Vài nét lịch sử
về mối quan hệ ngoại giao
giữa Tòa Thánh và Trung Quốc

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Vài nét lịch sử về mối quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Trung Quốc.

Hai Giám Mục Trung Quốc được ÐTC mời tham dự Khóa Họp đặc biệt của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu, được triệu tập sau lễ Phục sinh năm 1998, đã bị chính phủ Bắc Kinh ngăn cản, không cho phép đến dự. Nhiều người giải thích rằng: với cử chỉ cứng rắn của chính phủ Bắc Kinh, chuyến viếng thăm từ lâu mong ước của ÐTC tại Trung Quốc, không còn hy vọng được thực hiện. Dù vậy, ÐTC không thất vọng. Trên chuyến bay từ Roma đến Thành phố Mexico hôm 22 tháng Giêng năm 1999, trong lúc gặp gỡ giới báo chí tháp tùng, ÐTC nhắc lại ước mong của ngài là được viếng thăm Trung Quốc và Nga. Ngày 11.02.99 vừa qua, trong buổi tiếp tân tại Ðại Sứ Quán Ý cạnh Tòa Thánh, nhân dịp mừng kỷ niệm 70 năm Hòa Ước Latran (1929-1999) giữa Chính Phủ Ý và Vatican, đã có một cuộc trao đổi quan trọng giữa Ðức Hồng Y Angelo Sodano Quốc Vụ Khanh và Thủ Tướng Ý, ông Massimo D’ALema, để nói lên ước mong của ÐTC được gặp Chủ Tịch Nhà Nước Trung Quốc, nhân chuyến viếng thăm của Ông tại Roma vào cuối tháng Ba 1999 này. Cuộc gặp gỡ sẽ xẩy ra hay không, trong lúc này không ai dám quả quyết. Chỉ biết rằng: Tòa Thánh không thất vọng trước viễn tượng mở lại liên lạc ngoại giao với Trung Quốc.

Những cuộc tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp giữa Tòa Thánh và Trung Quốc không phải là một sự mới lạ. Giữa Vatican và Bắc Kinh đã có quan hệ ngoại giao từ năm 1918 dưới thời Ðức Benedicto XV (1914-1922). Thực sự những cuộc tiếp xúc đã được khởi sự từ thời Ðức Leon XIII (1878-1903) vào năm 1886. Nhưng các cuộc tiếp xúc này đã thất bại, do sự chống đối của chính phủ Pháp. Nước Pháp chủ trương rằng: Tòa Thánh không được thiết lập quan hệ ngoại giao với một quốc gia "không theo Kitô Giáo". Chính Phủ Pháp cho rằng: việc bênh vực và bảo trợ các nhà truyền giáo và các người Công Giáo tại Trung Quốc là "độc quyền của mình". Trước thái độ này, ÐTC Léon XIII đã phải thốt lên lời này: "Ðây là cuộc tranh luận gây nên nỗi cay đắng nhiều trong tâm hồn tôi".

Dưới thời Ðức Benedicto XV, trong năm 1915, đã có một tiến trình biến đổi sâu xa về phía Trung Quốc. Chính Phủ nước này lưu ý nhiều đến Giáo Hội Công Giáo. Việc trao đổi đại sứ là một lựa chọn mới mẻ của Tòa Thánh. Dù có sự chống đối của các quốc gia Châu Âu, Ðức Benedicto cùng với Ðức Hồng Y Gasparri, Quốc Vụ Khánh và Ðức Hồng Y Van Rossum, người Hòa Lan, Tổng Trưởng Bộï Truyền Giáo, cương quyết đi đến cùng. Các ngài bác bỏ những luận điệu của Chính Phủ Pháp, và nhấn mạnh đến tính cách không thiên vị và tính cách thiêng liêng của sứ mệnh của vị đại diện Tòa Thánh. Các nhà truyền giáo ngoại quốc tại Trung Quốc lúc đó như Cha Lebbe và Cotta lên tiếng ủng hộï lập trường Tòa Thánh. Các ngài cho rằng việc "bảo trợ" của các nước Tây Phương gây cản trở cho việc thành lập một Giáo Hội hoàn toàn có tính cách Trung Quốc.

