Hội đồng giáo dân thành phố Moscowa kính mời Ðức Gioan Phaolô II viếng thăm Nga vào năm 2000.
Sau chuyến viếng thăm mới đây của Ðức Gioan Phaolô II tại Rumani, nhiều người nghĩ rằng: chuyến viếng thăm của ÐTC tại Moscowa rất có thể thực hiệïn được trong thời gian gần đây. Từ trước đến nay, chuyến viếng thăm Nga và các nước, nơi có đa số dân cư thuộc Giáo Hội Chính Thống (như Rumani, Serbia, Nga...) bị coi như không thể nào xẩy đến được.
Người Công Giáo tại Nga, chỉ là thiểu số, nhưng rất mong ước được ÐTC viếng thăm. Mới đây với một sáng kiến rất táo bạo, Hội Ðồng Giáo Dân Thành Phố Mascova, do Bà Olga Ckvirckvelia, lãnh đạo, đã gửi một bức thư mời ÐTC viếng thăm Mascova vào năm 2000; Mascova được gọi là "Thành Phố Roma thứ ba"; Roma thứ hai là thành Constantinopoli. Bức thư này đã đến Vatican, trước khi ÐTC lên đường viếng thăm Bucarest của Rumani. Bức thư viết với những lời lẽ đơn sơ và trực tiếp: "Kính thưa ÐTC, Hội Ðồng các người Công Giáo Moscowa, nhân danh tất cả cộng đồng Công Giáo Nga, kính mời ÐTC viếng thăm Quốc Gia chúng con. Chúng con thành thực tin rằng: do thánh ý Chúa, chuyến viếng thăm của ÐTC tại Nga có thể được và chúng con sốt sắng cầu xin để chuyến viếng thăm này được thực hiện". Ðồng thời Hội Ðồng Giáo Dân Moscowa cũng gửi thư lên Tổng Thống Boris Eltsin, Ðức Giáo Chủ Chính Thống Alexis đệ nhị và Thị Trưởng Thành Phố Moscowa, ông Yuri Luzhkov, với lời thỉnh cầu làm tất cả những gì có thể, để chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại thủ đô Nga được thực hiện.
Ong Yuri Lushkov đến viếng thăm ÐTC tại Vatican hôm 25.05.99 vừa qua. Phải chăng ông đã nói đến chuyến viếng thăm Moscowa? Thông cáo sau buổi gặp gỡ với ÐTC và Ðức Hồng Y Quốc Vụ Khanh, không nhắc gì đến việc nầy. Ông Chủ tịch Mikhail Gorbaciov, lúc còn cầm quyền và trong chuyến viếng thăm lịch sử tại Vatican đầu tháng 12 năm 1989, đã chính thức mời Ðức Gioan Phaolô II viếng thăm. Từ đó, ông Gorbachiov, trở nên người bạn thân của Ðức Gioan Phaolô II và mỗi khi có dịp trở lại Ý, ông đều đến gặp ÐTC tại Vatican. Lời mời của Chủ tịch Gorbaciov không được Tổng Thống Boris Yeltsin nhắc lại, cả lúc ông viếng thăm Vatican tháng 2 năm 1998. Ông giải thích rằng: lời mời trước đây của lãnh tụ Liên Xô vẫn có giá trị. Ai cũng biết rằng: chuyến viếng thăm của ÐTC tại Nga, cho đến lúc nầy vẫn còn gặp cản trở từ phía Thánh Hội Nghị Giáo Hội Chính Thống Nga, chớ không do phía Nhà Nước, dù Tổng Thống Boris Yeltsin là một tín hữu Chính Thống. Trước đây, Cuộc gặp gỡ giữa Ðức Gioan Phaolô II và Ðức Giáo Chủ Nga Alexis đệ nhị, được dự tính vào Mùa Hè năm 1997 tại Áo Quốc, đã không thực hiện được, cũng do "phủ quyết" của Thánh Hội Nghị này. Từ đó, những hy vọng về chuyến viếng thăm trở nên lu mờ dần.
