Vài nhận định về cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Ðức Gioan Phaolô II và Tổng Thống Mohammed Khatami của Iran.
Tuần báo Gia Ðình Kitô (Famiglia Cristiana) xuất bản tại Ý, số phát hành cho ngày 21.03.99, dành hai bài nói về chuyến viếng thăm cách đây hơn một tuần lễ của Tổng Thống Iran, ông Mohammed Khatami. Bài thứ nhất, nói đến chuyến viếng thăm của ông tại Ý; bài hai dành cho cuộc gặp gỡ giữa Ðức Gioan Phaolô II và Tổng Thống, diễn ra tại Vatican ngày 11 tháng 3/1999 vừa qua.
Tờ tuần báo viết: Có người sánh chuyến viếng thăm của Tổng Thống Khatami tại Ý và Vatican với chuyến viếng thăm lịch sử của Tổng Thống Liên Xô, ông Mikhail Gorbaciov tại Roma và Vatican tháng 12 năm 1990. Sau chuyến viếng thăm này, tình hình thế giới thay đổi cách nhanh chóng. Bức tường Berlin sụp đổ. Chiến tranh lạnh giữa hai Khối Tư Bản và Cộng Sản không còn nữa.
Hậu quả về chuyến viếng thăm của Tổng Thống Khatami lớn lao tới mức độ nào, chưa thể tiên đoán được. Chỉ biết ông Khatami, với chiến thắng vẻ vang trong cuộc bầu cử cách đây hai năm và trong cuộc bầu cử hành chính vừa qua, đã muốn mở một con đường mới, đối thoại với Tây Phương và với Giáo Hội Công Giáo, để thoát khỏi thế cô lập gây nên từ 20 năm nay do cuộc cách mạng Hồi Giáo của ông Khomenei.
Trong diễn văn đọc tại Viện Ðại Học Châu Âu ở Firenze trong chuyến viếng thăm Italia, Tổng Thống Khatami quả quyết rằng: "Các người Hồi Giáo là những người láng giềng của các người Châu Âu và là những người láng giềng bị bắt buộc, không được tự do lựa chọn nhau, vì thế cần phải cố gắng tìm hiểu nhau. Và để đi đến hiểu nhau, cần phải đối thoại. Và cuộc đối thoại trên sự bình đẳng và trong sự tôn trọng phẩm giá của nhau. Ông Khatami là người thành thạo nền Triết Học và nền Văn Hóa Tây Phương. Vì thế, trong các sách vở, các diễn văn, ông vẫn chủ trương đối thoại. Và cuộc đối thoại của ông với thế giới Tây Phương được khởi sự từ hai năm nay trước hết với các nhà chính trị Ý. Chủ Tịch Hạ Viện, Thủ Tuớng và Tổng Trưởng Ngoại Giao Ý đã viếng thăm Iran. Kết quả của các cuộc tiếp xúc này là chuyến viếng thăm vừa qua của Tổng Thống Khatami tại Roma và Vatican. Tổng Thống còn có chương trình viếng thăm Paris. Trong những ngày vừa qua, Công Ty Eni của Ý và Elf của Pháp đã ký một thỏa ước khai thác dầu hỏa của Iran tại vùng vịnh Ba Tư với số vốn lớn: 540 triệu Mỹ kim. Ý, Pháp và cả Ðức nữa cần đến dầu hỏa của Iran.
