Bàn về thái độ
của Nhà Cầm Quyền tại Bắc Kinh
từ chối chuyến viếng thăm
của ÐTC Gioan Phaolô II tại Hồng Kông

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Bàn về thái độ của Nhà Cầm Quyền tại Bắc Kinh từ chối chuyến viếng thăm của ÐTC Gioan Phaolô II tại Hồng Kông.

Trong những ngày vừa qua, Ðức Cha Joseph Zeng, Giám Mục phó với quyền kế vị Giáo Phận Hồng Kông, tuyên bố với Hãng Thông Tấn Reuter rằng: "Trung Quốc cho rằng chuyến viếng thăm của ÐTC tại Hồng Kông không thuận tiện, kể từ lúc Tòa Thánh còn giữ quan hệ ngoại giao với Ðài Loan và không có quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh". Thực sự quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh và Vatican đã có từ lâu, và độ cộng sản Trung Quốc đã đơn phương đoạn tuyệt, từ lúc lên nắm chính quyền tại Bắc Kinh. Lúc đó, Tòa Thánh, dù không muốn đoạn tuyệt quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, cũng không thể giữ lại vị đại diện ngoại giao của mình tại Bắc Kinh. Trước hoàn cảnh bị cưỡng ép ra đi, Tòa Thánh đã di chuyển Tòa Sứ Thần về Ðài Loan. Bắc Kinh viện lý do này để khước từ đối thoại với Vatican, dù Vatican đã nhiều lần tỏ thiện chí và sẵn sàng giải quyết vấn đề. Ngày 11 tháng 2 năm nay (1999), chính Ðức Hồng Y Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh, tuyên bố công khai: Tòa Thánh sẵn sàng di chuyển Tòa Sứ Thần từ Ðài Bắc đến Bắc Kinh ngay buổi chiều trong ngày (tức: chiều ngày 11 tháng 2/1999, lúc ngài tuyên bố với giới báo chí). Theo Hãng Thông Tấn quốc tế Fides, thì Bắc Kinh chỉ đưa ra lý do này để che đậy những vấn đề về tự do tôn giáo và những vi phạm nhân quyền trong nước mà thôi.

Trong cuộc phỏng vấn khác dành cho Hãng Thông Tấn Fides, Ðức Cha Zen tuyên bố: Thái độ của Bắc Kinh không phải là một mới lạ. Tòa Thánh không bao giờ chính thức loan tin: ÐTC muốn viếng thăm Hồng Kông. Sở dĩ có tin ÐTC viếng thăm Hồng Kông, vì trong Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới về Á Châu, được triệu tập tháng Tư năm ngoái (1998) trong Nội Thành Vatican, chính các Nghị Phụ tham dự Khóa Họp khoáng đại đã xin ÐTC viếng thăm Hồng Kông, để công bố Văn Kiện sau Thượng Hội Ðồng. Nếu có chuyến viếng thăm của ÐTC tại Hồng Kông, thì đây không phải là một sự mới lạ. Tháng 11 năm 1970, trong chuyến viếng thăm quốc tế lần thứ chín, Ðức Phaolô VI (1963-1978) đã viếng thăm Hồng Kông, lúc đó còn thuộc quyền cai trị của Anh Quốc.

Trong Hiến Pháp của Hồng Kông được ký kết và công nhận giữa Anh Quốc và Trung Quốc, trước khi Hồng Kông trở lại chủ quyền Bắc Kinh, có ghi rõ điều khoản về tự do tôn giáo và về sự tự trị trên phương diện tôn giáo, ít ra trong thời hạn 50 năm, kể từ ngày mồng 01 tháng 7 năm 1997. Do đó, việc khước từ chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Hồng Kông có thể là một vi phạm Hiến Pháp, một sự hạn chế tự do tôn giáo. Hơn nữa, việc khước từ hay chấp nhận chuyến viếng thăm của ÐTC tại Hồng Kông được nhiều quan sát viên xem như là thuộc thẩm quyền của Chính Phủ Hồng Kông, xét vì Bắc Kinh chính thức công nhận "một quốc gia, hai chế độ chính trị".

Nhật báo "Buổi Sáng Miền Nam Trung Quốc" (South China Morning), xuất bản tại Hồng Kông, đã tỏ ra lo lắng về tự do tôn giáo tại Hồng Kông. Tờ báo này không bao giờ có thái độ chỉ trích Bắc Kinh; nhưng lần này, trong bài xã thuyết, đã bình luận lời tuyên bố của Bắc Kinh từ chối chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Hồng Kông, với những lời như sau: Nếu Ðức Gioan Phaolô II viếng thăm Hồng Kông, thì vấn đề này phải thuộc thẩm quyền của nhà Cầm Quyền địa phương, không thuộc thẩm quyền của Thủ Ðô Bắc Kinh". Bài xã thuyết viết tiếp: "Hơn nữa tin từ chối này đối với các người Công Giáo trên thế giới là một thử nghiệm để kiểm điểm xem thực sự nguyên tắc "một quốc gia, hai chính thể" có được thi hành tại Hồng Kông hay không?".

Theo một nguồn tin có thẩm quyền, thì trước khi công bố lời từ chối chuyến viếng thăm của ÐTC tại Hồng Kông, như đã được dư luận nhắc đến trong tuần qua, thì Bắc Kinh xem ra như muốn kiểm soát tất cả mọi chi tiết trong chương trình viếng thăm của ÐTC, kể cả nội dung các bài diễn văn, trong trường hợp có chuyến viếng thăm nầy. Ðây là điều mà Tòa Thánh Vatican đã và sẽ không bao giờ chấp nhận. Như vậy, lý do sâu xa của việc từ chối, không phải là lý do chính trị, vì Vatican giữ liên lạc ngoại giao với Ðài Loan; nhưng là lý do tôn giáo, vì sự tự do tôn giáo chưa được thực hiện trọn vẹn tại Trung Quốc.

Trong chuyến viếng thăm Cuba tháng Giêng năm 1998, Tòa Thánh đã bộc lộ rõ ràng rằng: ÐTC muốn được tự do viếng thăm bất cứ địa điểm nào trong nước và ngài hoàn toàn tự do nói những gì ngài thấy cần nói lên. Chủ tịch Fidel Castro đã chấp nhận những điều trên đây và chuyến viếng thăm đã diễn ra trong bầu khí bình thản, thân mật, hân hoan... có lợi cho Nhà Nước cũng như cho Giáo Hội Công Giáo tại Cuba. Giáo Hội không phá hủy, nhưng xây dựng; Giáo Hội không rao giảng thù ghét, chia rẽ, nhưng tình huynh đệ, đoàn kết và yêu thương; Giáo Hội tôn trọng mọi chế độ chính trị, và có quyền đòi được tôn trọng. Giáo Hội không tham vọng tranh giành quyền bính chính trị, nhưng sẵn sàng trình bày những suy nghĩ dựa theo giáo lý đức tin, và cộng tác với các người có trách nhiệm các quốc gia, cộng đồng quốc tế, để cùng nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, công bình hơn, liên đới hơn, để cùng nhau mưu ích cho toàn thể nhân loại. Loại trừ Giáo Hội ra ngoài xã hội là một đường lối chính trị sai lầm và gây thiệt hại lớn lao. Không thể xây dựng một xã hội, một quốc gia, một thế giới tốt đẹp, trật tự, hòa bình, nếu không dựa trên các giá trị cao cả về thiêng liêng, về tôn giáo và về luân lý.


Back to Radio Veritas Asia Home Page