ÐTC viếng thăm Rumani:
một cuộc gặp gỡ đầu tiên
giữa hai Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

ÐTC viếng thăm Rumani: một cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống.

Lúc 8 giờ sáng thứ Sáu 7.05.99, ÐTC lên đường viếng thăm Cộng Hòa Rumani trong ba ngày. Ðây là chuyến viếng thăm đầu tiên tại một nước đại đa số thuộc Giáo Hội Chính Thống. Trong buổi tiếp kiến sáng thứ Tư 05.05.99 vừa qua, chính ÐTC cũng nhắc đến chuyến viếng thăm đặc biệt này với những lời như sau: "Thứ Sáu 7/05/99 tôi lên đường đi Rumani. Ðây là lần thứ nhất tôi đến một nước, nơi có đa số các tín hữu Kitô là tín hữu Chính Thống Giáo".

Ðây là một chuyến viếng thăm phức tạp, nhưng có một tầm mức rất quan trọng xét về phương diện Ðại Kết. Chuyến viếng thăm, dĩ nhiên, theo ÐTC, nằm trong bối cảnh của Ðại Toàn Xá năm 2000. Nhiều lần ngài đã nhấn mạnh rằng: Ngàn Năm thứ hai là ngàn năm chia rẽ (-- ÐTC muốn nhắc đến cuộc chia rẽ đã xẩy ra từ năm 1054 --), thì Ngàn Năm thứ ba phải là ngàn năm của Hiệp Nhất. Trong Tông Thư Ngàn Năm thứ ba, ÐTC viết: Nếu chúng ta chưa đi đến sự Hiệp Nhất và Hiệp Thông hoàn toàn, thì ít ra chúng ta đừng chia rẽ thêm nữa. Chuyến viếng thăm Rumani là một bước tiến rất quan trọng, để tiến đến sự Hiệp Nhất và Hiệp Thông hoàn toàn, như Chúa Giêsu đã muốn, đã cầu nguyện: "Xin cho họ Hiệp Nhất với nhau, để thế gian tin".

Ðược mời viếng thăm Rumani từ năm 1990, ÐTC đã không muốn nhận lời của Chính Phủ và của Giáo Hội Công Giáo, nếu không có thêm lời mời của Giáo Hội Chính Thống nữa. Lời mời của Giáo Hội Chính Thống bị chậm trễ vì nhiều lý do:

- Tại Rumani cũng như tại Ukraine, mối quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống bị căng thẳng nhiều, do sắc lệnh của chính phủ cộng sản năm 1948 và hậu quả hiện vẫn còn cho tới lúc này. Sắc lệnh nhằm bãi bỏ Giáo Hội Công Giáo theo lễ nghi Hy Lạp-Công Giáo (Bizantin) bằng việc trao các nơi phụng tự và các giáo xứ Công Giáo cho Giáo Hội Chính Thống. Các cơ sở từ thiện bác ái đều bị chính phủ tịch thu. Năm 1990, chế độ cộng sản Roumani bị sụp đổ, nhiều tín hữu Công Giáo, cách riêng hàng Giáo Sĩ, trước đây sống trong lén lút, bắt đầu xuất hiện đòi trả lại các nhà thờ, tài sản đã bị tịch thu và hiện còn trong tay Giáo Hội Chính Thống. Các tín hữu Chính Thống, trừ một vài trường hợp, phản đối việc trả lại, vì hai lý do sau đây: các nơi phụng tự tranh chấp hiện nay dùng cho cộng đồng Chính Thống và hiện cũng có "nhiều tín hữu Công Giáo" cũng tham dự cách bình thản với cộng đồng này; việc trả lại sẽ gây nên nhiều thiệt hại cho việc đối thoại huynh đệ và hiệp nhất các tín hữu Kitô. Ðàng khác, trước đây ba thế kỷ, lúc Vương Quốc Austro-Asburgo ủng hộ sự phát triển Giáo Hội Hy Lạp-Công Giáo, nhiều nơi phụng tự Chính Thống được chuyển sang cho cộng đồng tín hữu nghi thức Hy Lạp Công Giáo, -- lúc đó được gọi bằng danh xưng đặc biệt là: Uniati, nghĩa là những người hiệp nhất và trung thành với Roma---. Vì thế, ngày nay người Chính Thống coi biến cố 1948 như là một việc thu về lại cho Giáo Hội Chính Thống, chớ không phải việc chiếm đoạt bất công.

