Giáo Hội Công Giáo
tại Ðông Timor
trong cơn thử thách

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Giáo Hội Công Giáo tại Ðông Timor trong cơn thử thách.

Trong những ngày này, báo chí, đài phát thanh và truyền hình nói nhiều đến tình hình rất căng thẳng tại Ðông Timor. Sau cuộc trưng cầu dân ý, do Liên Hiệp Quốc tổ chức, người dân Ðông Timor biểu lộ ý chí tranh đấu bằng lá phiếu cho nền độc lập. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý: 80%, trong số 98% người dân đi bỏ phiếu; và đa số đã chọn sự độc lập tách ra khỏi Indonesia.

Năm 1974, người Bồ Ðào Nha đã rời khỏi đảo, trả lại tự do độc lập cho người dân Ðông Timor. Năm 1975, chính phủ Indonesia phái quân đội chiếm đảo này và biến thành một tỉnh của Liên Bang. Trước thành quả quá rõ ràng của cuộc trưng cầu dân ý vừa qua, các đội dân quân thân chính phủ Indonesia, đã gây khủng bố, cướp bóc, đe dọa và di tản người dân. Cho tới lúc này có từng trăm bị sát hại, từng ngàn trốn đi nơi khác; nhiều nhà cửa, kể cả nhà thờ Công Giáo bị phá hủy. Trước tình hình khẩn trương mỗi ngày mỗi tăng mức độ, Liên Hiệp Quốc muốn phái đội quân hòa bình đến Ðông Timor, để đem lại trật tự và và bảo đảm an ninh cho người dân; nhưng còn chờ đợi sự ưng thuận của Chính phủ Jarkarta và biểu quyết của Hội Ðồng Bảo An. Trong giờ đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật mùng 05.09.99 tại Trại Hè Castelgandolfo, một lần nữa, ÐTC Gioan Phaolô II lên tiếng về tình hình căng thẳng tại Ðông Timor và ngài kêu gọi cầu nguyện cho người dân Ðông Timor bị thử thách nặng nề. ÐTC nói: "Những tin gây nhiều lo lắng đến trong những giờ này từ Ðông Timor, nơi đang xẩy ra những hành động trầm trọng về đe dọa và bạo hành. Trong khi ước mong một bầu khí bình thản và thuận hòa được tái lập trong phần đất này, tôi mời gọi anh chị em hãy hiệp ý với tôi trong lời cầu nguyện cho các anh chị em chúng ta bị thử thách nặng nề. Xin Ðức Trinh Nữ Maria gợi lên trong các tâm hồn của mọi người những tâm tình về hòa bình và về sự tôn trọng ý muốn đã được biểu lộ trong những ngày vừa qua của dân tộc Ðông Timor".

Giáo Hội Công Giáo tại Ðông Timor là một trong các giáo hội phồn thịnh nhất tại Châu Á. Ðảo Timor được rao giảng Tin Mừng năm 1562 do các nhà truyền giáo Dòng Ða Minh người Bồ Ðào Nha. Ðảo Timor (gồm cả hai miền Tây và miền Ðông) từ nhiều năm trở nên mồi ngon gây tranh chấp giữa các cường quốc Châu Âu. Năm 1904, Ðảo được chia thành hai: miền Tây và miền Ðông. Miền Ðông được trao lại cho Bồ Ðào Nha. Nhờ các hoạt động tông đồ của các nhà truyền giáo, Kitô Giáo lại được phổ biến mạnh mẽ cho tới năm 1974, năm người Bồ Ðào Nha ra đi và trả lại tự do độc lập cho miền Ðông Timor. Nhưng nền độc lập của Ðông Timor chỉ sống trong ít ngày. Năm 1975, chính phủ Indonesia, như vừa được nhắc lại trên đây, đã phái quân đội đến chiếm Ðông Timor và biến nó thành một tỉnh của Indonesia. Cuộc tranh đấu cho nền độc lập của người dân kéo dài hơn 20 năm nay và được quyết định bằng cuộc trưng cầu dân ý ngày 30 tháng 8/1999 vừa qua do Liên Hiệp Quốc tổ chức và kiểm soát.

