Giáo Hội Công Giáo
tại Căm Bốt

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Giáo Hội Công Giáo tại Căm Bốt.

Trong chuyến viếng thăm Tòa Thánh (Ad Limina) vừa qua của Hội Ðồng Giám Mục Cămpuchia và Lào, Ðức Cha Yves Ramousse, Giám Mục đại diện Tông Tòa Giáo Phận Pnom Penh, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Cămbốt và Lào, đã tường trình lên ÐTC tình hình Giáo Hội Công Giáo tại Cămpuchia, một Giáo Hội bé nhỏ và ít được biết đến.

Theo bản tường trình của Ðức Cha Yves Ramousse, hiện nay dân cư Cămphuchia khoảng mười một triệu rưởi (11,426,000). Cộng đồng Công Giáo chỉ có 20 ngàn, tức 0,2% sánh với dân số toàn quốc. Cho đến năm 1970, hầu hết các người Công Giáo tại Cămpuchia là người Việt Nam sang định cư. Sau đó, vì tình hình căng thẳng giữa Việt Nam và Cămpuchia, các người Việt Nam phải hồi hương; và do đó số người Công Giáo bị giảm bớt rất nhiều; nhưng trái lại cộng đồng Công Giáo nhỏ bé người Cămpuchia có cơ hội trở nên Kmer hơn.

Trong khoảng thời gian 15 năm các tín hữu Kitô tại Căm Bốt sống không có Linh Mục và Nữ Tu nào giúp đỡ cả. Dưới chế độ của Pon Pot, Giáo Hội Công Giáo như bị hoàn toàn bị tiêu diệt. Mãi tới năm 1989, các Linh Mục và Nữ Tu ngoại quốc bắt đầu đến Căm Bốt, không phải như những nhà truyền giáo, mà như là những người hoạt động xã hội, hoặc giáo sư, hoặc chuyên nghiệp. Hội từ thiện Caritas Quốc Tế và 15 tổ chức không chính phủ theo tinh thần Công Giáo giữ một vai trò quan trọng trong những hoàn cảnh khác thường của Căm Bốt. Tình hình thay đổi dần dần.

Hiện nay tại Căm Bốt có 30 Linh Mục, thuộc 15 quốc tịch khác nhau, trong số này chỉ có một vị là người bản xứ. Sự góp công của các nhà truyền giáo ngoại quốc là bước đầu để Giáo Hội tại đây phát triển và dần dần đi đến việc đào tạo hàng giáo sĩ bản xứ. Năm 1990, Hiến Pháp Cămpuchia công nhận tự do tôn giáo. Cămpuchia đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh. Và sau đó, Giáo Hội Công Giáo tại Cămpuchia được công nhận là một pháp nhân.

Về các Nữ Tu cũng vậy, hầu hết đến từ các nước ngoài. Nữ Tu bản xứ hiện chỉ có 12 vị mà thôi. Giáo Hội Cămpuchia ước mong có các Nữ Tu chiêm niệm, nhưng trong lúc này chưa thể được. Hy vọng trong tương lai gần đây, các Nữ Tu chiệm niệm có thể lập nhà tại Cămpuchia để cầu nguyện cho công việc mục vụ và truyền giáo.

Trong hoàn cảnh thiếu thốn nhân sự, công việc chuẩn bị thanh niên lên chức Linh Mục là ưu tiên tuyệt đối của các Giám Mục. Trong các trại di cư tị nạn của người Cămpuchia, năm 1983, Bộ Truyền Giáo đã cho thành lập Văn Phòng Tông Ðồ cho các người di cư tị nạn người Campuchia để lo mục vụ và cổ võ các ơn kêu gọi. Công việc của Văn Phòng không đem lại kết quả, vì số người Công Giáo quá ít và cũng vì thiếu nhân sự hoạt động trong các trại. Dần dần, tình hình thay đổi, nhiều người tị nạn tại biên giới Thái Lan-Cămpuchia trở về xứ sở. Từ năm 1993, công việc huấn luyện chủng sinh được tổ chức ngay trong nước và bằng tiếng bản xứ. Hiện nay có 8 chủng sinh đang được chuẩn bị để lên chức Linh Mục.

Về Cộng Ðồng Dân Chúa: phải thành thực thú nhận rằng: trong 15 năm bị bách hại, các tín hữu không lãnh nhận được một sự huấn luyện tôn giáo nào cả. Nhiều trẻ em không được rửa tội. Công việc huấn luyện nay phải bắt đầu từ các người lớn. Trong quá khứ, việc người dân Cămpuchia (95% theo Phật Giáo) trở lại Ðạo Công Giáo là một hiện tượng họa hiếm. Trái lại, sau những vụ bách hại và những năm tàn phá của chiến tranh, có từng trăm người đi tìm Thiên Chúa. Chứng tá về đức ái vô vị lợi của các tín hữu Kitô, của các nhà truyền giáo, các Nữ Tu, các thiện nguyện viên... thường là lý do thúc đẩy trở lại Ðạo Công Giáo. Nhiều thanh niên, sau những kinh nghiệm đau thương, đã đi tìm những giá trị cao quí làm điểm tựa cho đời sống. Nhưng nguyên nhân chính của việc trở lại vẫn là tác động ngấm ngầm của Chúa Thánh Thần và cũng do máu của nhiều vị Tử Ðạo đã đổ ra trong thời kỳ giáo hội bị bách hại, nhất là do chế độ của Pon Pot. Trong bản tường trình, Ðức Cha Yves Ramousse cho biết rằng: Chế độ Kmers đỏ đã sát hại tới một phần tư dân cư Cămpuchia. Cuộc chiến của thập niên 80 đã làm cho khoảng 800 ngàn người đi tị nạn, từng trăm ngàn phụ nữ góa bụa, trẻ em mồ côi. Trong số này cần phải thêm khoảng 30 ngàn tàn tật, nạn nhân của các loại mìn giết người, rải rắc khắp nơi trong nước. Trong những cơn bão táp này, các tín hữu Kitô bị phân tán, các Nhà Thờ bị phá bình địa, các Linh Mục bị sát hại và trong 15 năm các môn đệ Chúa Kitô không được tự do phụng tự.

Ðức Cha Yves Ramousse đã kết luận như sau: Cămpuchia chỗi dậy một cách can đảm từ một tình hình khó khăn: xã hội bị tan rã, thiếu thốn tài sản, thiếu khả năng chuyên môn và thiếu những hạ tầng cơ sở. Ngoài việc cần phải tái thiết những tàn phá của quá khứ, còn cần phải đem lại một tương lai cho Ðất Nước. Các tín hữu Công Giáo tin rằng: giá chuộc lại tự do phải trở thành công việc hòa giải và phục vụ. Ðiều ước mong đầu tiên của họ là làm cho Giáo Hội có một "bộ mặt Cămpuchia", "nhập thể vào nền văn hóa dân tộc", để phục vụ người dân tại Cămpuchia.


Back to Radio Veritas Asia Home Page