Lập trường của Tòa Thánh
trước chiến tranh
NATO-Yougoslavie

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Lập trường của Tòa Thánh trước chiến tranh NATO-Yougoslavie.

Lúc 6 giờ chiều thứ Tư 24.03.99, NATO (Tổ chức phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương, gồm 15 quốc gia Châu Âu, Hoa Kỳ và Canada - một tổ chức quân sự rất hùng mạnh) đã tấn công Yougoslavie, để trừng phạt nhà cầm quyền quốc gia này đàn áp người dân gốc Albania tại Kosvo, và thi hành chính sách diệt chủng, như đã thi hành mấy năm trước đây tại Bosnia-Erzegovina. Sau cuộc đàm phán tại Rambouillet (gần Paris) giữa phái đoàn Yougoslavie và Kosovo, với trung gian của ngoại trưởng Anh, Ðức và Hoa Kỳ, bị thất bại, vì Tổng Thống Milosevic của Yougoslavie nhất định không chấp nhận sự hiện diện của quân đội NATO trên lãnh thổ của mình, để kiểm soát việc thi hành những điều kiện đã cam kết tại Hội Nghị Rambouillet.

Hỏa tiễn và bom đủ loại đã được 70 chiếc máy bay thuộc các loại tối tân trong đó có cả B-52 (trước đây đã nhiều lần dội bom xuống Việt Nam) dội xuống trên các căn cứ quân sự của đối phương, cách riêng thủ đô Belgrad và tại Kosovo, để cưỡng ép Tổng Thống Milosevic trở lại đàm phán hòa bình và chấp nhận quyền tự trị của Kosovo như trước đây và chấp nhận sự hiện diện của quân đội quốc tế kiểm soát.

Nga và Trung Quốc (hai hội viên có quyền phủ quyết tại Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc) đã lên tiếng phản đối; và Tổng Thống Boris Eltsin của Nga đe dọa có thể can thiệp quân sự nữa. Tình hình trở rất căng thẳng và chiến tranh lạnh có thể trở lại. Thế giới sống trong lo sợ của một chiến tranh kéo dài, như trước đây tại Bosnia-Erzegovina và sẽ gây thiệt mạng cho nhiều người vô tội.

Ðứng trước đe dọa sắp đến của chiến tranh (trước ít giờ xẩy ra vụ tấn công của NATO), vào cuối buổi tiếp kiến chung thứ Tư 24.03.99 vừa qua, Ðức Gioan Phaolô II kêu gọi hòa bình và xin mọi người hiện diện trong buổi tiếp kiến cầu nguyện. Ngài nói: "Giờ đây chúng ta muốn dâng lên Cha của lòng thương xót lời cầu nguyện, để Người ban ơn hòa bình: một ơn mà Kosovo và Châu Âu cần đến nhất là trong lúc này".

Ngay sau lúc NATO tấn công Belgrad, phát ngôn viên Tòa Thánh, tiến sĩ Navarro Valls, tuyên bố: "Việc xử dụng sức mạnh luôn luôn là một thất bại của nhân loại. Không thể không nghĩ đến những nạn nhân có thể có và những tâm tình thù ghét lập tức sẽ phát xuất. Trong lúc này chúng ta nghĩ đến lời của Ðức Pio XII (1939-1958) nói lên ngày 24 tháng 8 năm 1939 (lúc đệ nhị thế chiến bùng nổ): "Với hòa bình không có gì bị mất mát. Tất cả sẽ mất mát với chiến tranh".

Sáng thứ Năm 25.03.99, sau một đêm dội bom liên tiếp trên lãnh thổ Yousolavie và Kosovo, Phát Ngôn Viên Tòa Thánh cho phổ biến thông cáo khác, để nói lên những lo lắng của ÐTC về chiến tranh bùng nổ tại miền Balcan. Thông cáo viết: "ÐTC lo lắng sâu xa về những đau khổ của người dân bị thương tích, bị chết một cách đau thương. ÐTC tỏ tình liên đới với tất cả: người dân Albania, Serbia, các tín hữu Hồi Giáo và Kitô Giáo, các tín hữu Chính Thống và Công Giáo, bởi vì tất cả đều là con cái Thiên Chúa, Ðấng ngự trên trời".

Cũng trong thông cáo này, Phát Ngôn Viên cho biết: Trong lúc này Tòa Thánh luôn luôn tiếp xúc với các phe trong cuộc, bằng cách mời gọi hai bên trở lại ngay con đường đối thoại và tìm những giải pháp danh dự cho tất cả. Lời mời gọi này Tòa Thánh gởi tới Chính Phủ Belgrad, yêu cầu tìm cách cộng tác với các quốc gia Châu Âu. Việc cùng thuộc về nền văn hóa Châu Âu chắc chắn sẽ có thể cung cấp một căn bản cho việc đối thoại giữa các phe liên hêï.

Lúc 14 giờ ngày 25.03.99, Cha Lombardi, Giám Ðốc chương trình Ðài Phát Thanh Vatican, bình luận về chiến tranh vừa xẩy ra như sau: Lại một lần nửa một trận chiến cho hòa bình bị thất bại. Với vụ tấn công được các lực lượng NATO loan báo từ lâu, việc giải quyết cảnh bi thảm của Kosovo trong lúc này xem ra không gần, nhưng trở nên không chắc chắn hơn và những nguy hiểm của việc lan rộng vụ tranh chấp trở nên trầm trọng hơn.

Cha nói tiếp: Từng trăm, từng ngàn người vô tội, đã chịu đau khổ cách dữ dội, giờ đây lại tiếp tục đau khổ hơn nữa và nhiều người khác, trực tiếp hoặc gián tiếp, cả bên này, cả bên kia của biên giới chính trị và chủng tộc, sẽ bị liên lụy bởi những hậu quả của các vụ hành quân. Và ý tưởng của chúng ta trước hết hướng về sự đau khổ của các người vô tội này.

Cha nói thêm: Tiếc thay, cho dù trách nhiệm chính là của các nhà lãnh đạo Serbia, trách nhiệm không thể phủ nhận, có rất nhiều người không muốn hòa bình và, bị thúc đẩy bởi thù ghét hoặc bởi thất vọng, hoặc bởi cái nhìn hẹp hòi và tàn bạo về mối quan hệ giữa các dân tộc, tiếp tục tin vào sức mạnh của vũ khí hơn là vào lý trí và hòa giải.

Cha Lombardi kết thúc bằng câu hỏi sau đây: Người ta sẽ thành công hay không trong thời gian ngắn hết sức, tỏ cho thấy rằng việc xử dụng sức mạnh thực sự được hướng dẫn và kiểm soát bởi ý muốn hòa bình? Nguời ta sẽ thành công hay không trong việc loại trừ khỏi nơi dân tộc Serbia làn sóng của chủ nghĩa quốc gia đã bị thương và làn sóng thù ghét không thể kiểm điểm được? Người ta sẽ thành công hay không tung ra một can thiệp vũ bão về nhân đạo trước khi tình hình của các người tị nạn trở thành bi đát? Những câu hỏi này và nhiều câu hỏi khác trong lúc này ở trong tâm trí của mọi người. Cha Giám Ðốc kết thúc: Mệnh lệnh về tiếp tục cầu nguyện và chiến đấu cho hòa bình và giập tắt chóng hết sức lý luận của chiến tranh lúc này trở nên khẩn cấp hơn lúc nào hết.


Back to Radio Veritas Asia Home Page