Áp lực của chính phủ của Tổng Thống Roumani hiện nay, Ông Emil Constantinescu, một chính phủ đang nhằm thắt chặt các mối quan hệ với Tây Phương (và chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II được đặt trong kế hoạch này), đã thúc đẩy Tòa Giáo Chủ Chính Thống đi đến việc sẵn sàng mời Ðức Gioan Phaolô II viếng thăm. Hơn nữa, mối quan hệ giữa hai Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống cũng trở nên khả quan hơn. Hai ủy ban: một Chính Thống, một Hy Lạp-Công Giáo, đã bắt đầu hội hợp theo thời hạn được thỏa thuận, để giàn xếp vấn đề trao trả một số nhà thờ cho các tín hữu Công Giáo và việc xử dụng một số nơi phụng tự khác. Các cuộc họp chung đã được triệu tập ngày 28.10.1998 và 28.01 năm nay (1999). Một cuộc họp khác đã được ấn định vào 10.06.99 tới đây, sau chuyến viếng thăm của ÐTC.

Tòa Giáo Chủ Chính Thống đặt điều kiện là chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II phải là chuyến viếng thăm cốt yếu có tính cách Ðại Kết, theo như thỏa thuận ngày 15 tháng Giêng 1999 năm nay với Vị Ðặc Sứ của Tòa Thánh đến Bucarest lúc đó là Ðức Tổng Giám Mục Giovanni Battista Re, phó Quốc Vụ Khanh; và chuyến viếng thăm này chỉ giới hạn tại Bucarest, thủ đô mà thôi, nơi đây không có nhiều người Công Giáo.

Quyết dịnh này gây nên thất vọng cho các người Công Giáo Rumani, bởi vì các cộng cộng đồng đông đảo hiện sống trong miền Moldavia và nhất là trong miền Transilvania (giáp giới với Hungari). Các Giám Mục Công Giáo thuộc lễ nghi Bizantin (hướng dẫn một cộng đồng Công Giáo gồm một triệu 3 trăm ngàn tín hữu) và lễ nghi Latinh (cộng đồng gồm một triệu 2 trăm ngàn tín hữu) gủi đến Tòa Thánh một bức thư trong đó các ngài bày tỏ sự hối tiếc lớn lao về chuyến viếng thăm bị giới hạn này.

Ngày 14 tháng 4/1999 vừa qua, tất cả các Giám Mục Công Giáo Rumani đến Roma. Trong bữa ăn thân mật với ÐTC, các vị chủ chăn đã bày tỏ sự đau buồn lên ngài về việc loại trừ Moldavia và Transilvania khỏi chương trình viếng thăm; tại hai vùng nầy có 5 giáo phận Công Gíao. ÐTC đã lắng nghe và hiểu rõ lý do của các Giám Mục và đồng thời ngãi cũng giải thích lý do của việc lựa chọn của ngài.

Giải thích chuyến viếng thăm bất ngờ của các Giám Mục Công Giáo Rumani tại Roma, một vị trong số các ngài thuộc lễ nghi Latinh tuyên bố: "Ở Roma người ta hiểu rõ chuyến viếng thăm được tổ chức như vậy sẽ gây nên một thất vọng cho người Công Giáo. Nhưng một trong các ưu tiên của ÐTC, sau khi khối cộng sản sụp đổ, là làm sao đi vào được "bức màn sắt của Chính Thống", một bức màn sắt, khởi sự từ Moscowa (Nga), bao chùm lên Kiev (Ukraine), Bucarest (Rumani), Sophia (Bulgari) và Athènes (Hy Lạp).

Hẹn gặp lại trong các bài tường thuật kế tiếp.


Back to Radio Veritas Asia Home Page