Trung quốc vẫn đóng kín cửa đối với Tòa Thánh và tiếp tục bách hại người Công Giáo trung thành với Roma.
Trong chuyến viếng thăm Châu Âu vừa qua, Ngoại Trưởng Ðài Loan, ông Jason Hu, đã viếng thăm Vatican trong hai ngày liên tiếp: trong gày đầu, ông gặp Ðức Tổng Giám Mục Jean Louis Tauran, ngoại trưởng Tòa Thánh; và hôm sau, gặp Ðức Hồng Y Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh. Sau khi thảo luận với các vị trách nhiệm của Tòa Thánh, Ngoại Trưởng Trung Hoa Dân Quốc (Ðài Loan) tuyên bố: "Mối quan hệ ngoại giao của chúng tôi với Vatican vững chắc, ít ra trong lúc này". Trong một bài phỏng vấn, Ðức Hồng Y Sodano, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, tuyên bố: "Chúng tôi sẵn sàng chuyển Tòa Sứ Thần từ Ðài Bắc đến Bắc Kinh ngay, nếu Nhà Cầm Quyền Bắc Kinh chấp thuận". Lời tuyên bố này đã gây nhiều lo lắng cho Chính Phủ Ðài Loan. Nhưng sau cuộc thảo luận vừa qua, những lo ngại của Ðài Bắc đã được giải quyết, ít ra trong lúc này và có thể trong tương lai lâu dài nữa, vì Bắc Kinh không thay đổi lập trường và vẫn tiếp tục bách hại các tín hữu Kitô trung thành với Roma.
Ngoại trưởng Jason Hu giải thích thêm như sau: "Tôi không thể nói rằng mối quan hệ ngoại của chúng tôi với Tòa Thánh sẽ không bao giờ thay đổi. Nhưng tôi có cảm giác là không thể thực hiện bất cứ thay đổi nào trong thời gian vắn và tôi cũng không tưởng tượng được đến lúc nào và trong cách nào những mối quan hệ hiện nay có thể thay đổi".
Thứ Ba vừa qua 23.02.99, Bắc Kinh đã có phản ứng về cuộc gặp gỡ trong những ngày vừa qua của Ngoại Trưởng Ðài Loan tại Vatican. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh tuyên bố: "Cuộc gặp gỡ này không giúp cho việc làm tốt đẹp hơn mối quan hệ giữa Trung Quốc và Tòa Thánh". Ông nhắc lại rằng: "Quan hệ ngoại giao của Vatican với Ðài Loan là một trong các cản trở chính cho việc giao hảo giữa hai bên". Và phản ứng nầy có thể cũng cố cho "cảm tưởng" của Ngoại Trưởng Ðài Loan, cho rằng hiện nay chưa có gì thay đổi trong mối liên hệ giữa Tòa Thánh Vatican và Ðài Loan.
Ðặc phái viên Riccardo Cascioli của nhật báo Tương Lai (Avvenire) bình luận rằng: Ðây vẫn là luận điệu đã cũ và là điệp khúc được Bắc Kinh lặp đi lặp lại nhiều lần. Ðiều này chứng tỏ chính sách đóng kín của Bắc Kinh vẫn không thay đổi. Ông nói thêm: Thực sự việc nại đến vấn đề Ðài Loan, chỉ là "chuyện kiếm cớ", sai lầm trên phương diện lịch sử và ngoại giao. Trên phương diện lịch sử: Việc rời Tòa Sứ Thần khỏi Thủ Ðô Trung Quốc không phải là một lựa chọn của Tòa Thánh, mà là thành quả của việc trục xuất Ðại Diện của Tòa Thánh, do lệnh của Mao Trạch Ðông năm 1951. Lúc đó, sau những vụ đả kích dữ dội các người Công Giáo, Ðức Tổng Giám Mục Antonio Riberi, Sứ Thần Tòa Thánh tại Bắc Kinh bị quản thúc tại gia. Lý do đích thực của việc thiếu quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh và Tòa Thánh, không phải vì mối liên lạc ngoại giao giữa Tòa Thánh và Ðài Loan, nhưng vì lý do chính phủ Trung Quốc không hiểu rõ sứ mệnh của Giáo Hội Công Giáo.
Chỉ cần nhớ lại rằng: ngày 3 tháng 12 năm 1996, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm tại Trung Quốc, ÐTC Gioan Phaolô II đã kêu gọi Chính Phủ Trung Quốc thiết lập lại tự do tôn giáo. Chính vấn đề tự do tôn giáo này là căn cớ gây nên việc đoạn tuyệt ngoại giao và những vụ bách hại các người Công Giáo "thuộc Giáo Hội hầm trú", trung thành với Roma. Theo tài liệu mật của Chính Phủ năm 1997 bị lọt ra ngoài, và được Hãng Thông Tấn Fides công bố, người ta thấy rõ ràng rằng chính phủ Trung Quốc đang tung ra chiến dịch nhằm loại trừ các người Công Giáo từ chối theo Giáo Hội ái quốc, là Giáo Hội chính thức được Nhà Nước ủng hộ và kiểm soát.
Vì những khó khăn trong việc quản trị những cải cách kinh tế, nên Chính Phủ Bắc Kinh dành ưu tiên cho việc kiểm soát tình hình xã hội trong cả nước. Vào cuối năm 1998, số người thất nghiệp tại các thành phố lên tới 16 triệu, một con số rất đáng lo sợ. Tại các miền thôn quê sống ngoài lề của những cải cách và phát triển kinh tế, những vụ nổi loạn chống lại nhà cầm quyền địa phương mỗi ngày mỗi gia tăng. Trên tờ Tuần Báo "Viễn Ðông Kinh Tế" (Far Eastern Economic Review", một chuyên gia kinh tế ở Hồng Kông đã viết như sau: "Nhà Cầm Quyền Trung Quốc hiện nay như ngồi trên một núi phun lửa vậy". Ðể ngăn cản bùng nổ, Nhà Cầm Quyền tăng cường việc kiểm soát chặt chẽ, nhằm dẹp tan những lực lượng, những phần tử bị coi là nguy hiểm cho chế độ: từ các Giáo Hội (Công Giáo, Tin Lành), các tôn giáo (Phật Giáo, Khổng Giáo, Lão Giáo...) đến các chế độ tu hành tại Tibet (Tây Tạng), từ những người chống đối đến những nhóm li khai tại Xinjiang. Người ta tự hỏi: trong một tình hình sôi sục như vậy, thì liệu Bắc Kinh có còn dám nghĩ đến những cởi mở không, nhất là đối với Tòa Thánh? Việc yêu cầu Tòa Thánh đoạn tuyệt ngoại giao với Ðài Loan, chẳng qua chỉ là một "chiêu bài" để che đậy và lừa gạt dư luận quần chúng. Như vậy người ta phải công nhận lời tuyên bố của Ngoại trưởng Ðài Loan, ông Janson Hu, là có lý, là có nền tảng: "Ðại diện ngoại giao của Tòa Thánh tại Ðài Loan trong lúc này không có sự nguy hiểm phải chuyển từ Ðài Bắc về Bắc Kinh. Mối quan hệ ngoại giao của chúng tôi với Vatican rất vững chắc, ít ra trong lúc này". Ðó là nhận định của Ngoại Trưởng Ðài Loan.