ÐTC tiếp
Các Giám Mục Lào Quốc và Cam Bốt
đến Roma viếng Tòa Thánh

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

ÐTC tiếp chung các Giám Mục Lào và Cam Bốt đến Roma viếng Tòa Thánh (Ad Limina).

Vatican - 11.02.99 - Sáng thứ Năm 11.02.99, dù là ngày lễ nghỉ tại Vatican, vì mừng kỷ niệm 70 năm ký hòa ước giữa Tòa Thánh và Nước Ý (11.02.1929), ÐTC cũng tiếp chung các Giám Mục Lào Quốc và Cam Bốt. Chuyến viếng thăm của các vị chủ chăn Giáo Hội địa phương tại hai quốc gia Lào và Cămpuchia bắt đầu hôm mồng 8/02/99 và sẽ kết thúc vào ngày 13/02/99. Ngoài buổi gặp gỡ ÐTC, các vị chủ chăn còn tiếp xúc với các cơ quan trung ương Tòa Thánh, cách riêng với Bộ Truyền Giáo.

Trong diễn văn dài 5 trang bằng tiếng Pháp trao cho các Giám Mục Lào và Campuchia, trước hết ÐTC bày tỏ sự vui mừng lớn lao của ngài được gặp chung các vị chủ chăn của Giáo Hội Ccâng Giáo tại hai quốc gia này lần thứ nhất, kể từ khi ngài lên làm Giáo Hoàng. ÐTC cầu chúc cho những ngày sống tại Roma trong tinh thần Giám Mục Ðoàn và trong hiệp thông với Vị Kế Nghiệp Phêrô được là những ngày đầy ơn thánh, để giúp các ngài làm cho đức tin, đức cậy, đức mến của các Cộng Ðồng Công Giáo, đã được phú thác cho sự lo lắng mục vụ của các ngài, gia tăng, trong hiệp nhất chặt chẽ với Giáo Hội hoàn cầu.

ÐTC xin các Giám Mục chuyển đến các linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân lời chào thăm yêu thương và những khích lệ của ngài, để tất cả tiếp tục là những chứng nhân can đảm của Tình Yêu Thương Chúa Cha đối với mọi người. Ngài không quên hai dân tộc đau khổ Lào và Cămpuchia.

Sau đó ÐTC nhắc đến việc đối thoại và cộng tác giữa Kitô Giáo và Phật Giáo, cách riêng trong việc bênh vực sự sống và phẩm giá con người. Tại Lào Quốc và Cămpuchia, Phật Giáo chiếm đại đa số và Kitô Giáo, tuy thuộc thiểu số, đã có từ hơn bốn thế kỷ nay. Trong tinh thần của Công Ðồng Vatican II, ÐTC khẳng định rằng: "Với sự tôn trọng, Giáo Hội rất quan tâm đến sự phong phú văn hóa và thiêng liêng đã ăn rễ sâu vào hai dân tộc này và đã trở nên thành phần của gia tài nhân loại". Trong thái độ huynh đệ và tôn trọng sự tự do của mỗi người, Ðức Gioan Phaolô II nhắc lại dấn thân của Giáo Hội về đối thoại và cộng tác với các tín đồ của các tôn giáo khác và với mọi người thiện chí, trong sự thông cảm nhau, để bênh vực sự sống và phẩm giá con người, cũng như để cổ võ sự hòa giải, công lý và hòa hợp giữa mọi người. Ðồng thời Giáo Hội muốn góp phần, trong những thể thức riêng của mình, vào việc xây dựng một xã hội liên đới hơn và phù hợp với sự cao cả của con người.

ÐTC nhấn mạnh rằng: Sứ Ðiệp Phúc Âm không thể bị coi như một nền văn hóa ngoại lai, vì sứ điệp này được gửi tới mọi người và mọi dân tộc. "Vì thế, điều quan trọng là Tin Mừng được rao giảng và được đón nhận vào các nền văn hóa dân tộc của các Ðức Cha và nhập thể sâu xa trong đó. Một trong các dấu hiệu của việc nhập thể này là bản dịch đại kết (của Công Giáo và Tin Lành) toàn bộ Kinh Thánh ra tiếng Khmer". Ðối với những hoạt động của Giáo Hội tại Lào và Cămpuchia, một Giáo Hội vừa thoát khỏi những thử thách đau thương, ÐTC nhắc đến việc giúp đỡ các người tị nạn và các người sống trong cảnh cùng cực, bất luận họ thuộc về khuynh hướng chính trị nào; rồi ngài nhắc đến những công việc can đảm để phục hồi các nạn nhân của bạo động và của các thiên tai; nhắc đến dấn thân cương quyết hủy bỏ hẳn các loại mìn giết người, thứ vũ khí vẫn tiếp tục gây nên biết bao nạn nhân tại cả hai nước; nhắc đến việc phục vụ vô vị lợi đối với các người hèn yếu.

