Vài nhận định
về tình trạng sức khỏe của ÐTC
sau chuyến đi thăm Ấn Ðộ
và Cộng Hòa Georgia

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Vài nhận định về tình trạng sức khỏe của ÐTC sau chuyến đi thăm Ấn Ðộ và Cộng Hòa Georgia.

Sáng thứ Tư 10.11.99 không có buổi tiếp kiến chung. Lúc 12 giờ, ÐTC ra cửa sổ, như ngày Chúa Nhật và các ngày lễ trọng, để nói ít lời về chuyến viếng thăm tại Ấn Ðộ và Georgia vừa kết thúc và chào thăm các đoàn hành hương tụ họp tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hủy bỏ buổi tiếp kiến chung là để ÐTC nghỉ, sau những ngày vất vả vừa qua tại Ấn Ðộ và Georgia. Máy bay chở ÐTC và đoàn tùy tùng, từ Tbilisi về Roma, đáp xuống phi trường quân sự Ciampino-Roma lúc 10 giờ tối thứ Ba mùng 9/11/1999 (giờ địa phương Roma) tức trễ một giờ, so với chương trình dự định trước. Do việc hủy bỏ buổi tiếp kiến chung này, nhiều cơ quan thông tin báo động: Tình trạng sức khỏe của ÐTC đáng lo ngại. Sở dĩ họ loan tin như vậy là do vài hình ảnh mà người ta đã ghi nhận được qua các đài truyền hình tường thuật về chuyến viếng thăm của ÐTC.

Chẳng hạn như: tại New Delhi, trong lúc viếng thăm Lăng tẩm Lãnh Tụ Mahatma Gandhi, ÐTC đã trượt chân sắp té; nhưng ngài tự mình lấy lại ngay quân bình. Rồi tại phi trường thủ đô Tbilisi của Georgia, người ta nhìn thấy ÐTC run rẩy nhiều, vì trời gió lạnh. Thật sự, tình trạng thực về sức khỏe của ÐTC như thế nào? Sau đây là vài chi tiết và bình luận liên quan đến tình trạng sức khỏe của ÐTC được đăng tải trên các báo chí tại Italia:

Nhật báo "Thư Tín buổi Chiều" (Corriere della sera), một trong các báo lớn của Italia, xuất bản tại Milano, số ra ngày 10.11.1999 tường thuật rõ ràng trong ba bài khác nhau trên trang 13, trang dành cho vấn đề thời sự.

Bài nhất với tựa đề lớn chiếm cả trang: ÐTC nói "Tạ ơn Chúa, tôi về tới Roma". Nhật báo đăng ba bức hình khác nhau: hình ÐTC trên giường bệnh lúc điều trị trong bệnh viện Gemelli, sau vụ mưu sát ngày 13.05.1981 - hình ÐTC gián đoạn Kinh Truyền Tin ngày Lễ Giáng Sinh năm 1995. Ngài không đọc sứ điệp Giáng Sinh cho Thành Roma và cho Thế Giới trong ngày này, vì bị sốt. Thánh lễ lúc 10 giờ ban ngày trong Ðền Thờ Thánh Phêrô, do Ðức Hồng Y Virgilio Noe chủ sự thay - Hình ba: ÐTC bị té và trán bị dập, trong chuyến viếng thăm tháng Sáu năm nay (1999) tại Ba Lan. Lúc đó, tại Cracovia, ÐTC đã không cử hành thánh lễ cho dân chúng được, vì bị sốt. Ðức Hồng Y Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh, đã chủ sự thánh lễ nhân danh ÐTC. Tưởng cũng nên nhắc lại rằng ÐTC bị té ngã lần thứ nhất trong phòng ở Vatican tháng 5 năm 1994. Do vụ bị té ngã này, ngài đi lại khó khăn và nhiều lúc phải dùng gậy. Và ÐTC đã cử Ðức Hồng Y Francis Arinze chủ sự thánh lễ bế mạc Thượng Hội Ðồng Phi Châu và đọc bài giảng của ngài.

Nhật báo "Thư Tín buổi chiều" đã nhận định về tình trạng sức khỏe của ÐTC như sau: Tại Georgia ÐTC run rẩy ba lần. Tiến Sĩ Navarro Valls tuyên bố với giới báo chí: "Ngài bị lạnh, nay khá hơn rồi". Ở giữa trang, nhật báo đăng hình ÐTC tại sân bay Tbilisi, một tay đang giữ mũ vì gió quá mạnh và tay kia giữ áo choàng đỏ vừa được đem đến cho ngài, vì trời lạnh buốt và gió thổi mạnh.