Ðược hỏi: sáng kiến của các người Công Giáo Moscowa phát xuất như thế nào, Ông Igor Baranov, một trong 15 thành viên của Hội Ðồng Giáo Dân Moscowa giải thích như sau: "Chúng tôi đã muốn nêu lên vấn đề, bởi vì đây là lúc thuận tiện để nước Nga tham dự vào những cuộc cử hành Ðại Toàn Xá năm 2000. Sự hiện diện của ÐTC tại Moscowa sẽ là một dấu hiệu cụ thể của đà tiến mới về hiệp nhất các tín hữu Kitô". Igor Baranov, còn trẻ trung, trưởng Ban biên soạn tuần báo có tên là "Ánh sáng của Tin Mừng", là tuần báo Công Giáo của miền Nga-Châu Âu. Ông còn cộng tác với nhà xuất bản của các Cha Dòng Phanxicô. Ông là người Nga, gốc Do Thái-Ba Lan, luôn luôn hiên ngang về tước hiệu Công Giáo, không một tự ti mặc cảm, vì người Công Giáo tại Nga thuộc thiểu số. Ông tuyên bố: "Là người Công Giáo, chúng ta không sợ hãi chi, khi phải bênh vực căn cước tôn giáo của chúng ta". Về chuyến viếng thăm của ÐTC tại Moscowa, Igor Baranov không sống trong ảo tưởng, tuy ông cho rằng: hiện tại chỉ mới chắc chắn có khoảng 10%. Ông quả quyết: "Không vì thế chúng tôi không đưa ra sáng kiến, cần thử xem. Dù sao, sáng kiến được đưa ra không bị coi là "ngây thơ hay ảo tưởng", như trước đây. Baranov nhận xét: Thực sự nếu hai bức thư gửi lên Tổng Thống và Ðức Giáo Chủ Chính Thống được coi như là một việïc phải làm và theo đúng hình thức, thì bức thư gửi lên ông Thị Trưởng Moscowa lại có một tác động khác hẳn, tác động mạnh mẽ. Ông Yuri Luzhkov rất quan tâm đến chuyến viếng thăm của ÐTC và ông coi là một biến cố lớn lao về lịch sử.
Trong bức thư gửi đến ông Thị Trưởng, Hội Ðồng Giáo Dân nhấn mạnh đến tính cách độc nhất và hoàn toàn đặc biệt mà chuyến viếng thăm Moscowa của một Vị Giáo Hoàng gốc Slvavô đem đến cho dân tộc Nga. Baranov cũng tin chắc rằng: Ông Luzhkov có một vai trò quyết định trong việc can thiệp và trong việc thành công của chuyến viếng thăm. Ông là người đã thay đổi bộ mặt của Thành Phố Moscowa và nay trở nên nhân vật thế giá, được người dân tôn trọng. Ông có những mối quan hệ tốt đẹp với Tổng Thống Yeltsin, gay gắt, thẳng thắn đối với những người chủ trương cải cách, nhưng không tín nhiệm các người cộng sản. Mới đây ông thành lập một đảng chính trị lấy tên là "Quê Hương", để chuẩn bị bước vào Ðiện Cẩm Linh, thay thế Ông Yeltsin; nhưng không bao giờ ông công khai tuyên bố ý định của ông.
Sáng kiến của Hội Ðồng Giáo Dân minh chứng sức sống mạnh mẽ của cộng đồng Công Giáo Moscowa, chỉ gồm có 30 ngàn tín hữu. Dù gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với nhà cầm quyền địa phương, Giáo Hội Công Giáo Nga đang tiến đến cơ cấu phẩm trật. Tháng Hai 1999 vừa qua Hội Ðồng Giám Mục Liên Bang Nga đã hộïi họp lần đầu tiên. Trong những tuần vừa qua, bên cạnh hai vị Giám Quản Tông Tòa miền Châu Âu (Ðức Cha Tadeusz Kondrusiewicz) và miền Á Châu (Ðức Cha Werth), ÐTC bổ nhiệm thêm Ðức Cha Jerzy Mazur, 48 tuổi, Giám Mục phụ tá miền Siberia, làm Giám Quản Tông Tòa Giáo Hạt mới, miền Ðông Siberia, trụ sở đặt tại Irkustk. Một biến cố lịch sử khác vừa xẩy ra trong ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (23.05.99): sau 82 năm, Ðức Cha Kondrusiewicz đã có thể phong chức Linh Mục cho ba thầy Sáu tại San Pietroburgo, với sự hiện diện của Ðức Hồng Y Achille Silvestrini, Tổng Trưởng Bộ các Giáo Hội Ðông Phương, từ Roma đến, Ðức Giám Mục giáo phận Verona (Ý) ân nhân của Ðại Chủng Viện San Pietroburgo và hai Ðức Giám Mục của miền Siberia, cùng với khoảng 100 Linh Mục tham dự thánh lễ.