Ðông Timor rộng 15 ngàn cây số vuông với 854 ngàn dân cư, trong số này người Công Giáo chiếm đại đa số: 726 ngàn (khoảng 85%); Hồi Giáo khoảng 11%. Giáo Hội Công Giáo được chia thành hai giáo hạt với 30 giáo xứ, dưới sự hướng dẫn mục vụ của hai Giám Mục và 83 linh mục (trong số này có 53 linh mục dòng), 250 Nữ Tu và khoảng 1,600 giáo lý viên. Số ơn kêu gọi linh mục và tu dòng gia tăng nhiều, hiện nay có 125 chủng sinh. Ðây là một trong các dấu hiệu biểu lộ sức sống mãnh liệt của giáo hội tại Timor. Tháng 10 năm 1986, trong chuyến viếng thăm Indonesia, ÐTC Gioan Phaolô II đã viếng thăm Dili, thủ đô của Ðông Timor. Chuyến viếng thăm ngắn ngủi, nhưng mang ý nghĩa sâu xa đối với người dân Timor. Vì có công lớn lao trong việc tranh đấu hòa bình cho các quyền con người, năm 1996, Ðức Cha Carlos Filipe Ximenes Belo, Giám Mục đại diện Tông Tòa giáo phận Dili, đã được cấp giải thưởng Nobel về Hòa Bình. Trong những ngày này, nhà ở của Ðức Giám Mục cũng bị tấn công. Ngài đã được cứu thoát và được máy bay của Australia chở đến tạm trú tại Darwin (miền cực bắc Australia), để rồi lên đường đi Roma gặp ÐTC.

Trong những năm vừa qua, Giáo Hội Công Giáo tại Timor dấn thân hăng say trong việc chống lại vụ chiếm đóng của quân đội Indonesia, bằng việc giúp đỡ người dân bị chính phủ độc tài Jarkarta bách hại, bằng việc bênh vực can đảm các quyền con người và bằng việc nhấn mạnh đến sự cần thiết hòa giải. Ngoài ra Giáo Hội còn gần gũi các cộng đồng của các bộ lạc khác nhau, qua việc hội nhập văn hóa: thích nghi phụng vụ phù hợp với những truyền thống và phong tục của người dân thổ cư, nhưng đồng thời hàng giáo phẩm, giáo sĩ cũng cố gắng loại trừ những gì có tính cách dị đoan và nghịch với đức tin và luân lý Công Giáo.

Về phương diện thăng tiến xã hội, Giáo Hội chú trọng cách riêng đến giới phụ nữ, vẫn thường bị khinh miệt tại nhiều nơi trên thế giới. Ðể thăng tiến người dân, Giáo Hội đưa ra nhiều sáng kiến trong lãnh vực Y Tế, giáo dục. Hy vọng những ngày đau khổ của dân tộc Timor và của Giáo Hội Công Giáo tại đây chóng chấm dứt, để Giáo Hội tiếp tục công việc rao giảng Tin Mừng, bênh vực các quyền chính đáng của con người và góp công vào việc phát triển toàn diện người dân Ðông Timor.

Trong bài phỏng vấn dành cho Ðài Vatican hôm thứ Tư 08.09.99, Ðức Tổng Giám Mục Jean Louis Tauran, Ngoại trưởng Tòa Thánh, tuyên bố như sau: "Tòa Thánh ủng hộ những nỗ lực của cộng đồng quốc tế, cách riêng của Hội Ðồng Bảo An, để một quyết nghị tích cực về việc thành lập một lực lượng quốc tế bảo vệ hòa bình chóng được chấp nhận và thông qua. Việc giải quyết vấn đề được tìm thấy trong việc tôn trọng lịch sử và các truyền thống của dân tộc Ðông Timor và trong việc tôn trọng luật pháp quốc tế và trong việc không xử dụng bạo lực."


Back to Radio Veritas Asia Home Page