Với tâm tình biết ơn dâng lên Chúa, ÐTC nhắc lại lòng trung thành anh hùng của các tín hữu Kitô tại miền này trong những thời kỳ thử thách, thời kỳ hai quốc gia phải chịu đựng những đau khổ khủng khiếp và con số nạn nhân vô tội của bạo dộng và của việc khước từ phẩm giá con nguời không thể ước tính được. ÐTC nhắc đến nhiều linh mục, nam nữ tu sĩ , giáo dân đã hy sinh sự sống để theo Chúa, hòa máu của họ với máu của các anh chị em họ, đương đầu với những thử thách với phẩm giá và với sức mạnh của tâm hồn. ÐTC nhấn mạnh: "Ðừng ai quên đi chứng tá đáng cảm phục này! Chứng tá này nhắc cho chúng ta biết: việc theo Chúa Kitô là dấu hiệu của tương phản đối với thế gian này, ngày nay cũng như ngày xưa, và "những gì yếu hèn trong thế gian này, đó là cái được Thiên Chúa chọn để hạ nhục nhũng kẻ hùng mạnh" (1 Cor 1, 27). ÐTC khuyến khích các giám mục tiếp tục phục vụ trong hai quốc gia này. Nhiều vị trong các ngài đã bị tù đầy, những vị khác đã hy sinh mạng sống cho đoàn chiên, theo gương Chúa Chiên nhân lành. Các ngài phải thi hành Thừa Tác Vụ trong những hoàn cảnh khó khăn và thiếu thốn, nhưng "xin quý Ðức Cha hãy nhớ rằng: Vị Kế Nghiệp Phêrô gần gũi các Ðức Cha trong các đau khổ của đời tông đồ cũng như trong niềm an vui và hy vọng" - Sau cùng ÐTC bày tỏ sự hài lòng về các cố gắng đang thực hiện tại Lào Quốc và Cămpuchia, để tiến đến tự do nhiều hơn. Các cố gắng này giúp Giáo Hội tiếp tục dấn thân trong phát triển và thịnh vượng của mọi người.

Trong diễn văn tường trình trước ÐTC, Ðức Cha Yves Ramousse, Giám Mục đại diện Tông Tòa Pnom Penh, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Lào và Căm Bốt (CELAC: Conférence Episcopale Laos-Cambodge) đã giới thiệu Hội Ðồng Giám Mục lên ÐTC, gồm 7 vị, được thành lập năm 1971 và được Tòa Thánh chấp nhận, nhưng trong 20 năm không thể triệu tập cuộc họi họp nào cả, vì tình hình khó khăn tại hai nước.

Tại Cămpuchia, từ năm 1990, Hiến Pháp công nhận tự do tôn giáo; Chính Phủ và Tòa Thánh đã thiết lập quan hệ ngoại giao và Giáo Hội Công Giáo được công nhận là một pháp nhân. Người Công Giáo hiện nay là 20 ngàn trong số hơn 11 triệu dân (khoảng 0,2%), thuộc ba giáo phận, dưới sự hướng dẫn của 30 linh mục, trong đó chỉ có một vị là người Căm Bốt, các vị khác thuộc 15 quốc tịch khác nhau. Hiện nay có 8 chủng sinh đang được huấn luyện để làm Linh Mục.

Tại Lào Quốc: Có 4 giáo phận đại diện Tông Tòa. Cộng Ðồng Công Giáo gồm 35 ngàn tín hữu trong số 5 triệu dân cư, dưới sự hướng dẫn của 16 linh mục và khoảng 100 Nữ Tu. Hiến Pháp 1992 công nhận tự do tôn giáo, nhưng tại nhiều địa phương vẫn có những giới hạn đối với tôn giáo. Mối quan hệ với chính quyền trở nên khả quan hơn và vì thế Giáo Hội cũng thực hiện được nhiều công việc cho đời sống riêng mình và đồng thời mưu ích cho người dân. Dù gặp nhiều khó khăn, tại Lào có nhiều vụ trở lại Ðạo Công Giáo, và Giáo Hội tại đây cũng như tại Cămpuchia là những Giáo Hội rất sống động.


Back to Radio Veritas Asia Home Page