Về tình hình hiện nay của Giáo Hội Anh Giáo.
Nhật báo Công Giáo Ý "Tương Lai" (Avvenire) số ra ngày 07.08.99 đã dành một bài nói về hiện tình Giáo Hội Anh Giáo, với tựa đề là: "Giáo Hội Anh Quốc giữa ngã ba đường - Tín hữu Anh Giáo: con số sống đạo giảm bớt. Lỗi của việc tục hóa". Trong những năm này, Giáo Hội Anh Giáo trở thành "đề tài" cho nhiều bài được đăng trên các nhật báo Anh Quốc. Các báo này không ngừng nêu lên sự giảm sút con số các tín hữu tham dự các buổi cử hành phụng vụ ngày Chúa Nhật và nạn tục hóa mỗi ngày mỗi lan rộng trong xã hội Anh Quốc. Trong nhiều môi trường danh từ "đức tin" không còn có ý nghĩa gì nữa và chỉ gây nên lúng túng. Theo cuộc điều tra của nhật báo "Chúa Nhật Thời Báo" (Sunday Times), thì hiện nay chỉ có khoảng 2% tín hữu Anh Giáo tham dự lễ Chúa Nhật và việc rước lễ đang đi vào cơn khủng hoảng trầm trọng: chỉ có khoảng 1% rước lễ. Xin được nhắc lại nơi đây là: Giáo Hội Anh Giáo cử hành các bí tích, thánh lễ... như bên Giáo Hội Công Giáo. Dù báo chí của Giáo Hội Anh Giáo cải chính sự sa sút do nhật báo Sunday Times nêu lên, người ta phải công nhận những con số đưa ra không xa với thực tế cho lắm.
Theo tờ Tuần Báo Công Giáo Tablet, con số tín hữu Anh Giáo dự Thánh Lễ trong năm 1995 là hơn một triệu - giảm mất 36 ngàn sánh với năm trước. Cũng trong năm 1995, số rửa tội trong Giáo Hội Anh Giáo giảm mất 16 ngàn và số lãnh bí tích Thêm Sức mất đi 4 ngàn. Số người Rước Lễ dịp Lễ Phục Sinh từ một triệu 300 ngàn, xuống còn một triệu 265 ngàn. Ðứng trước những con số trên đây của nhật báo Sunday Times và Tuần Báo Công Giáo Tablet, hai Ðúc Giám Mục Anh Giáo: Ðức Cha Mark Santer, Giám Mục Birmingham và Ðức Cha Michael Nazir'ali, (người Pakistan) Giám Mục Rochester, trả lời là con số thống kê của Sunday Times không đáng tin cậy. Trong các giáo phận, con số dự Thánh Lễ Chúa Nhật gia tăng, chứ không giảm bớt. Những tiêu chuẩn để đo mức độ sự hiện diện của các tín hữu trong Thánh Lễ rất quan trọng. Ngày nay người ta thấy rằng: tôn giáo từ hiện tượng xã hội trở nên hiện tượng cá nhân. Ðức Giám Mục nghĩ rằng: điều này không có nghĩa là đức tin của người dân Anh đã biến mất. Ðức Giám Mục Santer quả quyết: Chủ nghĩa cá nhân mỗi ngày mỗi lan rộng cũng thay đổi cả cách sống đức tin Kitô nữa. Ðức Giám Mục quả quyết: Theo các nguồn tin của chúng tôi sự hiện diện của các tín hữu trong những năm vừa qua không thay đổi. Các thống kê luôn luôn được làm theo các tiêu chuẩn "chính trị". Ðức Giám Mục nói thêm: Chúng ta không được quên rằng: ngày nay trong tất cả các Giáo Hội, chúng ta đang ở vào một tình trạng truyền giáo. Cơn khủng hoảng lan tràn khắp nơi. Chúng ta sống trong thời kỳ truyền giáo, nhất là tại các thành phố lớn, nơi đây vấn đề chính không phải là thuyết vô thần, nhưng là sự dốt nát về các chân lý nền tảng của đức tin Kitô. Ða số người dân không còn biết đến Phúc Âm nữa; tuy nhiên, họ vẫn có một sự đói khát về thiêng liêng. Lịch sử của nước Anh khác hẳn lịch sử nước Pháp và nước Ý: tại hai nước Pháp và Ý đã có phong trào bài giáo sĩ mạnh mẽ vào thế kỷ 19; nhưng tại Anh Quốc không có phong trào này. Vì thế chỉ có thể nói về một sự lãnh đạm tôn giáo, sự dốt nát về giáo lý hơn là một sự thù địch chống đối Phúc Âm. Ðức Giám Mục Birmingham kết luận như sau: Tôi phải nói lên rằng những cư xử mà báo chí Anh Quốc dành cho chúng tôi dĩ nhiên không giúp gì cho chúng tôi. Họ chỉ trích chúng tôi bất cứ ở trong tình hình nào; họ thay đổi hay không thay đổi, tùy nơi họ. Dĩ nhiên cái mà báo chí và đài phát thanh, truyền hình loan đi không thể tránh khỏi những hậu quả trên người dân. Thực hành mọi ngày việc sống đức tin là rất quan trọng, bởi vì Thiên Chúa không thể đạt tới cách dễ dàng (chỉ có đức tin mạnh mới giúp gặp được Người mà thôi) và ngày nay có nhiều cám dỗ khác làm cho các tín hữu (ít đức tin) xa nhà thờ, xa thánh lễ và xa Thiên Chúa. Nhiệm vụ của các vị chủ chăn rất quan trọng, để lôi kéo những nguời xa Thiên Chúa trở về với đức tin.
