Phản ứng về quyết định làm án phong Chân Phước cho Mẹ Têrêsa.
Theo lời thỉnh cầu của Ðức Cha Sebastian D’Souza, Tổng Giám Mục giáo phận Calcutta và nhiều Giám Mục khác tại Ấn Ðộ và tại nhiều nước khác trên thế giới, ÐTC đã quyết định miễn trừ những "Quy Ðịnh" đã được ban hành năm 1983 về việc làm án phong Chân Phước. Theo những "Quy Ðịnh nầy" (Normae servandae), thì chỉ được khởi sự làm án phong Chân Phước ở cấp bậc giáo phận, 5 năm sau khi đương sự qua đời. Như mọi người biết: Mẹ Têrêsa qua đời ngày 15 tháng 9 năm 1997, cách đây một năm rưỡi mà thôi. ÐTC đã miễn khỏi giữ khoản luật thứ 9 của những Quy Ðịnh, nói về thời gian 5 năm. Ngày 12.12.1998, Bộ Phong Thánh đã thông báo cho Ðức Tổng Giám Mục Giáo Phận Calcutta về quyết định của ÐTC. Nhưng quyết định này chỉ được công bố ngày 01.03.1999, tức sau hơn hai tháng.
Tin về việc làm án phong Chân Phước cho Mẹ Têrêsa thành Calcutta được loan đi khắp thế giới. Mọi người vui mừng, cách riêng Ðức Tổng Giám Mục Sebastian D’Souza và các tín hữu trong Giáo phận Calcutta, các người nghèo khổ, ốm đau, bệnh tật, đã và hiện đang được Mẹ Têrêsa và các tu sĩ nam nữ của Mẹ lo lắng giúp đỡ vật chất và tinh thần. Cả các tín hữu Hồi Giáo và Ấn Giáo cũng vui mừng và chia sẻ niềm vui với các tín hữu Công Giáo. Tất cả, không phân biệt tôn giáo, đều coi Mẹ Têresa là người của mình và là Vị Thánh ngay lúc còn sống.
Ðược Hãng thông tấn quốc tế Fides phỏng vấn qua điện thoại ngay sau khi loan tin về việc làm án phong Chân Phước cho Mẹ Têresa, Ðức Cha D’Souza tuyên bố: "Tôi rất sung sướng. ÐTC đã vượt qua các thủ tục giấy tờ để khởi sự việc làm án phong Chân Phước cho Mẹ Têrêsa. Ngài đã nhắc đến việc này với tôi và tôi đã báo cho Nữ Tu Nirmala, Bề Trên Tổng Quyền của Dòng các Nữ Tu Thừa Sai Bác Ái biết...".
Ðức Cha kể thêm câu chuyện lạ lùng mà ngài đã thu lượm được trong lúc hành hương tại Thánh Ðịa. Ngài nói: "Năm vừa qua, lúc tôi hành hương Thánh Ðịa, tại Cana thuộc xứ Galilea, một người phụ nữ Palestina lại gần tôi và nói với tôi: "Ðức Cha là Giám Mục Calcutta phải không? Con có một hình của Ðức Cha chụp chung với Mẹ Têrêsa". Rồi bà kể lại cho tôi câu chuyện lạ này: "Cháu gái của con bị ung thư xương. Ðêm trước ngày giải phẫu, cháu của con mơ thấy một người phụ nữ mặc áo trắng, viền xanh da trời. Người phụ nữ này nói với cháu con: Ðừng sợ hãi. Con được khỏi rồi. Cháu con không biết người phụ nữ đó là ai. Hôm sau, lúc sắp đưa vào phòng giải phẫu, các bác sĩ đã khám phá ra là cháu con đã được khỏi bệnh. Sau khi lành mạnh, gia đình cháu con tìm kiếm để biết người phụ nữ lạ lùng kia là ai và họ đã khám phá ra là chính Mẹ Têrêsa, người dã chụp hình với Ðức Cha".
