Những vâïn động ngoại giao
của Tòa Thánh nhân dịp
Chủ Tịch Nhà Nước Trung Quốc
viếng thăm chính thức Cộng Hòa Ý

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Những vâïn động ngoại giao của Tòa Thánh nhân dịp Chủ Tịch Nhà Nước Trung Quốc viếng thăm chính thức Cộng Hòa Ý.

Tuần báo "Gia Ðình Kitô" (Famiglia cristiana) số ra ngày 28-02-99 đã tiết lộ rằng: ÐTC Gioan Phaolô II tỏ ý muốn gặp Chủ Tịch Nhà Nước Trung Quốc nhân dịp Ông viếng thăm chính thức Cộng Hòa Ý vào cuối tháng Ba 1999 này. Ðể thực hiện ý muốn của ÐTC, Ðức Hồng Y Angelo Sodano, Quốc Vụ Khánh, đã xin Chính Phủ Ý đứng ra làm trung gian. Ðức Hồng Y Quốc Vụ Khánh và Thủ Tướng Ý, ông Massimo D’Alema, đã thảo luận lâu về vấn đề này tại Ðại Sứ Quán Ý cạnh Tòa Thánh, ngày 11 tháng 2/1999 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Hòa Ước giữa Vatican và Cộng Hòa Ý (11.02.1929 - 11.02.1999).

Do lời yêu cầu của Tòa Thánh, từ bẩy năm nay, Chính Phủ Ý vẫn tiếp tục công việc làm trung gian qua Ðại Sứ Quán Italia tại Bắc Kinh. Với nhiều thận trọng và kín đáo, Ðại Sứ Quán Ý tìm cách làm cho Nhà Cầm Quyền Trung Quốc và Vatican tiếp xúc với nhau. Cả Ðại Sứ Quán Trung Quốc ở Roma cũng trở nên điểm của nhiều cuộc đối thoại ngoại giao, một cuộc đối thoại vất vả, đầy nhẫn nại, với nhiều thăng trầm; nhưng dù sao là một cuộc đối thoại hữu ích, bởi vì cuộc đối thoại như vậy giúp đi đến chỗ hiểu nhau hơn và cho thấy vẫn có một đường giây nối kết và một cánh cửa nhỏ hé mở. Cuộc đối thoại, một thời kỳ bị gián đoạn, nhưng Vatican không bao giờ thất vọng. Nhân chuyến viếng thăm chính thức của ông Jiang Zhemin (Giang Trạch Dân), Chủ Tịch Nhà Nước Trung Quốc vào cuối tháng 3/1999 nầy, tại Cộng Hòa Ý, ÐTC lại bày tỏ ước muốn có một cuộc tiếp xúc với Nhà Cầm Quyền Bắc Kinh trên cấp bậc cao nhất.

Tờ Tuần Báo Gia Ðình Kitô còn cho biết thêm rằng: Trong cuộc thảo luận với Thủ Tướng Ý, Ðức Hồng Y Sodano quả quyết : Tòa Thánh sẵn sàng chuyển Tòa Sứ Thần từ Ðài Bắc Ðài Loan đến Bắc Kinh liền ngay, không phải ngày mai, nhưng vào chính chiều nay (nghĩa ngay lúc gặp gỡ với Thủ Tướng Ý đây), nếu Nhà Cầm Quyền Trung Quốc muốn và cho phép như vậy. Tờ Tuần Báo nhấn mạnh: "Chưa bao giờ có những lời xác nhận rõ ràng như vậy. Ðây là dấu chỉ: vấn đề Trung Quốc là vấn đề được ÐTC quan tâm như thế nào". Trong chuyến bay từ Roma đến Mexico hôm 22 tháng Giêng 1999 vừa qua, trong cuộc gặp gỡ giới báo chí trên máy bay, ÐTC đã nói lên ý muốn của ngài được viếng thăm Nga và Trung Quốc.

Sau cuộc gẵp gỡ giữa Ðức Hồng Y Quốc Vụ Khanh và Thủ Tướng Ý tại Ðại Sứ Quán Ý cạnh Tòa Thánh ở Roma, đã có những cuộc hội họp giữa các nhà ngoại giao Vatican và Cộng Hòa Ý. Nội dung của các cuôc họp này không được tiết lộ. Tưởng cũng nên nhắc lại rằng: Sứ Thần Tòa Thánh tại Bắc Kinh đã bị Chính Phủ Trung Quốc (thời Chủ tịch Mao Trạch Ðông) trục xuất năm 1951. Và từ đó, Tòa Sứ Thần được chuyển về Ðài Bắc Ðài Loan. Nhưng từ năm 1972, Tòa Thánh chỉ cử vị đại diện của mình tại Ðài Loan trên cấp bậc Vị Xử Lý Thường Vụ, thay vì Sứ Thần, để cuộc tiếp xúc với Bắc Kinh được dễ dàng hơn và cũng để tỏ thiện chí của Vatican sẵn sàng tái thiết quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, bất luận thuộc chế độ chính trị nào. Về phía Ðài Loan, chính phủ vẫn cử Vị Ðại Diện của mình cạnh Tòa Thánh trên cấp bậc Ðại Sứ.

