Bài phỏng vấn
của Ðức Cha Khamse Vithavong
Giám Mục đại diện Tông Tòa
Giáo Phận Vientiane, Laos

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

THỜI SỰ: Lược tóm bài phỏng vấn của Ðức Cha Khamse Vithavong, Giám Mục đại diện Tông Tòa Giáo Phận Vientiane, Laos.

Trong những ngày từ mồng 8 đến 13 tháng 2/1999, các Giám Mục Lào Quốc và Campuchia có mặt tại Roma để viếng Tòa Thánh theo luật định. Các ngài đã được ÐTC tiếp chung hôm thứ Năm ngày 11 tháng 2/1999. Ðối với các Giám Mục Lào Quốc, thì đây là lần đầu tiên đến Roma sau hơn 40 năm; và do đó đây có thể được coi như là một biến cố khác thường, nếu không phải là "một phép lạ. Trong bài phỏng vấn dành cho Hãng Thông Tấn Fides hôm thứ Tư 10.02/99, Ðức Cha Khamsé Vithavong, Giám Mục đại diện Tông Tòa Giáo Phận Vientiane cho biết tổng quát về tình hình chính trị, tôn giáo tại Lào Quốc và những cảm tưởng sốt dẻo của ngài về việc được đến Roma và về cuộc gặp gỡ với ÐTC.

Về việc đến Roma, Ðức Cha Khamsé Vithavong nói: "Bề ngoài, có thể là một sự kiện chính trị. Nhưng đối với chúng tôi, những người có đức tin, đang hoạt động tại xứ truyền giáo (chúng tôi tất cả là những nhà truyền giáo tại Lào Quốc), đến đây để nói lên rằng: chúng tôi cũng là chính Giáo Hội. Chúng tôi đại diện dân tộc chúng tôi và chúng tôi có thể nói rằng: chúng tôi là thành phần của Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền".

Về cảm tưởng của cuộc gặp gỡ với ÐTC, Ðức Giám Mục nói: "Chúng tôi đã gặp ÐTC: một cuộc gặp gỡ nhiều cảm động. Cảm động vì thấy ÐTC mang tất cả gánh nặng của thế giới. Như vậy chúng tôi hiểu rằng: Thiên Chúa chọn những người có xương thịt, để thi hành chương trình của Người. Và Thiên Chúa làm các sự lạ lùng với sự yếu hèn của loài người chúng ta: nơi ÐTC tôi thấy cũng một phép lạ đang xẩy ra trong Giáo Hội chúng tôi tại Lào Quốc".

Về tình hình chính trị, từ khi Pathet Lào lên nắm chính quyền, Ðức Cha Khamsé Vithavong nói cách thận trọng rằng: Có một sự cởi mở ít nhiều về kinh tế, nhưng trên bình diện ý thức hệ, xét cho cùng vẫn như một. Có những nhà thương mại ngoại quốc đến Lào Quốc và người dân Lào có thể ra ngoại quốc. Chính phủ thi hành đường lối chính trị mới, tìm cách ý thức hóa người dân, nhưng họ đã quen sống với chế độ này cũng như với các chế độ khác. Họ chỉ cẩn sống còn là đủ. Những thay đổi về kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội... có như vậy, nhưng tiến bước cũng có, mà thoái lui cũng có. Ðối với người dân Lào việc chuyển từ chế độ quân chủ sang chính phủ hiện nay là một cuộc đảo lộn. Nhưng xét cho cùng, người dân Lào không quan tâm đến chế độ này hay chế độ khác: đối với họ những việc thường nhặt trong đời sống và việc sống còn, như túp lều ở, đồng lúa... là điều quan hệ".

Trở sang tình hình hình Giáo Hội Công Giáo tại Lào Quốc, Ðức Giám Mục nói dài hơn và đại ý như sau: Từ năm 1975, các nhà truyền giáo ngoại quốc phải ra đi, Giáo Hội ở trong tình trạng suy yếu: không có giám mục, các linh mục ít ỏi. Tất cả chúng tôi đặt câu hỏi: có thể tìm ra một mục vụ mới không? Với rất nhiều khó khăn, chúng tôi đã tìm ra, nhưng là một mục vụ của sống còn: theo gương các nhà truyền giáo của một thế kỷ nay, con số ít linh mục còn lại tổ chức viếng thăm các cộng đồng rải rắc trong cả nước, bằng việc cử hành Lễ Giáng Sinh hay Lễ Phục Sinh. Trong một năm mỗi cộng đoàn nhận được khoảng 10 lần viếng thăm. Ðây cũng là thời gian thanh lọc. Trước năm 1975, chúng tôi có nhiều cơ sở thời danh; sau đó không còn gì nữa. Hoàn cảnh này thúc đẩy chúng tôi sống mục vụ của sự hiện diện: thánh lễ, dạy giáo lý, sống trà trộn với người dân. Một đàng sống trong nghèo khó, nhưng đàng khác sự nghèo khó nầy là một sự giàu có. Việc khan hiếm linh mục này đã là cơ hội tốt để giáo dân lãnh nhận trách nhiệm nhiều hơn. Dĩ nhiên cần phải giúp họ trưởng thành về đức tin và hiểu biết đức tin. Khi không còn linh mục, các nhà truyền giáo, cơ cấu, thực phẩm... người dân trở lại theo Chúa Kitô, không phải vì lợi lộc vật chất nào cả.

