ÐTC nhấn mạnh đến
giá trị của việc cầu nguyện chung
trong các cuộc gặp gỡ đại kết
nhân dịp tiếp chung
các Giám Mục Hy Lạp
đến Roma viếng Tòa Thánh

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

ÐTC nhấn mạnh đến giá trị của việc cầu nguyện chung trong các cuộc gặp gỡ đại kết nhân dịp tiếp chung các Giám Mục Hy Lạp đến Roma viếng Tòa Thánh (Ad Limina).

Vatican - 05.02.99 - Sáng thứ Sáu, mùng 5 tháng 2/1999, sau thánh lễ đồng tế trong nhà nguyện riêng của ngài, ÐTC tiếp chung các Giám Mục Công Giáo Hy Lạp đến Roma viếng Tòa Thánh. Trong diễn văn dài 4 trang trao cho các vị chủ chăn Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp, sau những lời chào thăm và cảm ơn về cuộc gặp gỡ này, ÐTC đã xin các ngài tổ chức chặt chẽ hơn Hội Ðồng Giám Mục và nên thành lập một Văn Phòng thường trực, để điều hành công việc cách nhanh chóng và hiệu nghiệm hơn. Sau đó ÐTC khuyên các Giám Mục lưu ý nhiều đến các linh mục phải làm việc trong những hoàn cảnh khó khăn. Theo bản tường trình của các Giám Mục, vần đề khan hiếm linh mục là một trong các mối lo ngại của các vị chủ chăn. ÐTC khuyên hãy lưu ý đến vấn đề mục vụ ơn gọi và việc giáo dục đạo đức con cái trong các gia đình. Phần các Tu Sĩ nam, nữ, họ là những người đóng một vai trò không thể thay thế được. Họ cần phải cộng tác với các vị chủ chăn và luôn luôn trung thành với đặc sủng cùa mình. ÐTC xin các tu hội gởi thêm nhân sự, để giúp Giáo Hội tại Hy Lạp thực hiện sứ mệnh của mình. Các Nam, Nữ tu sĩ cũng có một vai trò quan trọng trong việc cổ võ các ơn kêu gọi. Các vị này có bổn phận minh chứng trong đời sống hằng ngày rằng: việc theo Chúa đem lại an vui, hạnh phúc như thế nào, để giúp giới trẻ khám phá ra ơn kêu gọi của mình. Ðối với người giáo dân, ÐTC nói như sau: Lãnh nhận sự chăm sóc của Giáo Hội, người giáo dân có bổn phận góp phần của mình vào đời sống xã hội, bằng việc phục vụ công ích. Tại Hy Lạp cũng như tại các nơi khác, người Công Giáo có bổn phận hoạt động không ngừng cho cuộc chung sống hòa bình giữa các người dân trong nước, để tất cả đều được hưởng các quyền lợi và các tự do như nhau, cách riêng tự do tôn giáo. Về gia đình, ÐTC nhắc đến những khó khăn do những hoàn cảnh và thay đổi nhanh chóng bên ngoài cũng như do giữa vợ chồng với nhau, vì những hôn nhân hỗn hợp. Dó đó việc giáo dục con cái nhất là về đức tin Công Giáo trở nên phức tạp. Nhờ việc mục vụ xứng hợp, Giáo Hội phải nhắc lại tính cách bất khả li của Hôn Nhân Công Giáo và sự cần thiết phải sống đời sống đôi bạn trong phù hợp với đức tin của mình.

Ngoài ra, ÐTC còn nhắc lại một số điểm khác, như về Phụng Vụ; cần phải tôn trọng các truyền thống Công Giáo và gia tài phụng vụ của Giáo Hội Latinh: Phụng Vụ giúp các tín hữu dễ dàng đến gần Chúa Kitô, vừa gặp gỡ Người trong các Bí Tích và trong sự trang nghiêm, huy hoàng của Lễ Nghi Phụng Vụ. Về đối thoại với các Giáo Hội Kitô khác, cách riêng với Giáo Hội Chính Thống rất mạnh mẽ tại Hy Lạp. ÐTC nói rằng: "Tình hình riêng của Giáo Hội Công Giáo tại Hy Lạp thúc đẩy Giáo Hội đào sâu không ngừng lời kêu gọi của Chúa luôn luôn tiến trên con đường hiệp nhất, bằng cách đáp lại những giáo huấn của Công Ðồng Chung Vatican II. Trong các lời khẫn xin sốt sắng và tha thiết hơn cả trong giờ phút đặc biệt này, giờ phút sắp bước vào Ngàn Năm thứ ba, Giáo Hội khẩn xin Thiên Chúa để Người gia tăng sự hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô thuộc các Giáo Hội khác nhau, và trợ giúp để tiến mãi đến sự hiệp thông hoàn toàn. Tôi ước mong Ðại Toàn Xá là cơ hội thuận tiện của một sự cộng tác trong những gì liên kết chúng ta lại với nhau, nhiều hơn những gì chia rẽ chúng ta" (xem TMA, 16). Ðể tiến đến hiệp nhất các tín hữu, ÐTC nhấn mạnh đến giá trị của việc cầu nguyện chung trong các cuộc gặp gỡ đại kết. Ngài nói: "Việc chúng ta cùng thông phần vào việc cầu nguyện làm cho chúng ta trở nên quen sống bên cạnh nhau, giúp chúng ta đón nhận nhau và đo đó, chúng ta thực hiện thánh ý Chúa: xin cho mọi người trở nên như một" ( xem Thông điệp Ut unum sint, 53).

ÐTC nhấn mạnh đến việc đối thoại tiến đến hiệp nhất, vì Giáo Hội Công Giáo tại Hy Lạp là một Giáo Hội thiểu số, sống giữa Giáo Hội Chính Thống hùng mạnh, không có cảm tình với Giáo Hội Công Giáo, và nắm giữ một vai trò quan trọng trong đời sống chính trị. Số tín hữu Công Giáo chỉ có 61 ngàn, trong tổng số 10 triệu dân cư (hầu hết theo Giáo Hội Chính Thống), được chia thành 100 giáo xứ, dưới sự hướng dẫn thiêng liêng của khoảng 100 linh mục, 120 nữ tu. Ngoài ra Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp có 10 cơ sở từ thiện xã hội - và 30 trường học với 27 ngàn học sinh thuộc các Giáo Hội và tôn giáo khác nhau. Vì thế, trong bài diễn văn trao cho các Giám Mục, ÐTC cũng nhấn mạnh đến vai trò của các trường Công Giáo: một đóng góp thiết yếu cho đời sống xã hội, bởi vì nơi đây việc khám phá và tôn trọng nhau là những yếu tố sẽ giúp giới trẻ Hy Lạp chung sống hòa bình trong sự tôn trọng các khác biệt của nhau.


Back to Radio Veritas Asia Home Page