Tường trình sự kiện ÐTC tiếp kiến Ðức Giám Mục Carlos Belo, Giám Quản Tông Tòa Giáo Phận Dili bên miền Ðông Timor.
Catelgandolfo - 14.09.99 - Như đã loan tin, trưa thứ Hai 13.09.99, tại Castelgandolfo, ÐTC tiếp Ðức Cha Carlos Belo, Giám Quản Tông Tòa Giáo Phận Dili bên miền đông Timor. Từ Lisboa đến Roma trên chiếc máy bay quân sự do chính phủ Bồ Ðào Nha dành riêng, Ðức Cha Belo tới phi trường quân sự Ciampino-Roma và sau đó đi thẳng về Trại Hè Castelgandolfo. Ra đón chào Ðức Cha Belo tại phi trường có Cha Phó Bề Trên Tổng Quyền Dòng Salésien, hai ông đại sứ Bồ Ðào Nha: cạnh Tòa Thánh và cạnh Cộng Hòa Ý. Ðến trại hè Castelgandolfo, truớc khi gặp ÐTC, Ðức Cha Belo đã được Ðức Tổng Giám Mục Jean Louis Tauran, ngoại trưởng Tòa Thánh tiếp. Cuộc gặp gỡ với ÐTC kéo dài hai tiếng đồng hồ và sau đó, Ðức Giám Mục dùng bữa trưa với ÐTC và Ðức Tổng Giám Mục Tauran.
Sau buổi tiếp kiến, Phòng báo chí Tòa Thánh không phổ biến một thông cáo nào cả. Trong cuộc gặp gỡ riêng, chỉ có nhân viên đài truyền hình Vatican có mặt lúc đầu mà thôi. Sau đây là bài tường thuật về buổi tiếp kiến do nhật báo Công Giáo Tương Lai, xuất bản tại Italia, số ra ngày 14.09.99, thuật lại, với tựa lớn nơi trang hai: "Ðức Cha Belo cảm động chảy nước mắt trước ÐTC và nói với ngài: Xin cảm ơn ÐTC". Lời cảm ơn được nhắc lại 5 lần. Cảm ơn ÐTC về sự lo lắng của ngài - Cảm ơn về những lời cầu nguyện và kêu gọi cầu nguyện - Cảm ơn về sự ủng hộ - Cảm ơn về tình liên đới - Cảm ơn về buổi tiếp kiến đầy tình thương của một nguời cha. Ðây là những lời duy nhất thu lượm được trong buổi tiếp kiến. Sau buổi tiếp kiến và dùng bữa trưa với ÐTC, Ðức Cha Belo không muốn tuyên bố hay cho phỏng vấn. Vào lúc 15 giờ, ngài đi thẳng về Nhà Tổng Quyền các Cha Salésiens ở đường Pisana (Roma) và hẹn gặp lại các phóng viên báo chí trong cuộc họp báo ngày hôm sau tại Vatican.
Tuy không có thông cáo nào, nhưng người ta cũng tưởng tượng được rằng trong buổi tiếp kiến, ÐTC đã nói đến sự cởi mở của Tổng Thống Indonesia, ông Habbie, đối với nền độc lập của miền đông Timor, sau những lời kêu gọi tha thiết của ngài trong giờ đọc kinh Truyền Tin Chúa Nhật 2.09.99 tại Castelgandolfo. Lần này Ðức Gioan Phaolô II nói lên một lần nữa việc lên án hoàn toàn về những vi phạm nặng nề các quyền con người diễn ra tại miền đông Timor, trong mưu toan "vô ích" nhằm xóa bỏ ý muốn đã được người dân biểu lộ cách rõ ràng trong cuộc trưng cầu dân ý và trong mưu toan xóa bỏ những ước vọng chính đáng của toàn dân. Nhật báo Công Giáo viết tiếp: Lời kêu gọi tha thiết của Ðức Wojtyla còn được gửi tới các vị trách nhiệm chính trị và quân sự và cộng đồng quốc tế để cấp cứu những người hèn yếu và không được bênh vực. Tờ báo Công Giáo Ý nhắc lại lời của Ðức Cha Belo trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo New York Times. Ngài tuyên bố: Các lực lượng cần phải đến ngay, trong 24 hoặc 48 tiếng đồng hồ, bởi vì người dân vẫn tiếp tục chết. Cho tới lúc này có khoảng 10 ngàn người bị sát hại và những vụ sát hại vẫn tiếp tục tại cả hai miền Ðông và Tây Timor. Timor hầu như hoàn toàn bị phá hủy và thủ dô Dili trở nên một thành phố ma, một thành phố chết. Ðức Giám Mục cũng xin thành lập một Tòa Án quốc tế để xử tội ác chiến tranh "trừng phạt những binh sĩ Indonesia có trách nhiệm về các vụ sát hại tại đảo Timor" và ngài nêu đích danh tướng Wiranto, Bộ Trưởng quốc phòng. Ngài quả quyết: "Tướng Wiranto là người trách nhiệm về các vụ sát hại, vì thế cần phải bị trừng phạt ngay". Năm linh mục bị hạ sát, chỉ vì các ngài là sức mạnh tinh thần đối với người dân. Ông Josè Ramos Horta, một trong các lãnh tụ tranh đấu cho nền độc lập miền đông Timor, giải thưởng Nobel về hòa bình cùng với Ðức Giám Mục Belo, viết trên nhật báo Hoa Kỳ "International Herald Tribune" rằng: Quân đội Indonesia vẫn không đồng ý với Tổng Thống Habbie, họ không chịu để mất miền đông Timor và họ muốn tiếp tục mãi những hành động điên rồ của họ tại đảo này. Cũng trong bài báo, ông Horta tố cáo cách riêng Anh Quốc là quốc gia chính cung cấp vũ khí cho Indonesia và ông kêu gọi trừng phạt kinh tế chống lại Jakarta và tẩy chay du lịch.
Nhật báo Người Ðưa Tin Chiều (Corriere della sera), xuất bản tại Milano, số ra ngày 14.09.99, viết: Bà Mary Robinson, Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, yêu cầu thiết lập Tòa Án quốc tế để xét xử những người trách nhiệm về các vụ diệt chủng tại miền đông Timor, cũng như tại Kosovo. Thứ Hai 13.09.99, vừa đến Darwin (Australia) nơi có 350 người Timor, nhân viên của Liên Hiệp Quốc, bị giải tỏa khỏi Dili, Bà Mary Robinson tuyên bố: Tôi đến đây để nhấn mạnh rằng: chúng ta đang đứng trước tình hình rất trầm trọng về vi phạm các quyền con người. Dân tộc miền đông Timor sẽ không bị quên. Tại miền đông Timor chúng ta thấy việc vi phạm trắng trợn tất cả các giá trị của Liên Hiệp Quốc". Bà nói tiếp: "Sứ điệp cần phải gửi đi cho thế giới là các người trách nhiệm về những vụ tàn bạo này phải ý thức về những hành động dã man của họ: họ không thể không bị trừng phạt". Rối Bà Cao Ủy yêu cầu thành lập Tòa Án quốc tế tại miền đông Timor để xử những vụ diệt chủng như đã làm tại cựu Yougoslavie và tại Rwanda. Bà Robinson cũng gián tiếp nhắc đến việc dính líu và đồng lõa của quân đội Indonesia trong các vụ sát hại. Bà quả quyết: "Tất cả những việc đã thực hiện với sự đồng lõa của chính phủ". Bà kết thúc: "Cộng đồng quốc tế giờ đây có trách nhiệm dể cho người dân Timor được hưởng cái mà họ đã bỏ phiếu chấp nhận".