Giáo hội công giáo Nhật mừng kỷ niệm 450 năm Thánh Phanxicô Xavie đến rao giảng Tin Mừng.
Ngày 16 tháng 8 năm 1998, Hội Ðồng Giám Mục Nhật khai mạc Năm Thánh Phanxicô Xaviê, để kỷ niệm 450 năm Thánh Nhân đến rao giảng Tin Mừng tại Kagoshima, thuộc đảo Kyushu vào ngày 15 tháng 8 năm 1549, lễ Ðức Maria linh hồn và xác lên trời. Trong Năm Thánh Phanxicô, tháng 12 năm 1998, Ca đoàn Sixtine từ Roma đến Kagoshima, để hòa nhạc. Rồi nhiều đại hội về những mối quan hệ với Tây Phương, về ảnh hưởng nghệ thuật và văn hóa Tây Phương và dĩ nhiên cả Kitô Giáo, trên nước Nhật.
Lễ mừng chính sẽ là cuộc hành hương toàn quốc tại Kagoshima, được tổ chức từ mồng 9 đến 12 tháng 10/1999 tới đây và theo chương trình ngày 11 tháng 10/`999 các Giám Mục Nhật cùng với Vị Ðại Diện ngoại giao của Tòa Thánh tại Nhật sẽ dâng thánh lễ đồng tế tại Arina. Ngày 15 tháng 8/1999 vừa qua, (ngày Lễ Ðức Mẹ linh hồn và xác lên trời, ngày kỷ niệm Thánh Phanxicô Xaviê đặt chân lên cửa biển Kyushu), Ðức Cha Phaolô Shinichi Itonaga, Giám Mục Kashigoma, đã cử hành thánh lễ kết thúc cuộc hành hương dành cho giới trẻ, do giáo phận Takamatsu tổ chức.
Các lễ mừng kỷ niệm 450 năm rao giảng Tin Mừng tại Nhật sẽ được kết thúc vào ngày mồng 3 tháng 12 tới đây (1999), lễ Thánh Phanxicô Xaviê, Quan Thầy các xứ truyền giáo. Ngày bế mạc Năm Thánh Phanxicô Xaviê được coi như là một cuộc chuyển sang Năm Ðại Toàn Xá của Năm 2000.
Người thời nay đặt câu hỏi: Vậy sứ điệp của Thánh Phanxicô Xaviê đem đến cho dân tộc Nhật cách đây 450 năm có còn hợp thời hay không. Cha Miguel Suarez trả lời câu hỏi này trên Nhật Báo Công Giáo Ý Avvenire số ra ngày 14.08.99. Cha thuộc Dòng Tên (Dòng của Thánh Phanxicô Xaviê), truyền giáo tại Nhật từ 40 năm nay, hiện nay Cha là giám đốc Ðại Chủng Viện quốc tế. Chủng viện này được thành lập với mục đích huấn luyện các linh mục truyền giáo cho các giáo phận Nhật.
Hỏi: Phanxicô Xaviê là ai đối với nước Nhật?
Ðáp: Là tiếng kêu giữa sự thất vọng. Là người rao giảng Tin Mừng, Tin Mừng mà chính Phanxicô đã đem đến cách đây 450 năm cho dân tộc Nhật. Dĩ nhiên nước Nhật ngày nay đã thay đổi nhiều, nhưng vấn đề căn bản của con người không thay đổi: vấn đề vượt thắng sự chết. Cả ngày nay nữa, nhiều người tin rằng chết là hết. Nếu thực như vậy, nếu không có Thiên Chúa, thì cũng không có tình yêu thương thực; và hạnh phúc chỉ ở tại sống cách tốt hơn những ngày của đời ta trên trần gian này thôi. Ðây là vấn đề các vị tu hành Phật Giáo đã thảo luận với Phanxicô Xaviê, khi ngài đến Kagosihma. Và đây cũng là câu hỏi tiếp tục gây lo lắng cho chúng ta sau hơn 4 thế kỷ nay, dù có những tiến bộ về khoa học và kỹ thuật.
