II tại Rumani (7-9/05/1999).
Theo hãng tin quốc tế AFP, thì ÐTC Gioan Phaolô II đã được đón tiếp hết sức nồng nhiệt khi vừa đặt chân xuống Phi Trường Thủ Ðô Bucarest. Máy bay chở ÐTC từ Roma đến thủ đô Bucarest, đã xử dụng hàng lang phía nam, bay sang không phận của Hy Lạp và Bulgari, bởi vì hàng lang không phận phía bắc chỉ dành cho các máy bay của NATO mà thôi.
Ngày 18 tháng 5/1999 nầy, ÐTC sẽ mừng sinh nhật thứ 79. Dân chúng nhìn thấy ÐTC từ từ xuống thang máy bay. Tổng Thống Rumani đến tận chân cầu thang máy bay để đón ÐTC và dìu ngài về khán đài danh dự. ÐTC bước đi chậm, một tay cầm gậy chống, một tay vịnh vào Tổng Thống Rumani, ông Emil Constantinescu. Các vị lãnh đạo tôn giáo của Giáo Hội Chính Thống cũng như của Giáo Hội Công Giáo đều có mặt tại Phi Trường chào đón ÐTC. Hai trẻ nữ trong y phục truyền thống đã dâng lên ÐTC hai dĩa đựng Bánh Mì và Muối, cử chỉ tượng trưng cho sự tiếp đón, theo truyền thống dân tộc Rumani. Vì tuổi tác và sức khỏe, ÐTC không quỳ xuống hôn đất, như ngài có thói quen làm, khi đến viếng thăm lần đầu tiên một quốc gia nào, nhưng ÐTC chỉ cúi mình hôn đất trong chậu được đưa lên cho ngài.
Biện pháp an ninh trong suốt những ngày ÐTC viếng thăm Bucarest, là rất nghiêm nghặt, xét vì tính cách đặc biệt lịch sử của chuyến viếng thăm nầy. Ngoài con số 7,000 cảnh sát viên, còn có khoảng 700 nhân viên thuộc lực lượng an ninh đặc biệt bố trí gần bên, để đề phòng mọi bất trắc. Nhật báo LIBERTATEA, số phát hành sáng thứ Sáu, mùng 7 tháng 5/1999, đã loan tin là có 14 người KURD đã bị bắt giữ vì có âm mưu tấn công ÐTC.
Ðức Thượng Phụ Giáo Chủ TEOCTIST của Giáo Hội Chính Thống Rumani đã ngỏ lời chào ÐTC như sau:
"Chúng tôi hy vọng được hưởng thành quả tốt đẹp của sự hiện diện của ÐTC, một người cổ võ cho sự hòa giải giữa các dân tộc, để nói lên lời kêu gọi cho Hòa Bình tại Yougoslavi, và kêu gọi hãy ngưng chiến ngay tức khắc. Ngàn Năm thứ hai đã bắt đầu với biến cố đau thương chia rẽ Giáo Hội; nhưng giờ đây, Ngàn Năm nầy kết thúc với một dấu chỉ nói lên ước muốn và những cố gắng nhắm đến sự hòa giải Giáo Hội." Ðức Thượng Phụ Giáo Chủ của Giáo Hội Chính Thống Rumani hy vọng là vết thương chia rẽ vào năm 1054, lúc bắt đầu Ngàn Năm thứ hai, có thể được chữa lành vào lúc kết thúc Ngàn Năm nầy. Ngài nói lên cam kết như sau: "Giáo Hội Chính Thống Rumani lãnh lấy vai trò của mình bên cạnh các giáo hội khác, để xây dựng lại sự hiệp nhất Ðức Tin của những người Kitô."
Phần Tổng Thống Roumani, trong bài diễn văn chào mừng ÐTC, Ông đã không bỏ qua dịp để nói lên lập trường của mình đối với những gì đang xảy ra tại Yougoaslavi láng giềng. Ông nói như sau:
"Chúng tôi không thể nào có thái độ thụ động, khi những con người như chúng ta bị đuổi ra khỏi nhà cửa và đất đai của họ. Và chúng ta không thể nào có thái độ lảnh đạm dửng dưng, khi các dân tộc phải gánh chịu những đau khổ vì thái độ vô trách nhiệm và hành động của những vị lãnh đạo họ."
Về phần mình, đáp lại những lời chào mừng tại Phi Trường, ÐTC xác định vai trò của mình như là "nguời hành hương của Hòa Bình, của tình huynh đệ và sự thông cảm giữa các quốc gia, giữa các dân tộc, và giữa những đồ đệ của Chúa Kitô." ÐTC cũng đã không quên nhắc đến những vấn đề do chế độ cộng sản Rumani gây ra trước đây, với những lời như sau: "Tôi hy vọng là chuyến viếng thăm này có thể chữa lành những vết thương gây ra cho những Giáo Hội của chúng ta, trong vòng 50 năm qua, và mở ra một giai đoạn mới của sự tin tưởng và cộng tác với nhau."
Cách riêng vối những anh chị em Công Giáo, ÐTC nói như sau:
"Cuối cùng rồi tôi cũng được đến đây giữa anh chị em, như người hành hương của đức tin và niềm hy vọng. Tất cả anh chị em rất thân mến, tất cả anh chị em những người Công Giáo thuộc mọi cộng đoàn, mọi giáo phận, những Linh Mục, những người tận hiến, và những giáo dân, tôi xin ôm hôn anh chị em và chào anh chị em với những lời của Thánh Tông Ðồ Phaolô: "Chúc anh chị em ân sũng và bình an của Thiên Chúa Cha chúng ta và của Chúa Giêsu Kitô" (1Co 1,3). Chuyến viếng thăm nầy của tôi nhắm cũng cố những mối giây liên kết giữa Rumani và Tòa Thánh… Như mọi người biết, Ðức Tin đã được mang đến vùng đất nầy do bởi nguời anh của Phêrô là Thánh tông đồ Anrê, Ðấng đã dùng cái chết để ghi dấu trên công việc truyền giáo của mình."
