Vài nét về tình hình Giáo Hội Công Giáo tại Thánh Ðịa.
Trong bài phỏng vấn dành cho nhật báo Công Giáo Ý Tương Lai (Avvenire), số ra ngày 31.08.99 vừa qua, Ðức Cha Michel Sabbab, Giáo Chủ các tín hữu Công Giáo thuộc lễ nghi Latinh tại Giêrusalem đã cho biết về tình hình hiện nay của cộng đồng Công Giáo tại Thánh Ðịa; đồng thời Ðức Giáo Chủ kêu gọi các Giáo Hội Tây Phương đừng quên đoàn chiên nhỏ bé tại đây.
Tháng Giêng năm 1964, trong cuộc hành hương Thánh Ðịa, Ðức Phaolô VI (1963-1978) kêu gọi cộng đồng Kitô trên cả thế giới, hãy giúp đỡ "đoàn chiên nhỏ bé" của Giáo Hội Giêrusalem, để các nơi thánh, khỏi biến thành những bảo tàng viện.
Thực sự, trong những năm vừa qua, nhiều tín hữu Kitô vẫn tiếp tục ra đi. Trong cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo "Tương Lai" (Avvenire) Ðức Giáo Chủ đã có những nhận xét sau đây về tình hình hiện nay của Cộng Ðồng Kitô tại Thánh Ðịa. Ngài nói: Thánh Ðịa là quê hương thiêng liêng của tất cả các tín hữu Kitô; nhưng tại Thánh Ðịa, nói đúng ra, cộng đồng Kitô lại là một cộng đồng bé nhỏ, ngày nay cũng như ngày xưa, và sẽ là bé nhỏ trong tuơng lai nữa, vì những bất ổn về chính trị, kinh tế và xã hội; do đó, nhiều tín hữu ra đi khỏi miền này. Thế giới đều thấy rằng: Miền Trung Ðông từ nhiều năm nay, không có ổn định chính trị. Khi nội chiến xảy ra tại Liban, Quân Ðội Syrie tràn sang để giúp phe này phe nọ. Nay, cuộc nội chiến đã chấm dứt, nhưng hơn 30 ngàn binh sĩ của Syrie vẫn ở lại trên đất Liban. Miền Nam Liban thường bị Do Thái oanh tạc, vì lực lượng ngoại quốc dùng miền này làm căn cứ, để tấn công vào Do Thái. Ngoài ra, tiến trình hòa bình giữa Do Thái và Palestine gặp nhiều trở ngại. Những vụ khủng bố vẫn xẩy ra. Người ta hy vọng, với chính phủ mới của Do Thái, thỏa ước hòa bình đã được ký kết trước đây giữa Do Thái và Palestine, thì nay sẽ được thi hành một cách nghiêm chỉnh và miền Trung Ðông được sống hòa bình trong Ngàn Năm thứ ba của Kỷ Nguyên Kitô.
Ðứng trước những khó khăn và cuộc ra đi của người dân, Ðức Giáo Chủ Sabbah không bi quan. Ngài nói: Tôi tin rằng các đền thánh sẽ không bao giờ trở nên bảo tàng viện, sẽ luôn luôn có một cộng đồng Kitô sống động chung quanh các nơi thánh. Dĩ nhiên, nếu nhìn vào các con số, chúng ta sẽ thấy nhiều lý do để bi quan, để lo lắng.
Tại Belem, cách đây
50 năm, số tín hữu Kitô là
6 ngàn tín hữu trên tổng số
8 ngàn dân cư;
Ngày nay tỉ lệ đã thay đổi,
tức tổng số tín hữu là12
ngàn trên tổng số 40 ngàn dân
cư.
Nếu chúng ta nhìn rộng thêm nữa trên toàn lãnh thổ của Tòa Giáo chủ ( ồm Israel, Palestine, Jordanie và Ðảo Chypre) chúng ta thấy:
Trong tổng số 30 triệu dân
cư, thì chỉ có 300 ngàn tín hữu
Kitô: một nửa sinh sống tại Jordanie
và nửa khác tại Israel và Palestine.
