Nhắc lại chuyến viếng thăm đầu tiên của Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI, tại Phi Châu, cách đây 30 năm.
Trong 3 ngày, từ 31 tháng 7 đến mồng 2 tháng 8 năm 1969, Ðức Phaolô VI (1963-1978) viếng thăm Cộng Hòa Uganda, mở ra một giai đoạn mới trong việc rao giảng Tin Mừng tại Châu Phi. Ðược bầu làm Giáo Hoàng ngày 21.06.1963, Ðức Phaolô VI cho công bố thông điệp đầu tiên của ngài có tựa đề là "Giáo Hội Của Chúa" (Ecclesiam suam) vào ngày mùng 6 tháng 8 năm 1964, để bàn về việc đối thoại và tiếp xúc với thế giới, theo tinh thần Công Ðồng Chung Vatican II. Văn kiện quan trọng này được coi như kim chỉ nam hướng dẫn Triều Giáo Hoàng. Ðức Phaolô VI, người kế vị Ðức Gioan XXIII (1958-1953 ), tiếp tục, hoàn tất và thi hành Công Ðồng Vatican II. Ngài là Vị Giáo Hoàng đầu tiên đã khởi sự các chuyến viếng thăm mục vụ quốc tế ngoài nước Ý. Trong chuyến viếng thăm đầu tiên (vào đầu năm 1964) , Ðức Phaolô VI đi hành hương Thánh Ðịa, để kính viếng và nhớ lại nguồn gốc của Kitô Giáo. Tại đây ngài đã thực hiện một cuộc tiếp xúc lịch sử và đầy can đảm: đó là cuộc gặp gỡ với Ðức Anthenagoras đệ nhất, Giáo Chủ Chính Thống Constantinopoli. Cuộc gặp gỡ lịch sử này mở đầu cho các cuộc đối thoại và tiếp xúc với các Giáo Hội Chính Thống, để đi đến sự hiệp nhất các người Kitô.
Sau cuộc hành hương Thánh Ðịa, Ðức Phaolô VI tiếp tục lên đường viếng thăm nhiều nước khắp 5 Châu:
Ngài viếng thăm Beyrouth (Liban) và Ấn Ðộ, vào tháng 2/1964.
Tháng 10/1965, Ngài viếng thăm Trụ Sở Liên Hiệp Quốc tại New York. Trong dịp này ngài đã đọc một diễn văn lịch sử về hòa bình trước phái đoàn các nước hội viên tham dự Khóa Họp khoáng đại của Liên Hiệp Quốc: "Xin đừng bao giờ có chiến tranh nữa".
Tháng 5/1967, Ngài hành hương Fatima (Bồ Ðào Nha), để kỷ niệm 50 năm (1917-1967) Ðức Mẹ hiện ra với ba em mục đồng. Ðức Phaolô VI là Vị Giáo Hoàng đầu tiên hành hương Fatima. Trong dịp này ngài đã gặp Chị Lucia, một trong ba em được Ðức Mẹ hiện ra.
Tháng 7 năm 1967, Ngài viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ: đây là chuyến viếng thăm có tính cách đại kết. Tại đây, một lần nữa Ðức Phaolô VI gặp Ðức Giáo Chủ Chính Thống Athenagoras đệ nhất và sau đó, Ðức Giáo Chủ đã viếng thăm Vatican, để đáp lễ Ðức Phaolô VI.
Tháng 8 năm 1968, Ðức Phalô VI viếng thăm Colombia, để chủ tọa Ðại Hội các Giám Mục Châu Mỹ Latinh tại Medellin, thành phố lớn thứ hai của Colombia. Trên đường đi, ngài ghé thăm Ðảo Bermudes (thuộc Anh Quốc).
Ngày 10 tháng 6 năm 1969, ÐTC viếng thăm Trụ Sở Lao Ðộng quốc tế tại Genève (Thụy Sĩ) và đọc diễn văn quan trọng về vấn đề thợ thuyền và lao công.
Tháng 11/1970, trong chuyến viếng thăm dài hơn cả (hơn 10 ngày), ÐTC viếng thăm các nước: Iran (Hồi Giáo), Pakistan (Hồi Giáo) - Philippines, Ðảo Samoa, Australia, Indonesia, Hồng Kông và Sri Lanka.