Hỏi: Khi Phanxicô Xaviê đến Nhật, ngài bị dò xét cách ghê sợ, tại sao?
Ðáp: Sự tò mò học hỏi là một đặc tính của người Nhật, ngày nay cũng như hồi đó. Và sự tò mò học hỏi là nguyên tắc của sự khôn ngoan. Người Nhật nhìn vào Xaviê như thể quan sát một "con vật": mũi, mắt, mầu da...; nhưng nhất là cứu xét sứ điệp của ngài đem đến. "Cái mà ngài rao giảng về Chúa Giêsu Kitô phục sinh có thật hay không? Ai tin Người, sẽ được sống đời đời. Ngày nay không thay đổi bao nhiêu. Tôi nghĩ rằng: điều căn bản trong lúc này hơn lúc nào hết là có người nào đó nói với người dân Nhật rằng: "Ðược lợi lãi cả thế gian, nhưng mất linh hồn, thì ích lợi gì". Kỹ nghệ, tiến bộ, kỹ thuật, rồi chết cách thất vọng, thì được ích gì? Ðối với Giáo Hội Nhật, điều quan trọng hơn cả không phải là tham dự, can thiệp, tổ chức những gì có tính cách xã hội, nhưng là việc rao giảng Tin Mừng. Nếu thiếu đức tin, thì đức ái trở thành một thuyết nhân bản rỗng tuếch.
Hỏi: Chủng viện do Cha điều khiển hoạt động như thế nào?
Ðáp: Từ năm 1990, năm thành lập, cho tới nay đã có 20 chủng sinh được phong chức linh mục và làm việc trong 4 giáo phận. Hiện nay chủng viện có 30 chủng sinh, thuộc 15 nước khác nhau. Tất cả đều có một kinh nghiệm rộng rãi về đời sống, dù còn trẻ. Các chủng sinh này đã sống đức tin trong giữa cộng đồng bé nhỏ của họ; họ là con cái của các giảng viên giáo lý lưu động hoặc của các gia đình đi truyền giáo; họ quen sống trong tính cách tạm bợ, bấp bênh. Ði tu, họ không chủ chương tìm địa vị xã hội, hay một đời sống thoải mái về vật chất.
Hỏi: Các linh mục này phải làm gì để việc giảng dạy của họ được tín nhiệm.
Ðáp: Trên bình diện cá nhân, minh chứng bằng đời sống gương mẫu theo chân lý họ rao giảng. Người dân Nhật rất trực giác và cụ thể: họ quan sát để biết. Ðây là cái dĩ nhiên, bởi vì việc trắc nghiệm, việc quan sát là phương thế duy nhất để biết tính cách trong sáng của một sự việc. Thánh Phanxicô Xaviê cũng qua cuộc thử thách, quan sát này. Một võ sĩ Nhật (Samourai) khạc nhổ vào mặt Phanxicô, nhưng ngài không phản ứng, không phản đối gì cả. Trước thái độ bình thản này, võ sĩ Nhật đã trở lại, vì anh tin chắc rằng: sự tha thứ các xúc phạm và tình yêu thương người thù địch chỉ có thể và chỉ gặp được trong Kitô giáo mà thôi. Các Vị Tử Ðạo cũng thực hành như vậy. Tha thứ và cầu nguyện cho những người bách hại và lên án mình. Cuốn Sách Tử Ðạo của Giáo Hội Nhật là một trong các cuốn sách phong phú và hấp dẫn hơn cả. Tại Nhật, Giáo Hội bị bách hại trong 250 năm, và không có linh mục coi sóc; nhưng vào thế kỷ 18, khi được phép đến Nhật, tại Nagasaki, các nhà truyền giáo Pháp đã khám phá thấy vẫn còn có các tín hữu Kitô đã biết thông truyền đức tin của cha ông cho con cái, dù có các cuộc bách hại.