Ðức Cha D’Souza quả quyết: Lòng kính mến đối với Mẹ Têrêsa không cần đến phép lạ. Ðời sống và tình thương của Mẹ đối với các người nghèo khổ là một phép lạ đẹp hơn cả và là dấu hiệu về sự hiện diện của Thiên Chúa giữa chúng ta. Cả lúc Mẹ còn sống, các tín hữu Hồi Giáo, Ấn Giáo và Kitô Giáo đều coi Mẹ là vị Thánh rồi. Mỗi lần gặp Mẹ, họ đều quì gối hôn chân Mẹ - theo truyền thống người Ấn Giáo - hoặc chạm đến áo của Mẹ. Ðược giúp đỡ bởi đức bác ái của các Nữ Tu của Mẹ, họ học cách giúp đỡ và phục vụ người khác. Nhiều thiếu nữ thiện nguyện và các tập sinh của Dòng đã thay đổi hẳn cuộc đời do những cuộc tiếp xúc với Mẹ. Tất cả đều công nhận Mẹ Têrêsa là một người phụ nữ khác thường và một ơn đặc biệt Thiên Chúa dành cho nhân loại vào cuối thế kỷ 20 này.
Ðức Cha D’Souza giải thích quyết định của ÐTC như sau: "Quyết định xúc tiến nhanh chóng việc làm án phong Chân Phước cho Mẹ Têrêsa là một hành động có ý công nhận rằng: chúng ta đang đứng trước một đời sống khác thường. Toàn dân Calcutta đều coi Mẹ là một Vị Thánh".
Từ lúc qua đời, mộ của Mẹ trở nên điểm hành hương liên lỉ. Mỗi ngày có hàng trăm người nam nữ tuốn đến cầu nguyện bên mộ: học sinh, sinh viên, người dân thường, từ các miền khác nhau trong Ấn Ðộ và từ các nước khác. Họ giữ và tôn kính ảnh của Mẹ. Việc nhớ đến Mẹ vẫn còn rất sống động, cách riêng nơi các người nghèo khổ. Chính Ðức Cha D’Souza vẫn nhận được nhiều thư kể lại những phép lạ, hoặc thư xin cầu nguyện.
Hình ảnh của Mẹ, được đánh giá cao và được tôn kính cả nơi các tôn giáo khác, nay trở nên như một yếu tố của sự đoàn kết, cách riêng trong lúc có những căng thẳng giữa các tín hữu Kitô và Ấn Giáo cuồng tín. Tại Ấn Ðộ, từ ít tháng nay bùng nổ chiến dịch chống các nhà truyền giáo Công Giáo. Các tổ chức Ấn Giáo tấn công các Nữ Tu của Mẹ Têrêsa và các nhà truyền giáo. Họ tố cáo các vị cưỡng ép các tín hữu Ấn Giáo trở lại Ðạo Công Giáo; nhưng chỉ là thiểu số; đại đa số tín hữu Ấn Giáo đều ngưỡng mộ và yêu mến Mẹ Têrêsa. Ðức Cha D’Souza quả quyết: "Cả các nhóm Ấn Giáo truyền thống hơn cũng chỉ trích lập trường và hành động của nhóm tín đồ Ấn Giáo quá khích. Sự tôn trọng và quí mến đối với Mẹ Têrêsa vẫn sống động. Các Nữ Tu và các Tu Huynh luôn luôn nhận được sự giúp đỡ nơi người dân. Tất cả đều sẵn sàng giúp đỡ các Nữ Tu tại các sân bay, các ga xe lửa; khi đau yếu, các Nữ Tu được chữa trị bệnh miễn phí tại các bệnh viện. Hằng ngày vẫn có những ân nhân, những nguời dân ... đem đến thực phẩm, quần áo, tiền bạc... để giúp vào công việc từ thiện, bác ái của Mẹ Têresa và các con cái của Mẹ. Các Nữ Tu, theo gương Mẹ, luôn luôn dành quyền ưu tiên cho những người nghèo khổ hơn cả trong các người nghèo, cho cả các tín hữu Ấn Giáo, Hồi Giáo, Phật Giáo... Bên mộ Mẹ Têrêsa thường có những buổi gặp gỡ cầu nguyện liên tôn, bộc phát, không có chương trình tổ chức trước. Bên mộ Mẹ, mọi người coi nhau như anh chị em, không phân biệt tôn giáo, mầu da, quốc tịch...
Ðức Cha D’Souza tuyên bố: "Nếu Mẹ Têrêsa được tôn phong lên bậc Chân Phước trong Năm Thánh 2000, thì đó có thể sẽ là một dấu hiệu của Tình Yêu và sự hiệp nhất cho tất cả nhân loại. Chứng tá đời sống và công việc tông đồ bác ái của Mẹ là dấu hiệu dễ hiểu và cụ thể cho tất cả thế giới".