Các nhà thờ Kitô ở Indonesia bị người Hồi Giáo áp lực "tự nguyện" đóng cửa.
(UCAN IJ2724.1027 13/05/99) - Indonesia (Jakarta) - Các nhà lãnh đạo Kitô giáo tại Indonesia đang quan ngại trước xu hướng các phong trào bài Kitô giáo đang gây áp lực bộc các nhà thờ của Kitô giáo phải "tự nguyện" đóng cửa.
Linh Mục Ignatius Ismartono, Tổng Thư Ký Ủy Ban Ðại Kết và Liên Tôn vụ của Hội Ðồng Giám Mục Indonesia cho biết điều này được chứng minh qua sự kiện nội trong tháng 3/1999 vừa qua, có tổng cộng tám nhà thờ tại Bandung, thủ phủ tỉnh Tây Java, phải đóng cửa. Qua cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn UCAN hôm mùng 8 tháng 5/1999 vừa qua, cha Ismartono đã nói như sau: "Ðứng trước những lời đe dọa và cảnh cáo của người Hồi Giáo, các tín hữu Kitô đã ngưng không đi dự lễ tại các nhà thờ, khiến cho người ngoài nhìn vào có cảm tưởng như các nhà thờ đã đóng cửa. Chiến dịch này dường như đang được công chúng ủng hộ, bởi lẽ đã không có xảy ra những vụ bạo động như đốt hay đập phá nhà thờ". Cha Ismartono cho biết thêm kể từ ngày 7 tháng 3/1999, có 8 nhà thờ Tin Lành và một trường dạy thần học của Tin Lành phải đóng của theo yêu cầu của dân chúng tại địa phương, đa số là người Kitô Giáo. Tuy nhiên, người Kitô giáo cũng bị người Hồi Giáo cảnh cáo là nếu họ tiếp tục đến sinh hoạt tôn giáo tại nhà thờ, thì các nhà thờ này và luôn cả nhà cửa của họ cũng sẽ bị đốt cháy.
Mục sư Maxie Rumagit của một nhà thờ Tin Lành tại Nam Jakarta cho hãng thông tấn UCAN biết mục sư cũng bị áp lực phải đóng cửa nhà thờ mới được tân trang của mục sư. Người Hồi Giáo tại đây, tháp tùng bởi các viên chức địa phương đã đến nhà thờ của mục sư giữa lúc các tín hữu đang tham dự một nghi lễ tạ ơn, họ đòi các tín hữu Kitô giáo phải ngưng buổi lễ và tất cả các sinh hoạt tôn giáo tại đây phải chấm dứt bắt đầu từ ngày 28/02/99. Kể từ đó, khoảng 150 thành viên của nhà thờ này không xử dụng nhà thờ này nữa, nhưng dời tới một hộ tư nhân an toàn hơn để dự lễ. Linh Mục Ismartono của Ủy Ban Ðại Kết và Liên Tôn Vụ ghi nhận là người Hồi Giáo dường như đang xử dụng một cách thức chung như vậy để gây áp lực người Kitô Giáo "tự nguyện" đóng cửa nhà thờ của mình. Trước tiên, dân cư người Hồi Giáo ở địa phương được huy động để họ đồng loạt than phiền về những vụ bất an, gây ra bởi các sinh hoạt tôn giáo của các nhà thờ và những tụ điểm khác của Kitô Giáo. Kế đến là họ đe dọa người Kitô đang sống gần khu vực nhà thờ. Sau cùng, chính phủ sẽ tuyên bố đóng cửa các nhà thờ này, dựa trên Bản Tuyên Ngôn Chung của Bộ Nội Vụ và Tôn Giáo được công bố vào năm 1969.
Tuyên ngôn này có điều khoản số 4 qui định rằng, việc cấp giấy phép xây cất một nơi thờ phượng cần phải có sự đồng ý của cộng đoàn tôn giáo chiếm đa số tại địa điểm cơ sở này tọa lạc. Ngày mùng 5/05/99 vừa qua, các thành viên thuộc tổ chức "Diễn Ðàn Truyền Thông của Người Kitô Giáo Jakarta" đã tổ chức một khóa hội thảo để duyệt xét lại các điều khoản của bản tuyên ngôn này. Bà Cecilia Sunaryati, một luật sư và cố vấn cho bộ trưởng tư pháp Indonesia cho biết là cần phải điều chỉnh lại bản tuyên ngôn này, bởi vì nó không phản ánh tinh thần tự do tôn giáo của Indonesia theo hiến pháp của Indonesia, cũng như tiến trình cải tổ tại Indonesia hiện nay. Ông Bonar Simangunsong, chủ tịch Diễn Ðàn nói trên cho biết, họ sẽ tiếp tục nghiên cứu bản Tuyên Ngôn nói trên dựa trên căn bản pháp lý và nhân quyền, rồi sau đó sẽ đệ trình lên chính phủ kết quả cuộc nghiên cứu của họ. Theo ông, người Hồi Giáo đã lạm dụng các điều khoản bất công trong bản tuyên ngôn này để cướp đi quyền tự do tôn giáo của người Kitô, nhất là trong vấn đề xây cất nhà thờ.