Trong chuyến viếng thăm đầu tiên đến Phi Châu, trong vòng 3 ngày, từ 31/07 đến mùng 2 tháng 8 năm 1969, Ðức Phaolô VI viếng thăm Cộng Hòa Uganda, để tôn phong Các Vị Chân Phước Tử Ðạo của quốc gia này lên bậc Hiển Thánh. Chúng ta có thể quả quyết: Ðây là chuyến viếng thăm mở một giai đoạn mới cho công việc rao giảng Tin Mừng tại Châu Phi. Trong 30 năm (1969-1999), số người Công Giáo tại Lục Ðịa này tăng gấp đôi, từ 50 triệu lên tới 100 triệu vào lúc bước sang năm 2000.
Vào ngày đầu tiên của chuyến viếng thăm đầu tiên tại Phi Châu, tức vào ngày 31 tháng 7 (năm 1968), trước các Giám Mục Châu Phi, Ðức Phaolô VI nhấn mạnh rằng: "Anh em hãy trở nên những nhà truyền giáo cho những anh chị em của anh em." Qua những lời này, chúng ta thấy rõ tầm mức quan trọng của việc hội nhập Tin Mừng vào đời sống của người dân địa phương. "Anh em hãy trở nên những nhà truyền giáo cho những anh chị em của anh em" nghĩa là anh em hãy tiếp tục xây dựng Giáo Hội tại Lục Ðịa Phi Châu này. Giáo Hội của Chúa Kitô thực sự đã được vun trồng và đã ăn rễ sâu vào miền đất được chúc phúc này này. Ðây là những lời tuyên bố về sự trưởng thành của các Giáo Hội tại Châu Phi, là lời khuyến khích hãy ý thức về trách nhiệm và về công việc truyền giáo tại Lục Ðịa này.
Trong chuyến viếng thăm đầu tiên nầy, Ðức Phaolô VI cũng đã gặp những vị quốc trưởng các quốc gia Phi Châu: như Uganda, Tanzania, Zambia, Burundi và RWANDA, và các phái đoàn chính thức của các quốc gia Châu Phi khác. Trong diễn văn đọc tại Quốc Hội Uganda, Ðức Phaolô VI nêu lên hai điểm chính: Ðiểm nhất: Khuyến khích và tín nhiệm vào các dân tộc Châu Phi vừa thoát ra khỏi chế độ thuộc địa. Ðức Phaolô VI lên án chế độ kỳ thị chủng tộc, chế độ Thuộc địa cũ và chế độ thuộc địa mới - Ðiểm hai: nói lên sự đóng góp của Giáo Hội Công Giáo vào công cuộc phát triển các dân tộc Châu Phi. Ðức Phaolô VI đã nói như sau: "Giáo hội góp phần vào sự phát triển trong lãnh vực riêng của Giáo hội, lãnh vực của lương tâm con người, được thức tỉnh bởi giáo huấn Phúc Âm... Anh em đừng sợ Giáo hội; Giáo hội tôn trọng anh em; Giáo hội giáo dục người công dân để họ trở nên liêm khiết, trung thành; Giáo hội không nuôi dưỡng những tranh giành và không gây chia rẽ, và nếu Giáo Hội có dành ưu tiên nào đó, thì ưu tiên này là nhằm phục vụ cho các người nghèo khổ, cho công việc giáo dục giới trẻ và người dân, cho việc chữa lành các đau khổ, các vết thương của những người bị bỏ rơi ngoài lề xã hội. Ðức Phaolô VI cũng đã nhấn mạnh đến việc cần phải vuợt qua khỏi tất cả những chia rẽ. Trong lãnh vực tôn giáo, chính ngài đã làm gương bằng việc viếng thăm Ðền Thánh của Giáo Hội Anh Giáo và gặp các Giám Mục của Giáo Hội này tại Namugongo.
Trong diễn văn đọc cho các lãnh tụ Hồi Giáo tại Tòa Sứ Thần ở Uganda, Ðức Phaolô VI đã bày tỏ sự tôn trọng tối đa. Các báo chí Châu Phi đều đề cao thái độ cao cả của Ðức Phaolô VI, khi ngài nói đến hai cuộc chiến lúc đó tại Nigeria và Sudan; nguyên nhân của cả hai cuộc chiến nầy là do bởi những không hiểu nhau giữa các người Công Giáo và Hồi Giáo. Cảm phục cử chỉ của Ðức Phaolô VI, một vị lãnh đạo Hồi Giáo tuyên bố như sau: "Hôm nay là ngày lễ trọng, ngày liên hoan của tất cả các người tin kính một Thiên Chúa."
Ngày nay, sau 30 năm, kể từ khi Ðức Phaolô VI viếng thăm đầu tiên Châu Phi, sứ điệp của ngài cho lục địa nầy, vẫn còn giá trị.