Bình luận về cuộc gặp gỡ giữa Ðức Gioan Phaolô II và Tổng Thống Khatami, Tuần Báo Gia Ðình Kitô (Famiglia Cristiana) đã viết như sau: "Một cuộc gặp gỡ rất quan trọng, xét về những đề tài được thảo luận, cũng như về vai trò hiện nay của hai nhân vật trong lãnh vực tôn giáo. Ðức Gioan Phaolô II, vị lãnh đạo hữu hình của Giáo Hội Công Giáo, gồm khoảng một tỉ tín hữu rải rắc trên thế giới và Tổng Thống Khatami, hiện là chủ tịch luân phiên của Tổ Chức Hội Nghị Hồi Giáo quốc tế, gồm 55 nước với một tỉ tín đồ. Trong lúc từ giã, cảm ơn Tổng Thống Khatami, Ðức Gioan Phaolô II nói như sau: "Tôi cảm ơn Ngài về chuyến viếng thăm mà tôi coi là rất quan trọng và hứa hẹn". Tổng Thống Khatami đáp lại: "Sau chuyến viếng thăm của tôi tại Ý và sau cuộc gặp gỡ với Ngài, tôi trở về quê hương tôi, lòng tràn đầy hy vọng đối với tương lai". Cuộc thảo luận giữa hai vị lãnh đạo tôn giáo lớn nhất trên thế giới diễn ra trong bầu khí thân mật và cởi mở. Phát ngôn viên Tòa Thánh tuyên bố: "Trong cuộc thảo luận, Tổng Thống Khatami nhắc lại cuộc gặp gỡ liên tôn do ÐTC cổ võ tại Assisi tháng 10 năm 1986 và ông ước mong rằng tinh thần Assisi phải được tiếp tục trong tương lai để làm như kiểu mẫu cho sự hòa hợp giữa các dân tộc và các tôn giáo". Trong tinh thần đối thoại này, ÐTC cầu nguyện và xin Giáo Hội Công Giáo cầu nguyện như sau, trong năm thứ ba chuẩn bị Ðại Toàn Xá, năm dành kính Chúa Cha: "Lạy Cha, giầu lòng thương xót, ước gì Năm Ðại Tòan Xá trở nên thì giờ của cởi mở, của đối thoại và của gặp gỡ với tất cả các người tin kính Chúa Kitô và với các môn đệ của các tôn giáo khác; trong tình yêu thương vô cùng của Cha, xin Cha rộng lòng thương xót mọi người".
Giáo Hội Công Giáo chủ trương đối thoại không phải vì số người Công Giáo tại Iran đông đảo và quan trọng. Giáo Hội nhằm gieo vãi tình huynh đệ giữa các dân tộc, không phân biệt chủng tộc, mầu da, tôn giáo, văn hóa, ngôn ngữ, vì đây là sứ mệnh của Giáo Hội đã lãnh nhận nơi Chúa Kitô, Ðấng sáng lập Giáo Hội: đoàn kết mọi nguời thành một đại gia đình nhân loại, vì tất cả đều là con cái của một Cha trên trời.
Tại Iran có 60 triệu dân cư; số tín hữu Kitô hiện nay khoảng 120 ngàn, trong đó chỉ có 12 ngàn người Công Giáo. Cách đây 20 năm, số tín hữu Kitô lên tới 310 ngàn. Sau cuộc cách mạng Hồi Giáo của Khomenei, các Linh Mục, Nam Nữ Tu Sĩ ngoại quốc phải ra đi, việc kiểm soát các hoạt động tôn giáo trở nên chặt chẽ, các tín hữu Kitô bị kỳ thị và nhiều người ra đi khỏi nước, để có thể trung thành với tín ngưỡng riêng của mình. Tuy nhiên, cho dù mối liên lạc lúc đó có nhiều căng thẳng, nhưng Iran vẫn giữ quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh.
Trước ngày gặp Ðức Gioan Phaolô II tại Vatican, Tổng Thống Iran, Ông Mohammed Khatami đã tuyên bố tại Firenze rằng: "Hồi giáo và Châu Âu không có giải pháp nào khác là tìm hiểu biết nhau cách chú ý và sâu xa hơn mãi và dấn thân trong việc hoàn thiện mỗi ngày các mối quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa. Tương lai của chúng ta không thể tách lìa khỏi nhau, bởi vì quá khứ của chúng ta liên kết chặt chẽ với nhau". Tương lai sẽ như thế nào, chưa thể tiên đoán dược. Nhưng căn cứ vào hiện tại, phải công nhận chuyến viếng thăm của Tổng Thống Iran là một bước quặt lịch sử trong mối quan hệ giữa Tây Phương và Khối Hồi Giáo nói chung, giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo nói riêng. Bước quặt này chắc chắn sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng một thế giới huynh đệ hơn, hòa bình hơn.