Bước quặt lịch sử chính trị-ngoại giao của Ðức Benedicto XV tìm được sự đáp ứng cả trên bình diện tôn giáo-mục vụ trong thông điệp Maximum illud, được công bố tháng 11 năm 1919, cho dù văn kiện này không phải chỉ dành riêng cho Trung Quốc. Thông điệp nhắc đến nhiều suy tư, nhận xét sâu xa của Cha Lebbe và Cotta. Hai cha đã nhiều lần đã trở về Roma để tường trình lên Tòa Thánh và tố cáo cái nguy hiểm của một Giáo Hội bị coi là ngoại quốc và hơn nữa cái nguy hiểm cụ thể về một sự lẫn lộn giữa chế độ đế quốc-thuộc địa và Kitô giáo.

Trong Thông Ðiệp Maximum illud, người ta thấy rõ: Giáo Hội Công Giáo không phải là ngoại quốc tại bất cứ nơi nào trên trái đất này. Quan Niệm về Giáo Hội địa phương và về việc hội nhập văn hóa bắt đầu được xác nhận và quan niệm này sẽ được Công Ðồng Vatican II (1962-1965) tái xác nhận cách mạnh mẽ hơn nữa. Tại Trung Quốc, kinh nghiệm của Cha Matteo Ricci "trở nên người Trung Quốc với người dân Trung Quốc" đã được Bộ Truyền Giáo cổ võ cách riêng. Tất cả các bước tiến này chuẩn bị cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Trung Quốc. Dù có những áp lực của chính phủ Pháp, Anh... năm 1919, Tòa Thánh đã chính thức cử một vị Thanh Tra đại diện của mình đến Bắc Kinh.

Công việc của Ðức Benedicto XV đã được Vị Kế Nghiệp của ngài, Ðức Pio XI (1922-1939) xúc tiến cách mạnh mẽ hơn nữa. Năm 1926, Ðức Pio XI tấn phong sáu vị Giám Mục tiên khởi người Trung Quốc trong Ðền Thờ Thánh Phêrô. Ðây là dấu hiệu hùng hồn nói lên sự trưởng thành của Giáo Hội địa phương. Năm 1946, tức 20 năm sau, Ðức Pio XII (1939-1958) đã tôn phong một vị Giáo Sĩ Trung Quốc lên bậc Hồng Y. Tất cả các hành động cụ thể này cho thấy rõ ràng: tính cách hoàn vũ của Giáo Hội Roma.

Năm 1922, Tòa Thánh cử Ðức Tổng Giám Mục Celso Costantini làm Khâm Sứ; nhưng sứ mệnh của ngài gồm cả lãnh vực chính trị-ngoại giao nữa. Trong văn thư bổ nhiệm Vị Ðại Diện Tòa Thánh tại Trung Quốc, Ðức Hồng Y Gasparri, Quốc Vụ Khanh viết rõ ràng: "Vị Ðại Diện Tòa Thánh hoàn toàn không dính líu gì với quyền lợi ngoại quốc; Tòa Thánh không làm chính trị; Tòa Thánh không có tham vọng đế quốc nào tại Trung Quốc; sứ mệnh của Vị Ðại Diện là hoàn toàn phục vụ Giáo Hội; Giáo Hội này là Công Giáo, nghĩa là có tính cách hoàn vũ; cả việc bổ nhiệm các Giám Mục người bản xứ, lúc này đây, được coi như là một luật lệ thông thường".

Ðức Tổng Giám Mục Costantini hăng say thi hành chức vụ và dấn thân để làm cho Giáo Hội trở nên Trung Quốc mỗi ngày mỗi thêm mãi, đến độ Bắc Kinh được gọi là "Roma thứ bốn", sau Roma, Constantinopoli và Moscowa. Một việc công nhận không bao giờ bị gián đoạn về phía Tòa Thánh, cả trong lúc này, lúc mà mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Vatican trở nên khó khăn. Ðể nói lên sự công nhận vẫn có này, ngày 11.02.99 vừa qua, Ðức Hồng Y Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh, tuyên bố: Tòa Thánh sẵn sàng di chuyển ngay Tòa Sứ Thần của mình từ Ðài Bắc đến Bắc Kinh, nếu Trung Quốc muốn. ÐTC Gioan Phaolô II vẫn hy vọng: một ngày nào đó, quan hệ ngoại giao bị gián đoạn từ năm 1951 dưới thời Chủ Tịch Mao Trạch Ðông, chóng được tái lập, vì mối quan hệ này không những có lợi cho dân tộc Trung Quốc, nhưng còn cho nền hòa bình thế giới, trong đó Trung Quốc đóng một vai trò rất quan trọng hiện nay tại Châu Á cũng như trong Cộng Ðồng quốc tế.


Back to Radio Veritas Asia Home Page