Tranh luận về chuyến viếng thăm của ÐTC tại Roumania.
Vatican - 9.03.99: Sáng thứ Ba 9/03/99, người phát ngôn của Tòa Thánh, tiến sĩ Navarro Valls, đã cho phổ biến thông cáo vắn tắt sau đây: "Chương trình của chuyến viếng thăm của ÐTC tại Rumani chưa được ấn định. Vào đầu tuần tới đây, một đặc phái viên của ÐTC sẽ đến Bucarest, để định rõ các chi tiết của chuyến viếng thăm này và sau đó những chi tiết mới được công bố".
Trong khi đó thì hôm thứ Hai mùng 8/03/99, tại Bucarest, thủ đô Roumani, Phòng Báo Chí và Thông Tin của Tòa Giáo Chủ Chính Thống tại Rumani cho phổ biến một thông cáo với những xác định như sau:
"Ðể đáp lại những chỉ trích công khai do một số người gởi tới Tòa Giáo Chủ Rumani, có liên hệ đến địa diểm và thời gian chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Rumani, chúng tôi xin được xác định rằng: Ðịa điểm và thời gian của chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Rumani đã được ấn định ngày 15 tháng Giêng năm 2000 do đặc phái viên (của Tòa Thánh Vatican) đến Bucarest.
Tòa Giáo Chủ Chính Thống, căn cứ vào sự thỏa thuận chung này, đã gởi tới ÐTC lời mời chính thức viếng thăm Rumani. Vì thế, điều không thể hiểu được và hoàn toàn ngạc nhiên là Giáo Hội Chính Thống Rumani, trung thành với thỏa thuận ban đầu, và nay bị những áp lực và những chỉ trích bất công và hạ giá, cho rằng Tòa Giáo Chủ muốn giới hạn địa điểm và thời gian của chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Rumani. Ðiều này đã tạo nên một bầu khí căng thẳng, khác hẳn với bầu khí cần có cho chuyến viếng thăm. Trong ý nghĩa này, đối với hàng giáo phẩm, giáo sĩ và tín hữu Chính Thống Rumani, thì thật khó mà hình dung là chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II sẽ diễn ra trong một bầu khí đại kết và huynh đệ, như chính Ðức Gioan Phaolô II và Giáo Hội Chính Thống Roumani mong ước. Thông cáo viết thêm: "Trách nhiệm về việc không thành công có thể xẩy ra của chuyến viếng thăm này, thuộc về những người gây nên bất hòa trong mối quan hệ đại kết giữa hai Giáo Hội. Tòa Giáo Chủ tại Bucarest xác nhận thái độ cởi mở và mong Ðức Gioan Phaolô II chóng viếng thăm Ruamni trong những điều kiện đã được ấn định từ đầu với vị đặc phái viên của Vatican".
Từ phía Giáo Hội Công Giáo Roumani, thì sáng thứ Hai, ngày 8 tháng 3/1999, Hội Ðồng Giám Mục cũng ra thông cáo, với những điểm nội dung như sau:
"Hội Ðồng Giám Mục Công Giáo Rumani muốn loan báo cho các Linh Mục và các tín hữu về những vấn đề sau đây:
1) Như mọi người đều biết, trong nhiều dịp khác nhau, Hội Ðồng Giám Mục đã mời ÐTC Gioan Phaolô II viếng thăm Rumani. Tổng Thống và Chính Phủ cũng đã mời ÐTC.
2) Tình trạng hiện nay về chuyến viếng thăm như sau: từ năm 1990, Hội Ðồng Giám Mục Công Giáo Roumani chờ đợi sự thỏa thuận của Giáo Hội Chính Thống Rumani về chuyến viếng thăm mục vụ này; tuy nhiên, các anh em Chính Thống đã trả lời là không đồng ý về chuyến viếng thăm mục vụ, mà chỉ mời ÐTC viếng thăm đại kết mà thôi. Vì thế, theo ý nghĩ của Giáo Hội Chính Thống, ÐTC chỉ viếng thăm Bucarest, nghĩa là viếng thăm Nhà Cầm Quyền Quốc Gia Roumani và Tòa Giáo Chủ của Giáo Hội Chính Thống, và chỉ dành cho chúng ta, các người Công Giáo, một khoảng thời gian và địa điểm rất thu hẹp, để gặp ÐTC tại Bucarest.
