Tình hình miền đông Timor trước khi Lực Lượng Hoà Bình Liên Hiệp Quốc tới.
Dili - 16.09.99 - Bản tin quốc tế của Ðài Vatican hôm thứ Năm 16.09.99 và nhật báo Công Giáo Ý "Tương lai" số ra ngày 16.09.99 viết đại ý như sau về tình hình miền đông Timor trong lúc này: Quân đội Indonesia, bị nghi ngờ nặng nề về những vụ sát hại trong những ngày này, đang cuốn gói ra đi (tất cả tới 26 ngàn) và một số dân quân cũng từ từ rút sang miền Tây Timor, trong lúc Lực lượng hòa bình quốc tếâ, do Australia cầm đầu, sắp đổ bộ lên miền Ðông Timor. Chính phủ Jakarta không hài lòng về việc "Lực Lượng Hòa Bình" được dành cho một tướng lãnh người Australia lãnh đạo, vì Indonesia cho rằng Australia có lập trường thiên vị, ủng hộ nền độc lập đông Timor và có thể chính phủ Jakarta đi đến quyết định hủy bỏ hiệp ước cộng tác về an ninh, được ký kết cách đây 4 năm với Australia. Chính phủ Canberra không chấp nhận thái độ "bất lịch sự" này, một thái độ, theo ông bộ trưởng quốc phòng Australia, có thể gây nên những khó khăn trong việc cộng tác thành thực giữa quân đội Indonesia hiện đồn trú ở miền đông Timor và lực lượng hòa bình Liên Hiệp Quốc.
Khi bản tin nầy được chuẩn bị, thì thành phần của Lực Lượng Hòa Bình Liên Hiệp Quốc chưa dứt khoát. Malaysia và Bồ Ðào Nha trong lúc này có thể chưa tham dự, vì lý do "không thuận tiện chính trị"; nhưng có thể sẽ phái quân tham dự trong giai đoạn sau. Trái lại Trung Quốc loan tin sẽ sẵn sàng cộng tác. Trước đây nhiều người nghi ngờ thái độ của Bắc Kinh đến độ tin chắc Trung Quốc sẽ dùng quyền phủ quyết tại Hội Ðồng Bảo An, để ngăn cản việc gửi quân đến miền Ðông Timor. Dĩ nhiên Bắc Kinh không quên được những vụ bách hại người dân Trung Quốc sinh sống tại Indonesia cách đây một năm. Ðiều đáng mừng là tất cả các thành viên của Hội Ðồng Bảo An đã đồng thanh bỏ phiếu chấp thuận việc gửi Lực Lượng Hòa Bình đến miền đông Timor. Trong các nước gửi quân hoặc ủng hộ cách này cách khác, ngoài Australia đóng vai trò chính, có Thái Lan (700 quân) và Philippines (từ 600 đến 1,200), hăng hái tham dự và có thể một trong hai quốc gia này sẽ giữ chức vụ chỉ huy các lực lượng hòa bình của các nước Á Châu tại đông Timor, rồi Nam Hàn (400) - Singapor cung cấp nhân viên y tế. Các nước Tây Phương tham dự, có: Pháp (500), Canada (600), Anh Quốc (250), Ý (600), New Zealand (700) - Hoa Kỳ không gửi quân đội, nhưng gửi khoảng 100 chuyên viên về chiến thuật - Thụy Ðiển: một số cảnh sát - Phần Lan gửi một triệu Mỹ kim. Nga, Pakistan, Bangladesh, Ðảo Fiji và Argentina sẵn sàng cộng tác.
Tổng Thống Bill Clinton thúc giục tiến hành nhanh chóng. Thủ Tướng Australia hứa: quân đội hòa bình có thể đổ bộ lên Timor trong tuần này, thứ Sáu 17/09/99, hoặc thứ Bẩy 18/09/99. Tại Darwin, thành phố cực bắc Australia, mọi sự sẵn sàng, cả phái đoàn công chức Liên Hiệp Quốc đã phải ra đi trong những ngày vừa qua, cũng chuẩn bị trở lại Dili. Thủ Tướng Australia, ông Howard và lãnh tụ phe đối lập sẽ có mặt tại Darwin thứ Sáu 17/09/99 hoặc thứ Bẩy 18/09/99 để tiễn chân 4,500 binh sĩ Australia lên đường đi miền Ðông Timor.
Dù sao tình hình đông Timor chưa thể trở lại bình thường nhanh chóng được. Chiều thứ Tư vừa qua, 15.09.99 tại Dili vẫn xẩy ra những vụ bạo động: quân đội Indonesia vẫn tiếp tục các cuộc sát hại tại miền núi chung quanh Dili, nơi có khoảng 100 ngàn dân trốn ẩn. Họ thả bom và tấn công bằng đại bác. Một số giáo sĩ, tu sĩ hiện đang giúp đỡ các người tị nạn tại đây đã lên tiếng tố cáo qua máy điện thoại với các Cha Dòng Tên người Bồ Ðào Nha.