ÐTC kêu gọi chặn đứng tức khắc chiến tranh tại Kosovo, nhân dịp tiếp các Ðại Diện Quốc Hội của Hội Ðồng Châu Âu.
Vatican - 29.03.99 - Sáng thứ Hai, 29/03/99, với lễ nghi long trọng như khi tiếp Ngoại Giao Ðoàn dịp Ðầu Năm dương lịch, tại Phòng Khánh Tiết Clementina (nơi vẫn tiếp Ngoại Giao Ðoàn cạnh Tòa Thánh) trong Ðền Vatican, ÐTC tiếp các Ðại Diện thuộc các Ủy Ban Ngoại vụ, Luật Pháp, Nhân Quyền, Di Dân, Tị Nạn và Dân Số của Quốc Hội Châu Âu, một tổ chức gồm 40 quốc gia.
Trong diễn văn bằng tiếng Pháp, trước hết ÐTC nói đến chiến tranh hiện nay tại Yougoslavie như sau: "Cần phải chặn đứng tức khắc chiến tranh tại Kosovo: đây là nhật lệnh thứ nhất của Quốc Hội Châu Âu. Bên cạnh những ai đau khổ vì chiến tranh, một chiến tranh diễn ra trước cửa nhà chúng ta và gây thương tích cho cả Châu Âu, tôi nài xin tất cả phải cùng nhau hoạt động, để tái lập hòa bình trong miền và để người dân được sống trong tình huynh đệ trên đất nước của họ". ÐTC nói tiếp: "Ðáp lại bạo động bằng một bạo động khác, không bao giờ là con đường phải theo để ra khỏi cơn khủng hoảng. Vì thế cần làm cho tiếng súng yên lặng và ngừng ngay các hành động báo thù để khởi sự những cuộc đàm phán, trong đó các phe liên hệ đều dấn thân, với ý muốn mau tiến đến một thỏa ước, tôn trọng các dân tộc và các nền văn hóa khác nhau; các dân tộc này được mời gọi xây dựng một xã hội chung, tôn trọng tự do nền tảng của con người. Như vậy tiến trình này sẽ có thể được ghi vào lịch sử như một yếu tố mới đầy hứa hẹn cho công việc xây dựng Châu Âu hòa bình và huynh đệ hơn".
Sau đó, nhắc đến năm nay mừng kỷ niệm 50 năm thành lập Hội đồng Châu Âu, ÐTC ca ngợi những nỗ lực cao cả đã làm, do một trong các thể chế lâu đời nhất của Châu Âu, sau đệ nhị thế chiến. Ngài nói: "Dù đã và còn đang có nhiều khó khăn gặp phải trên con đường dân chủ và nhân quyền, nhưng sự trung thành với Qui Chế của Hội Ðồng vẫn được bảo tồn từ khi thành lập đến nay. Mục tiêu luôn được nhắm đến là: "Ðoàn kết các dân tộc Châu Âu trên nền tảng của gia tài các giá trị chung cho các dân tôïc".
Trên nền tảng của các giá trị chung này, ÐTC ước mong rằng quyền căn bản hơn cả, đó là quyền sống; và như vậy cẫn phải bãi bỏ án tử hình trong tất cả Châu Âu. Ðức Gioan Phaolô II nói: "Quyền đầu tiên và không bao giờ mất hiệu lực là quyền sống; và quyền sống nầy bao gồm không những việc con người được sống còn, mà còn phải được sống trong những điều kiện công bình và xứng đáng. Chúng ta còn phải chờ đợi cho đến lúc nào để quyền hưởng hòa bình được công nhận như quyền căn bản tại tất cả Châu Âu và được tất cả các vị trách nhiệm về đời sống công cộng đem ra thực hành?
Trong phần cuối diễn văn, ÐTC xin các vi Ðại Diện của Quốc Hội Châu Âu hãy dấn thân nhiều hơn để thực hiện một đường lối chính trị nghiêm chỉnh về gia đình, đường lối chính trị bảo đảm các quyền của các người lập gia đình và của hài nhi, một đường lối chính trị cần thiết cho việc đoàn kết chặt chẽ và cho tính cách ổn định xã hội. ÐTC xin Quốc Hội của mỗi quốc gia hãy tăng nỗ lực để ủng hộ tế bào nền tảng của xã hội, tức gia đình, nơi đầu tiên của việc xã hội hóa, một vốn liếng của nền an ninh và của tín nhiệm cho các thế hệ mới của Châu Âu. ÐTC không quên nhắc đến vai trò riêng biệt mà các tôn giáo thực hiện để đoàn kết các dân tộc, không những trong ý nghĩa thiêng liêng, nhưng cả trong đời sống xã hội nữa, nhằm phục vụ con người. Ðiều này cho thấy rằng các tôn giáo có một sự đóng góp riêng vào việc xây dựng Châu Âu và tạo nên "men" cho việc thực hiện một sự hiệp nhất chặt chẽ hơn giữa các dân tộc.
Kết thúc diễn văn, ÐTC nói: "Vào cuối buổi gặp gỡ của chúng ta, tôi khuyến khích các Ngài theo đuổi sứ mệnh, để làm cho Châu Âu ngày mai được trở nên trước hết Châu Âu của người dân và của các dân tộc, cùng nhau xây dựng một xã hội công bình và huynh đệ hơn; bạo động và việc từ chối phẩm giá nền tảng của con người phải được loại trừ khỏi đây. Trong khi phú thác các Ngài cho sự che chở của các Thánh Biển Ðức, Cirillo và Methodio, Quan Thầy Châu Âu, tôi vui lòng ban Phép Lành cho các Ngài, cho gia đình và tất cả các người thân yêu của các Ngài".