Phát ngôn viên của Tòa Thánh, tiến sĩ Joaquin Navarro-Valls, trình bày lập trường của Tòa Thánh đối với cuộc khủng hoảng hiện nay tại KOSOVO.
Tin Vatican (VIS 8/5/99): Trong một bài báo được đăng trong tờ New-York Thời Báo, Hoa Kỳ, số ra ngày mùng 8/05/99, Tiến Sĩ Navarro -Valls, phát ngôn viên kiêm giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, đã giải thích về lập trường của Tòa Thánh đối với cuộc khủng hoảng hiện nay tại KOSOVO. Lập trường đó có thể được biểu lộ trong câu nói thời danh của Ðức Giáo Hoàng Piô XII, như sau: "Không điều gì bị mất đi với Hòa Bình, và tất cả có thể bị mất với chiến tranh." Tiến sĩ Navarro-Valls cũng nhắc lại những sáng kiến Tòa Thánh đã thực hiện để giúp giải quyết vấn đề Kosovo, và than phiền là giới truyền thông Hoa Kỳ đã không chú ý đến những sáng kiến nầy. Mục tiêu Tòa Thánh muốn nhắm đến qua các sáng kiến là chặn đứng lại những đau khổ, những cuộc tàn sát mạng người và những tàn phá, vừa đồng thời khuyến khích mở lại những cuộc thương thuyết mới để tìm ra giải pháp công bằng cho cuộc khủng hoảng nầy. Theo Tiến Sĩ Navarro-Valls, thì Tòa Thánh có xác tín rằng sớm muộn gì các phe liên hệ cũng phải ngồi lại thương thuyết với nhau mới giải quyết được vấn đề. Vậy tại sao không ngồi lại đối thoại trong lúc nầy, để đừng gia tăng thêm nữa những tàn phá, những tâm tình hận thù, những nghi ngờ nhau?
Về những sáng kiến đã được Tòa Thánh thực hiện, phát ngôn viên Toà Thánh đã liệt kê ra những công tác sau đây:
1. Ngày 30 tháng 03/1999, Tòa Thánh đã gặp tất cả những vị đại sứ của các quốc gia thành viên khối NATO bên cạnh Tòa Thánh.
2. Ngày mùng 1 tháng 04/1999, Ðức Tổng Giám Mục Tauran, đặc trách liên lạc với các quốc gia, tương đương với chức vụ Ngoại Trưởng, đã được phái đến thủ đô Belgrade với sứ điệp riêng của ÐTC Gioan Phaolô II cho Tổng Thống Milosevic và cho Ðức Giáo Chủ Chính Thống Pavle. Trong cuộc gặp gỡ nầy, Tòa Thánh đã đề nghị ngưng chiến trong khoảng thời gian giữa lễ Phục Sinh của Giáo Hội Công Giáo với lễ Phục Sinh của Giáo Hội Chính Thống.
3. Ngày 04 tháng 04/1999, trong sứ điệp Phục Sinh gởi toàn thế giới, ÐTC Gioan Phaolô II đã yêu cầu ba điểm sau đây: mở ra một "hành lang nhân đạo" để giúp đở những người tị nạn, ngưng các cuộc thanh luyện chủng tộc và chấm dứt những cuộc dội bôm từ phía NATO.
4. Ngày 18 tháng 04/1999, ÐTC Gioan Phaolô II gởi sứ điệp cho Ðức Giáo Chủ Chính Thống Giáo tại Mascova.
5. Ngày 27 tháng 04/1999, ÐTC gởi sứ điệp cho ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan.
Kết thúc bài báo, Tiến Sĩ navarro-Valls đã viết như sau: "Ngay ngày đầu tiên của cuộc dội bôm, Tòa Thánh đã kêu gọi những tổ chức từ thiện Công Giáo hãy trợ giúp cho những người tị nạn, không phân biệt chủng tộc. Không có ngày nào qua đi mà ÐTC không công khai nói lên mong ước của ngài cho nền hòa bình vững bền được trở lại trong vùng, một nền hòa bình biết tôn trọng những quyền lợi của tất cả mọi dân tộc."