Ông William Oddie, tín hữu Anh Giáo trở lại Giáo Hội Công Giáo, và là một ký giả nổi tiếng, đã viết nhiều bài bình luận trên các báo chí Anh và hiện nay làm giám đốc Tuần Báo Công Giáo Catholic Herald, (được đọc nhiều hơn cả tại Anh Quốc) nhận xét như sau: Cái lỗi của Giáo Hội Anh Giáo là trở nên một Giáo Hội "chính trị". Sự lo lắng chính yếu của Giáo Hội là trở nên người làm hài lòng thời đại đang sống. Nền văn hóa thế tục bắt đầu quyết định giáo lý luân lý. Và Giáo Hội, theo đà này, trở nên tục hóa, bằng cách làm mất đi ý nghĩa của thánh thiêng. Ngày nay, theo ông Oddie, có 200 mục sư Anh Giáo tuyên bố công khai: không tin có Thiên Chúa. Ðây là một sự kiện không thể chấp nhận được đối với một thể chế đại diện tôn giáo trong nước. Ký giả William Oddie nói tiếp: Sự mất mát đi này trên bình diện chân lý, xem ra vẫn tiếp tục và tôi chắc rằng trong tương lai có thể đi đến quyết định về sự biến mất của Giáo Hội này. Giáo Hội Anh Giáo, từ thời cải cách, vẫn coi mình là Giáo Hội đích thực từ nguồn gốc, nhưng không phải vậy, theo tôi nghĩ. Giáo Hội đích thực và hoàn vũ là Giáo Hội Công Giáo. Chỉ Giáo Hội này là người đem đến chân lý mạc khải và thực sự có uy tín nói lên nhân danh Thiên Chúa. Nếu không thi hành như vậy, thì Giáo Hội chỉ là một thể chế loài người, không phải thể chế của Thiên Chúa nữa. Ông Villiam Oddie nói thêm: Một thí dụ cụ thể mang nhiều ý nghĩa: ngày nay giới trẻ trở nên tín hữu đích thực và truyền thống hơn lớp người già cả. Họ đang tìm mọi cách để chấm dứt tiến trình tục hóa xẩy ra trong Giáo Hội và họ đang đi tìm chân lý nguyên thủy. Họ nghe theo Ðức Gioan Phaolô II, vì họ coi ngài là người Cha, bậc Thầy, Vị Lãnh Ðạo tinh thần có khả năng hướng dẫn họ tới cái mà họ đang tìm kiếm: đó là Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Thế duy nhất của nhân loại, Ðấng là Ðường Ði, là Chân Lý và là Sự Sống".
Tưởng cũng nên nhắc lại đây rằng: Anh Giáo là một ly giáo khỏi giáo hội Công Giáo, do Vua Henri thứ Tám (1491-1547) gây ra. Ban đầu, Nhà Vua là người Công Giáo tốt lành, được tặng tước hiệu "Kẻ Bênh Vực Ðức Tin Công Giáo"; nhưng sau phản bội đức tin, vì tội rẫy vợ, rồi cưới thêm sáu người vợ khác nữa. Lúc đó Tòa Thánh cấm đoán và lên án. Năm 1535, Vua li khai khỏi Giáo Hội Roma và tự tôn phong làm thủ lãnh Giáo Hội tại Anh Quốc. Từ đó các Vị Quốc Trưởng Anh Quốc, đương nhiên vừa là người lãnh đạo quốc gia vừa là vị đứng đầu Giáo Hội. Giáo Hội Anh Quốc hiện có trên 60 triệu tín đồ tại Anh Quốc và tại hầu hết các nước thuộc Khối Liên Hiệp Anh. Các giáo hội Anh Giáo tại các quốc gia khác công nhận quyền tối cao của Tổng Giám Mục Canterbury, và kết hợp thành một tổ chức chung gọi là "Hiệp Thông Anh Giáo". Từ năm 1867, các Giám Mục Anh Giáo họp nhau cứ 10 năm một lần. Khóa họp khoáng đại này được gọi là "Hội Nghị Lambert" (Conference de Lambert). Và Tất cả các quyết định quan trọng của Hội Nghị Lambert nầy (Conference de Lambert) đều phải đệ trình lên Quốc Hội bỏ phiếu.