3) Chúng tôi rất tiếc phải nói lên điều này, nhưng sự thật là sự thật. Thông cáo của Phòng Báo Chí và Thông Tin của Tòa Giáo Chủ Rumani ngày hôm thứ Hai mồng 8 tháng 3/1999, nói lên những điều không xác thực. Thí dụ khi nói rằng: địa điểm và thời gian của chuyến viếng thăm của ÐTC tại Rumani đã được ấn định ngày 15 tháng Giêng năm 2000; điều mà Hội Ðồng Giám Mục chúng tôi không thể coi là đúng như vậy, bởi vì nó không phản chiếu thực tại của các cuộc bàn thảo đã có giữa các vị đại diện Tòa Giáo Chủ và Giáo Hội Công Giáo; những cuộc thảo luận chưa được kết thúc và có mục đích nghiên cứu về chương trình của chuyến viếng thăm của ÐTC. Cả cho đến lúc này - nghĩa là mồng 8 tháng 3/1999 - chương trình viếng thăm chưa được ấn định và cuộc viếng thăm của Cha Tucci, Ðại Diện Tòa Thánh, vào ngày mồng 10.03.99 này, là có ý cùng với Giáo Hội Chính Thống, nghiên cứu chương trình của ÐTC tại Rumani.
Chúng tôi các Giám Mục Công Giáo Rumani không hề "làm áp lực và chỉ trích bất công và hạ giá Giáo Hội Chính Thống", (như thông cáo của Tòa Giáo Chủ Chính Thống đã viết) nhưng chúng tôi khẩn xin Giáo Hội Chính Thống Roumani, trong tình huynh đệ, đừng giới hạn thời gian và địa điểm chuyến viếng thăm của ÐTC. Chuyến viếng thăm đại kết là một phần của chuyến viếng thăm mục vụ, và không ngược lại. Chúng tôi tin rằng một bầu khí đại kết không thể loại trừ khả thể dành cho chúng tôi, những người Công Giáo, được vui mừng đón tiếp ÐTC tại vùng Transilvania và vùng Moldova. Các Giám Mục và những người Công Giáo Rumani không gây rắc rối trong mối quan hệ đại kết và huynh đệ với Giáo Hội Chính Thống Rumani, khi họ bày tỏ sự ước mong được vui mừng đón tiếp ÐTC tại ba Tỉnh của Rumani là: Muntenia, Transilvania và Moldova. Bầu khí sẽ không căng thẳng, khi ÐTC viếng thăm mục vụ Giáo Hội Công Giáo Roumani, và viếng thăm đại kết Giáo Hội Chính Thống Rumani.
4) Không biết vì những lý do nào Giáo Hội Chính Thống giới hạn chuyến viếng thăm của ÐTC tại Bucarest mà thôi, và không chấp thuận ÐTC viếng thăm Transilvania cũng như Moldova. Cả trong trường hợp ÐTC không thể đến Transilvania và Moldova được, thì chúng tôi khuyên các linh mục và các tín hữu của chúng tôi, hãy tham dự vào những cuộc gặp gỡ của ÐTC tại Bucarest, theo thời giờ đã được ấn định trong chương trình và các cuộc gặp gỡ sẽ được công bố sau này.
5) Chúng tôi xin các linh mục và các tín hữu của chúng tôi, bắt đầu từ lúc này cho tới ngày ÐTC đến thăm Quê Hương chúng ta, hãy dâng lên Thiên Chúa mỗi ngày lời cầu nguyện để chuyến viếng đã được chờ đợi từ lâu của ÐTC trở nên một điều tốt cho Giáo Hội và cho Ðất Nước, bởi vì chúng ta biết rằng một chuyến viếng thăm như vậy sẽ đem đến cho chúng ta một sự canh tân thiêng liêng.
6) Chúng tôi xin Giáo Hội Chính Thống anh em thu xếp cách nào đó để các linh mục và các tín hữu Công Giáo Rumani tại Muntenia, Transilvania và Moldova, được đón tiếp ÐTC tại xứ sở của họ. Chúng tôi kể việc này như một ước muốn chính đáng, phù hợp với tự do tôn giáo được Hiến Pháp bảo đảm.