Ngoài ra nhật báo "Thư Tín buổi chiều" cho đăng ba bài vắn: một bài của Ðức Tổng Giám Mục Givanni Battista Re, phó Quốc Vụ Khanh, nói về tình hình sức khỏe của ÐTC - Bài hai ghi lại những nhận xét của nhà văn Công Giáo Vittorio Messori về ÐTC và sau cùng, bài phỏng vấn của Bác Sĩ giải phẫu Ðức Gioan Phaolô II dành cho đặc phái viên của báo.

Bài về những tin do Ðức Tổng Giám Mục Giovanni Re - nhắc rằng: Cần phải lưu ý đến sự kiện này: ÐTC vừa đi từ miền nhiệt đới Ấn Ðộ đến Georgia, giá lạnh. Ðức Tổng Giám Mục trả lời các phóng viên báo chí như sau tại Tbilisi: Chính vì giá lạnh, chúng ta đã thấy ÐTC run rẩy nhiều, lúc ngài ở sân bay và lúc viếng thăm nhà thờ chính tòa của Giáo Hội Chính Thống. Trong nhà thờ này ai cũng cảm thấy khí lạnh và ẩm ướt. Rồi cũng cần lưu ý đến sự mệt nhọc của chuyến bay và "chúng ta từ xứ nóng Ấn Ðộ đến Georgia một xứ lạnh". Ðức Tổng Giám Mục nhận định tiếp như sau: "Nhưng ÐTC rất mạnh. Như anh chị em thấy: sáng nay ngài khỏe mạnh và thực hiện đầy đủ các chương trình. Thực sự việc di chuyển đây đó liên tiếp và việc thay đổi đột ngột khí hậu, sức nóng tại Ấn Ðộ, mức lạnh tại Georgia, những yếu tố nầy đã ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tại sân bay Tbilisi, không có gì che ÐTC khỏi cơn gió lạnh, không có kính chắn... cả chúng tôi đứng kế bên ghế của ÐTC cũng cảm thấy lạnh. Chúng tôi trong đoàn tùy tùng tìm cách đứng sát bên cạnh ngài, để che gió phần nào. Sau đó, chúng tôi không lo lắng nữa. Chiều hôm thứ Hai 8/11/1999, ÐTC hơi sốt, nhưng lúc này chúng tôi có thể nói là đã qua khỏi".

Bài báo nói đến chuyến viếng thăm tại Georgia - Chính Ðức Tổng Giám Mục Giovanni Re và Tổng Thống Shevardnadze thực hiện những bước đầu tiên để chuẩn bị chuyến viếng thăm này tại Georgia. Ðức Tổng Giám Mục nói: "Tháng 8/1999 (vừa qua) khi tôi đến Tbilisi (để làm phép nhà thờ kính Ðức Mẹ lên trời vừa được sửa lại), Tổng Thống muốn gặp tôi và ông nhấn mạnh nhiều đến việc mời ÐTC viếng thăm Georgia. Tổng Thống nói với tôi rằng: Ðối với ông ÐTC không những là vị lãnh tụ tôn giáo uy tín nhất trên thế giới, nhưng còn là nhân vật quan trọng hơn cả mà chúng ta có hiện nay trên Trái Ðất này".

Trong bài báo ghi lại những nhận xét của mình về tình trạng sức khỏe của ÐTC, Nhà Văn Vittorio Messori - một nhà văn Công Giáo, và đã viết nhiều sách về ÐTC Gioan Phaolô II và các vấn đề về Giáo Hội, về Ðạo Công Giáo. Nhà Văn Messori viết như sau: "ÐTC có thể chết trên mặt trận, nhưng đây là công việc tông đồ của ngài. Trong các chuyến viếng thăm mục vụ của ngài, ÐTC tiêu hao chính mình đến cùng, lãnh nhận Thánh Giá của mình và ngài có thể chết trên mặt trận. Không ai có thể ngăn cản ngài, đây là một việc nghịch lý; cho dù ngài đã cao niên và đau yếu, ngài luôn luôn giữ trọn vẹn sự lo lắng của ngài về công việc tông đồ. Chúng ta hãy để ngài trở nên người Kitô cho đến tận cùng. Chúng ta đang đứng trước một Vị Thánh và Giáo Hội phải công nhận Ngài đúng lúc với việc phong Chân Phước và Hiển Thánh". Nhà văn Messori kết thúc: "Thật đẹp thay cho một Triều Giáo Hoàng anh hùng như Triều Giáo Hoàng này: Ðức Wojtyla không chu du thế giới như một người du lịch, nhưng như một chứng nhân: các chuyến ra đi này là Thánh Giá của Ngài; nhưng nếu muốn cất đi thánh giá này cho ngài, thì quả thật là một điều phi lý".