Kết thúc những lời chào chúc đầu tiên, ÐTC khuyến khích như sau:
"Ðể chữa lành những vết thương của quá khứ gần đây đầy đau thương, cần phải có kiên nhẫn và sự khôn ngoan, cần có tinh thần dấn thân làm việc và sự liêm khiết. Ðây là trách vụ của tất cả mọi người, trách vụ khó khăn nhưng phấn khởi; đây là một thách thức cho chúng con, hỡi những người trẻ, chúng con là tưông lai của dân tộc quảng đại nầy tại Rumani. Chúng con đừng sợ phải can đảm lảnh lấy trách nhiệm của mình và hãy nhìn về tương lai với niềm tin tưởng. Về phần mình, Giáo Hội Công Giáo sẵn sàng đóng góp, và hoạt động với mọi phương tiện có thể, để góp phần vào việc huấn luyện những công dân biết chú ý đến những đòi hỏi thật của công ích.
Hỡi Rumani, Mảnh Dất Bắc cầu giữa Ðông và Tây, nơi gặp nhau giữa Trung và Ðông Âu, hỡi Rumani, mà truyền thống gọi bằng tước hiệu là "Mảnh Vườn của Ðức Maria", tôi đến thăm Rumani nhân danh Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa và Con của Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria. Trước thềm của Ngàn Năm mới, xin hãy đặt tương lai của Rumani trên tảng đá vững chắc Phúc Âm Chúa. Với sự trợ giúp của Chúa Kitô, Rumani sẽ là kẻ chủ chốt kiến tạo một thời đại mới đầy hăng say và can đảm."
Sau nghi lễ đón tiếp tại Phi Trường, ÐTC Gioan Phaolô II và Ðức Giáo Chủ Giáo Hội Chính Thống Rumani, cả hai trong áo dòng trắng, cùng lên xe tiến về trung tâm thủ đô Bucarest, để kính viếng Nhà Thờ Chính Tòa của Giáo Hội Chính Thống Rumani, nằm cách Phi Trường khoảng 12 cây số. Tại Nhà Thờ Chính Tòa nầy, ÐTC tham dự buổi cầu nguyện theo nghi thức Ðông Phương Byzantin và ngỏ lời với dân chúng. Trước khi đọc bài diễn văn bằng tiếng Rumani, ÐTC vui miệng nói bằng tiếng Pháp để Ðức Giáo Chủ TEOCTIST dịch lại. ÐTC đã nói vui miệng như sau: "Nếu tôi nói tiếng Rumani sai, thì anh chị em hãy sửa lại cho tôi!" ÐTC cũng đã nói những lời tương tự như vậy bằng tiếng Ý, vào lúc đầu tiên xuất hiện trình diện với dân chúng tại Quảng Trường thánh Phêrô, Roma, lúc mới vừa được chọn lên kế vị thánh Phêrô. ÐTC đã nhắc đến lịch sử Kitô ngàn đời của dân tộc Rumani như sau: "Chúa Kitô đã luôn luôn đồng hành với những thăng trầm của đất nước Rumani. Làm sao ta không nhớ lại rằng công việc rao giảng phúc âm và việc thành hình những cộng đoàn Kitô đầu tiên đã ăn khớp với chính việc hình thành dân tộc ngàn đời và cao quý của anh chị em? Làm sao mà không nhắc lại với lòng tri ân rằng Phúc Âm đã nhào nắn và thấm nhập sâu xa, ngay từ đầu, vào đời sống và phong tục của anh chị em, và như thế trở thành nguồn mạch của nền văn minh và nguyên tắc tổng hợp những hồn khác nhau của nền văn hóa của anh chị em?
Hỡi anh chị em Rumani, Nguyện Xin Chúa đồng hành với dân tộc anh chị em tiến về Ngàn Năm Kitô thứ ba. Ước chi ngài ban cho anh chị em sức mạnh để xây dựng nền văn minh của tình thương, được xây dựng trên sự công bằng, tình liên đới, sự dấn thân phục vụ cho công ích và cho sự chung sống huynh đệ. Một cách đặc biệt, tôi cầu chúc sao cho sự thông cảm càng ngày càng nhiều giữa tất cả những ai mang danh Kitô -- những người Chính Thống, những người Công Giáo trong nhiều nghi lễ khác nhau và những anh chị em Tin Lành thuộc về nhiều cộng đoàn riêng -- (ước chi sự hiểu nhau đó) trở thành men xây đắp sự hiệp nhất và hòa hợp bên trong nội bộ Quê Hương của anh chị em và trong toàn Ðại Lục Âu Châu. Chúc bình an của Chúa Kitô luôn ở cùng anh chị em. Amen.
Ðó là vài điểm đáng chú ý trong hai biến cố đầu tiên của chuyến viếng thăm của ÐTC tại Rumani, chiều thứ Sáu 7/05/99. Còn hai biến cố kế tiếp: Gặp Gỡ với Các Giám Mục Công Giáo và Thăm xã giao Tổng Thống và Chính Phủ Rumani,chúng tôi xin hẹn sẽ kể tiếp trong buổi phát lần sau.