Trong số 300 ngàn tín hữu Kitô,
người Công Giáo chiếm khoảng
140 ngàn (gần một nửa), thuộc các
lễ nghi khác nhau: Latinh, Melchite, Maronite, Arménie,
Syrie, Chaldée... ..
90% trong số các tín hữu Kitô
là người Palestine hoặc Jordanie, thuộc
nền văn hóa Ả Rập.
Khi được hỏi: "Các tín hữu Kitô tại Thánh Ðịa xưa kia cũng như ngày nay vẫn gặp nhiều khó khăn. Vậy Giáo Hội Giêrusalem cần những sự giúp đỡ nào", thì Ðức Giáo Chủ trả lời đại ý như sau: Ðược làm tín hữu Kitô tại Thánh Ðịa là một ơn kêu gọi, nhưng một ơn kêu gọi sống đời sống đầy khó khăn, cản trở. Việc ủng hộ trước tiên phải được tìm thấy nơi chính bản thân mình, trong việc chấp nhận ơn gọi đặc biệt này. Việc ủng hộ thứ hai đến từ các Giáo Hội khác. Các viện trợ mà Giáo Hội Giêrusalem nhận được cho tới nay được xử dụng cho việc xây cất các nhà thờ và trường học. Hội từ thiện Caritas đóng một vai trò rất quan trọng trong việc cứu trợ nhân đạo. Nếu các Giáo Hội quan tâm đến Thánh Ðịa, thì cần có một kế hoạch nhằm đến việc nâng giá trị của đoàn hiên nhỏ hiện đang sống tại các nơi thánh của Chúa.
Ðức Giáo Chủ đưa ra ba ưu tiên và ba lãnh vực cần phải can thiệp:
Trước hết là công việc giáo dục, với sự chú ý đến nền giáo huấn cấp cao, bởi vì cần đem đến cho giới trẻ một nền giáo huấn đại học và như vậy ủng hộ tích cực sự hiện diện của các tín hữu Kitô trong xã hội.
Kế đến là một quĩ để mua lại và bảo tồn đất đai: các tín hữu Kitô bán đất đai của họ, vì phải sống trong hoàn cảnh túng thiếu hoặc để ra đi nước ngoài. Giáo Hội phải có thể mua lại những đất đai này để rồi phân chia cho cộng đồng Kitô, hoặc lập những quĩ tiết kiệm, cho những ai túng thiếu vay tiền, để họ khỏi bán ruộng đất để sống.
Sau cùng là vấn đề nhà ở. Cần phải bảo đảm một nhà ở xứng đáng cho tất cả những ai sống trong hoàn cảnh khó khăn, trong tình hình bất ổn của đất nước.
Sau cùng, Ðức Giáo Chủ nói đến việc chuẩn bị Ðại Toàn Xá và chuyến viếng thăm của ÐTC. Ðể chuẩn bị Ðại Toàn Xá, một Hội Nghị (Synode) được khai mạc từ năm 1995 và sẽ bế mạc vào tháng 2 năm 2000. Rồi nhiều Tiểu Ban được thành lập, trong số này có một tiểu ban phụ trách việc đón tiếp đại diện các Giáo Hội Công Giáo đến hành hương Thánh Ðịa trong Năm Toàn Xá; một tiểu ban khác lo việc đối thoại giữa các Giáo Hội khác nhau. Chuyến viếng thăm của ÐTC sẽ là điểm cao nhất của Năm Thánh và Ðức Giáo Chủ tin chắc rằng: Giáo Hội Giêrusalem sẽ lãnh nhận được một sự giúp đỡ thiêng liêng lớn lao để tiến lên. Ngài nói: "Từ nơi này, Phêrô đã ra đi; trong thành thánh này, tại các nơi thánh này, tất cả đã được khởi sự; nhưng Giáo Hội của chúng tôi vẫn là một Giáo Hội bé nhỏ, một Giáo Hội của Thập Giá."