Bài thứ ba là bài phỏng vấn giáo sư Georgio Ribotta, một trong các Bác Sĩ thuộc Eùquipe đã giải phẫu ÐTC cách đây ba năm tại Gemelli. Tựa đề của bài phỏng vấn là: "ÐTC là một con người có nghị lực khác thường".

Giới thiệu cho bài phỏng vấn, tờ báo viết như sau: Những run rẩy kia tại Tbilisi đã gây ngạc nhiên và sự kiện này đi vòng quanh thế giới trong chốc lát. Màn ãnh của Ðài Truyền Hình cho thấy ÐTC mệt nhọc, đau khổ, yếu sức bởi những mệt nhọc của một chuyến đi: mệt thể xác cũng như tâm lý. Trong hoàn cảnh của ngài, bất cứ ai cũng sẽ mệt nhọc như vậy. Một Vị Giáo Hoàng hơn 79 tuổi, bị giải phẫu sáu lần, thêm chứng bệnh run tay. Ðối với một người tuổi cao, những cuộc di chuyển như vậy không thể không gây ảnh hưởng. Từ Ấn Ðộ đến Georgia, từ khí nóng ẩm ướt đến khí lạnh khô ráo. Rồi từ Georgia về Roma. Các bác sĩ theo dõi sức khỏe của ÐTC biết rằng: cần phải tránh những lao lực. Nhưng đồng thời các ông cũng biết rằng: chính ÐTC lại là người không muốn tiếc sức lực của mình.

Giáo sư Georgio Ribotta bác sĩ giải phẫu của Ðại Học Chính Phủ "La Sapienza" ở Roma, người đã cùng với giáo sư bác sĩ Francesco Crucitti giải phẫu ruột thừa của ÐTC cách đây ba năm (1996) tại Gemelli, đã trả lời những câu hỏi của đặc phái viên nhật báo "Thư Tín Buổi Chiều" (Corriere della sera) như sau:

Hỏi - Ở Vatican, người ta nói: ÐTC mệt, ngài chỉ cần nghỉ ít ngày thôi. Vậy chúng ta có thể tin không?

Ðáp - Tôi nghĩ nên tin. Một người với tuổi này cảm thấy mệt nhọc do những di chuyển và những công việc nặng nề như vậy là điều thường tình. "Stress" "Bị căng thẳng" cao có ảnh hưởng trên tình trạng chung của cơ thể. Nhưng tôi không tin rằng đây là trường hợp đáng quan trọng hóa. Buổi tiếp kiến chung thứ Tư 10/11/1999 bị hủy bỏ, để ÐTC nghỉ lấy lại sức. Việc dừng lại nghỉ là việc cần thiết trong những trường hợp như vậy.

Hỏi - Vậy mới đây Giáo Sư có gặp ÐTC không?

Ðáp - Không. Việc lấy lại sức sau cuộc giải phẫu thực sự tốt đẹp. Những khi cần đến, tôi đến và thấy ÐTC bình thường. Ngài có một nghị lực khác thường.

Hỏi - Vậy ÐTC có nghị lực khác thường để chịu đựng những lao lực này sao?

Ðáp - Ngài là một người có một sức chịu đựng rất dẻo dai. Sau cuộc giải phẫu "ruột thừa", dĩ nhiên không phải là một cuộc giải phẫu khó khăn; chúng tôi khuyên ngài nghỉ, nhưng xem ra ngài ngài ít muốn nghe.

Nhân dịp này, giáo sư Vincenzo Marigliano, chuyên về khoa "tuổi già", nhận định như sau : Theo tôi nghĩ, những ai soạn chương trình các chuyến viếng thăm của ÐTC, cần phải dự tính như sau: một ngày nghỉ hoàn toàn, rồi sau đó mới khởi sự các cuộc tiếp xúc với dân chúng. Giáo Sư nói tiếp: "Nhưng xem ra Ðức Wojtyla không lo lắng đến đời sống của mình, ngài ưa chiến đấu. Nhưng có thể chiến đấu sáng suốt hơn và nghỉ ngơi với những phòng ngừa nho nhỏ".

Ðó là vài nhận định về tình trạng sức khỏe của ÐTC sau chuyến đi thăm Ấn Ðộ và Cộng Hòa Georgia về.


Back to Radio Veritas Asia Home Page