Sau lời tuyên bố của Ðức Hồng Y Quốc Vụ Khanh hôm 11.02.99 vừa qua, Ðại Sứ Ðài Loan cạnh Tòa Thánh, ông Raymond Tai, lập tức xin gặp Ðức Tổng Giám Mục Jean Louis Tauran, Ngoại Trưởng Tòa Thánh, để xin giải thích lời tuyên bố của Ðức Hồng Y Sodano. Sau đó, Tổng Trưởng Ngoại Giao Ðài Loan, ông Jason Hu, trong chuyến viếng thăm Châu Âu, cũng vội vàng đến gặp Ðức Tổng Giám Mục Tauran và Ðức Hồng Y Sodano. Dĩ nhiên Ðài Loan lo lắng nhiều về lời tuyên bố của nhân vật quan trọng số hai của Vatican. Trong cuộc gặp gỡ, cả hai vị, tức Ðức Tổng Giám Mục Tauran, và Ðức Hồng Y Sodano đều giải thích rõ ràng lập trường của Tòa Thánh rằng: từ năm 1972, Vatican vẫn quan tâm đến việc tái lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh như trước đây. Nhưng lập trường này không có nghĩa là đoạn tuyệt quan hệ ngoại giao với Ðài Loan. Theo truyền thống ngoại giao của Tòa Thánh, thì Tòa Thánh không bao giờ đơn phương tự ý mình cắt đứt quan hệ ngoại giao với một quốc gia đang có những liên lạc với mình.

Nguồn tin Vatican cho biết: Sáng kiến xích lại gần Trung Quốc đã được Tòa Thánh đưa ra từ nhiều năm nay, nhưng luôn luôn qua trung gian ngoại giao của Chính Phủ Ý, và đã có những cuộc tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp giữa Tòa Thánh và Trung Quốc qua Ðại Sứ Quán Ý ở Bắc Kinh hoặc Ðại Sứ Quán Trung Quốc ở Roma. Và Thực sự, cho tới lúc này chưa có thành quả cụ thể nào.

Tại Bắc Kinh, những chỉ thị mật của Ðảng được đưa ra từ năm 1992 nhằm bãi bỏ mọi tôn giáo, đã không được thi hành triệt để, bởi vì có một phe chủ trương cởi mở hơn, tự do hơn. Phe này cho rằng các tôn giáo có thể giúp ích nhiều cho việc phát triển Ðất Nước. Cuộc tranh luận về vấn đề này xem ra giảm bớt trong những năm vừa qua, vì Chính Phủ quá bận tâm đến những vấn đề khác quan trọng hơn: vấn đề phục hưng kinh tế và nạn thất nghiệp.

Ðàng khác, từ Bắc Kinh, có người tung tin rằng: Nếu Vatican tặng 10 tỉ Mỹ kim, thì mọi vấn đề được giải quyết ngay. Tin này không có nền tảng. Mối quan tâm của Tòa Thánh,và của Ðức Gioan Phaolô II không thuộc phạm vi vật chất, nhưng thuộc lãnh vực thiêng liêng và mục vụ. Thực tế là, -- theo những nguồn tin đáng tin cậy,--- đã có lời yêu cầu viện trợ từ phía các người Công Giáo thuộc Giáo Hội hầm trú và cả các người Công Giáo thuộc Giáo Hội ái quốc, được gửi tới Vatican.

Tuần Báo Gia Ðình Kitô cho biết thêm rằng: Báo chí Ðài Loan chỉ trich lời tuyên bố của Ðức Hồng Y Sodano. Nhưng Ðức Hồng Y Paul Shan, giám mục giáo phận Kaohsiung (Ðài Loan)đã trả lời qua Hãng Thông Tấn quốc tế Fides rằng: Ðường lối ngoại giao của Tòa Thánh không nhằm lợi ích chính trị hay ý thức hệ. Lời tuyên bố của Ðức Hồng Y Sodano là một biểu lộ của sự lo lắng và của tình yêu thương mục vụ đối với các tín hữu Kitô tại Trung Quốc.


Back to Radio Veritas Asia Home Page