Thời Sự: Vài giai đoạn lịch sử của con đường đại kết cầu nguyện cho sự Hiệp Nhất Kitô.
"Thiên Chúa sẽ đến ngự giữa họ như là Chúa của họ, và họ sẽ là dân của Người" (KH 21,3). Ðó là câu Kinh Thánh được dùng làm chủ đề cho tuần lễ Cầu Nguyện cho sự Hiệp Nhất Kitô, lần thứ 32, được bắt đầu từ thứ Hai 18 cho đến thứ Hai 25/01/99. Nhưng, không phải chỉ có một câu Kinh Thánh nầy mà thôi, mà có cả một đoạn trích gồm có bảy câu, từ câu 1 đến câu 7, của chương 21 sách Khải Huyền. Chủ đề và bản văn Kinh Thánh đã được chọn do sự cộng tác chung với nhau giữa Hội Ðồng Giáo Hoàng đặc trách Hiệp Nhất Kitô từ phía Giáo Hội Công Giáo, và Hội Ðồng Thế Giới Các Giáo Hội Kitô.
Chúng ta hãy đọc lại nơi đây toàn bộ đoạn văn trích từ sách Khải Huyền, chương 21 câu 1 đến 7, như sau:
"Bấy giờ tôi thấy trời mới và đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa. Và tôi thấy Thành Thánh là Giêrusalem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương được trang điểm để đón tân lang. Rồi tôi nghe từ phía ngai có tiếng hô to như sau: Ðây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại. Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là những dân tộc của Người, còn chính Nguời sẽ là Thiên Chúa ở cùng họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất.
Ðấng ngự trên ngai phán: "Nầy đây Ta đổi mới mọi sự." Rồi người phán: "Ngươi hãy viết: Ðây là những lời đáng tin cậy và chân thật". Người lại phán với tôi: "Xong cả rồi! Ta là Anpha và Ômêga, là Khởi Nguyên và Tận Cùng. Chính Ta sẽ ban cho ai khát được uống nơi nguồn nước trường sinh, mà không phải trả tiền. Ai thắng sẽ được thừa hưởng hồng ân đó. Ta sẽ là Thiên Chúa của người ấy, và người ấy sẽ là con của Ta." (Kh 21,1-7).
Cách tổng hợp, đoạn trích trên, từ Sách Khải Huyền, mời gọi những người Kitô hãy chuẩn bị cho ngàn năm mới, vừa phó thác tương lai cho Thiên Chúa vừa sẵn sàng hành động chung với nhau như những con cái của Thiên Chúa. Thành Thánh trên trời là biểu tượng cho sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và các dân tộc của Người, vừa cũng là biểu tượng cho sự hiệp thông giữa các dân tộc nầy với nhau, dựa trên căn bản mới là giao ước mới giữa Thiên Chúa và nhân loại. "Họ sẽ là những dân tộc của Người, còn chính Người sẽ là Thiên Chúa ở cùng họ." Trong cộng đoàn nhân loại, các thành phần khác nhau nhìn nhận công việc của Thiên Chúa Cha nơi kẻ khác, bởi vì Thánh Thần Chúa hiện diện giữa họ, vừa cổ võ cho sự hiệp nhất giữa những ai tin vào Ngài vừa nâng đỡ những ai đang tranh đấu để thiết lập công bằng và hòa bình trên thế giới.
Tuần Lễ Cầu Nguyện cho Sự Hiệp Nhất năm nay là Tuần Lễ Cầu Nguyện lần thứ 32. Nói như thế, có nghĩa là Tuần Lễ đầu tiên đã được cử hành vào năm 1968. Trước đó, vào năm 1964, Công Ðồng Vaticanô II, với sắc lệnh về phong trào Ðại Kết Unitatis Redintegratio, đã quả quyết mạnh mẽ rằng Lời Cầu Nguyện là Linh Hồn của phong trào Ðại Kết; và Công Ðồng đã khuyến khích việc cử hành Tuần Lễ Cầu Nguyện cho sự Hiệp Nhất. Như thế Tuần Lễ Cầu Nguyện cho sự Hiệp Nhất là một phần dính liền với Phong Trào Ðại Kết, trong đó những người Kitô trên thế giới cầu nguyện chung với nhau và tiếp tục hoạt động phục vụ cho sự hiệp nhất của Giáo Hội. Hai năm sau khi công bố sắc lệnh Ðại Kết của Công Ðồng Vat II, tức là vào năm 1966, Ủy Ban "Ðức Tin và Hiến Chế" của Hội Ðồng Ðại Kết các Giáo Hội Kitô và Văn Phòng Hiệp Nhất của Tòa Thánh -- mà nay là Hội Ðồng Giáo Hoàng đặc trách sự Hiệp Nhất Kitô,-- quyết định làm việc chung với nhau để hằng năm soạn ra Bản Văn Chung để dùng trong Tuần Lễ Cầu Nguyện. Và như vừa nói trên, năm 1968, Tuần Lễ Cầu Nguyện cho sự Hiệp Nhất Kitô, lần đầu tiên, được cử hành dựa trên cùng một bản văn Kinh Thánh chung với nhau. Và truyền thống cử hành nầy được tiếp tục từ đó cho đến nay, là lần cử hành thứ 32.
Ngược dòng lịch sử thêm, chúng ta nhận thấy rằng lần đầu tiên được nẩy sinh sáng kiến Cầu Nguyện chung cho sự Hiệp Nhất Kitô là vào năm 1740, năm khai sinh Phong Trào Thánh Linh tại Scozia, từ phía những anh chị em Kitô không Công Giáo. Và phong trào nầy đã lên tiếng kêu gọi hãy cầu nguyện cho và chung với tất cả các giáo hội Kitô.
Năm 1840, Linh Mục Anh Giáo sau nầy trở lại với giáo hội Công Giáo, là cha Ignatius Spencer, đã đề nghị thành lập "Liên Hiệp Cầu Nguyện cho sự Hiệp Nhất".
Năm 1867. Hội Nghị các Giám Mục Anh Giáo tại LAMBETH, lần đầu tiên, nơi phần nhập đề của Bản Ðúc Kết những đề nghị, đã kêu gọi hãy dấn thân Cầu Nguyện cho sự Hiệp Nhất.
Năm 1894, Ðức Giáo Hoàng Lêo XIII khuyến khích việc thực hành Tuần Tám Ngày Cầu Nguyện cho sự Hiệp Nhất, trong thời gian mừng lễ Hiện Xuống.
Và năm 1935, Linh Mục Công Giáo người Pháp, Cha Paul Couturier, đứng ra cổ võ trong Giáo Hội Công Giáo Pháp lúc đó, điều mà cha gọi là "Tuần Lễ Phổ Quát Cầu Nguyện cho sự Hiệp Nhất những người Kitô, dựa trên nguyên tắc hành động nầy là"xây dựng sự Hiệp Nhất do Chúa Kitô muốn, và bằng những phương tiện mà Chúa muốn". Cha Paul Couturier đã được nhìn nhận như là vị tông đồ của sự Hiệp Nhất Kitô, và là người tiên phong mở đường cho Tuần Lễ Cầu Nguyện cho sự Hiệp Nhất Kitô, trong hình thức được cử hành ngày nay.