Ðược hỏi: Giáo Hội Lào Quốc, nghèo nàn như vậy, có thể hiến dâng một cái gì đó cho Giáo Hội hoàn câu không? - Ðức Cha Khamse Vithavong trả lời: Tôi không muốn tự cao, tự phụ: chúng tôi không phải là một Giáo Hội trưởng thành hay trai trẻ, chúng tôi còn là giáo hội trẻ thơ, cần sự chăm sóc và chúng tôi nhận lãnh sự chăm sóc qua con người, qua các thể chế. Ðiều này làm cho chúng tôi cảm thấy chúng tôi thuộc về một thân thể. Tại Vientiane, tôi thường cử hành thánh lễ cho các cộng đồng người ngoại quốc làm việc tại đây. Họ nói tiếng Pháp, tiếng Anh, có khi cho cả người Indonesia nữa. Tất cả các những người bạn này đều hiểu rằng: việc cử hành thánh lễ của chúng tôi rất sống động. Có mấy người Úc Châu đến cảm ơn tôi về điều này. Ðây là Giáo Hội tại Lào, Giáo Hội trẻ thơ, như đứa bé vừa được cứu vớt khỏi chìm trong nước.

Về việc các người ngoài trở lại Ðạo Công Giáo, Ðức Giám Mục Vientiane cho biết: Chính chúng tôi cũng tự hỏi: Cái gì thúc đẩy người dân Lào trở lại Ðạo Công Giáo. Phần lớn những người trở lại là những người thờ Thần Linh. Một trong các lý do khiến họ muốn bỏ Ðạo thờ Thần Linh vì quá dị đoan và tốn kém. Nếu đau ốm phải đi tìm vị đạo trưởng. Vị này truyền phải mua sắm con vật hay sự khác để tế thần; việc chạy chữa qua tốn kém.... Từ việc bỏ đạo Thần Linh đến việc tin kính Chúa là một bước khá dài. Nhiều lúc họ tưởng linh mục cũng là những vị đạo trưởng của Thần Linh; có lúc họ thờ cả Thần Linh, cả Chúa Giêsu. Tiếc thay, vì chúng tôi ít ỏi, không đủ nhân sự để chuẩn bị đầy đủ hơn từng ngàn người tân tòng. Chính tôi cũng theo dõi một số gia đình tại các xã khác nhau, nhưng chúng tôi không thể theo dõi tất cả được.

Cần phải nhắc lại rằng: trong việc trở lại này có cả bàn tay của Chúa Thánh Thần. Chính chúng tôi ngạc nhiên về công việc của Người và chúng tôi nhẫn nại chờ đợi hoàn tất công việc của Người. Dầu có những đe dọa, những áp lực, những người trở lại này hay những người tân tòng này đã được vũng chắc trong đức tin.

Sứ Ðiệp của Ðức Cha Khamsé Vithavong muốn gửi tới các Giáo Hội Tây Phương là: Tại Lào Quốc Chúa Giêsu còn chưa được biết đến nhiều. Cả tại Tây Phương cũng đang xẩy ra như vậy. Vậy các Giáo Hội Tây Phương sẽ có thể giúp chúng tôi trong việc rao giảng Chúa được không? Có lẽ được, nhưng cần phải tìm kiếm cẩn thận. Trong những năm 1950, các nhà truyền giáo đến Lào Quốc, tất cả đều là như lò lửa và là ngọn lửa, đối với Chúa Giêsu Kitô và Giáo Hội. Ngày nay chúng tôi không có nữa: chúng tôi không có các nhà truyền giáo ngoại quốc nữa và chúng tôi cũng không có các nhà truyền giáo rao giảng như lò lửa, như ngọn lửa nữa. Ðiều quan trọng là các nhà truyền giáo phải là những chứng nhân của Chúa Kitô, biết yêu thương các người chung quanh mình. Các nhà truyền giáo như vậy cần phải tìm cách rất cẩn thận. Giáo Hội Tây Phương đem đến cho chúng tôi nhiều hoạt động, nhưng chúng tôi cần đến một chiều kích suy niệm: chiều kích này phải thấm nhập vào tất cả các công việc, cơ cấu của chúng tôi".


Back to Radio Veritas Asia Home Page