Vài cảm nghĩ của Ðức Cha PITTAU về Thánh Phanxico Xaviê, nhà truyền giáo tại Châu Á.
Ngày 15.08 năm 1549, đúng ngày Lễ Ðức Maria linh hồn và xác lên trời, Thánh Phanxicô Xavie đặt chân lên thành phố Kagoshima để rao giảng Tin Mừng cho dân tộc Nhật. Giáo hội Công Giáo Nhật mừng biến cố lịch sử quan trọng này trong suốt một năm, kể từ ngày 15.08.1989 cho đến ngày mồng 3 tháng 12 năm 1999, lễ Thánh Phanxico Xaviê, Quan Thầy các xứ truyền giáo.
Nhân dịp mừng kỷ niệm 450 năm Thánh Phanxico Xaviê đến rao giảng Tin Mừng trên đất Nhật, Ðức Tổng Giám Mục Giuse Pittau, Tổng Thư Ký Bộ Giáo Dục Công Giáo, Dòng Tên, người đã truyền giáo nhiều năm tại Nhật, rồi giữ chức Viện Trưởng Ðại Học Công Giáo Sophia ở Tokyo, thành thạo tiếng Nhật, đã dành một bài trên nhật báo "Người Quan Sát Roma", số ra ngày 15.08.1999, về Thánh Phanxicô Xaviê, mà ngài gọi là "Vị đại Tông Ðồ".
Ðức Cha viết như sau: Ngày 15 tháng 8, đối với người dân Nhật, mang một ý nghĩa sâu xa. Trước hết, 15.08 là ngày lễ của các người qua đời. Ngày này được coi như là một cuộc xuất hành toàn quốc. Tất cả những ai có thể, đều trở về bản quán để sửa sang mộ của các vị tiền nhân, dâng lễ vật và cầu nguyện cho các nguời đã chết đi . Ðược coi như là lễ mừng Năm Mới, ngày này là ngày trở lại nguồn gốc và căn cước quốc gia của mình. Ngày 15 tháng 8 cũng là ngày kỷ niệm chấm dứt chiến tranh tại Thái Bình Dương (1945), sau hai vụ thả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima, (6.8.1945) và Nagasaki (9.8.1945). Niên hiệu này đánh đấu một giai đoạn mới không những cho dân tộc Nhật, nhưng cho các thế giới nữa: một thời đại hòa bình, dân chủ và thịnh vượng. Nhưng còn có ngày 15 tháng 8 khác nữa của năm 1549, cách đây 450 năm; Ðó là ngày Thánh Phanxicô Xaviê đặt chân lên thành phố Kagoshima, để đem Tin Mừng đến cho dân tộc Nhật. Với Thánh Nhân, thời đại của Kitô giáo được khởi sự tại Nhật. Một biến cố lịch sử rất quan trọng đối với Giáo Hội Công Giáo tại Nhật.
Nhắc lại niên hiệu 15.08.1549 trên đây, Ðức Tổng Giám Mục Pittau nói đến thân thế và những hoạt động truyền giáo của Thánh Phanxicô Xaviê trong những năm rao giảng Tin Mừng tại miền Viễn Ðông. Thánh Phanxicô Xaviê sinh tại Castel Javier miền Navarra năm 1506 tại Tây Ban Nha; qua đời năm 1552 (lúc mới 46 tuổi) tại Ðảo Sancian (của Trung Quốc), trong lúc ngài muốn đến rao giảng Tin Mừng cho dân tộc Trung Hoa. Thánh Phanxicô Xaviê chỉ sống có 46 năm và ra đi truyền giáo trong vòng 10 năm. Nhưng lòng nhiệt thành và công việc truyền giáo của ngài được coi là vô địch. Ngài đã vượt qua các đại dương miền Viễn Ðông; đã tiếp xúc với các Tôn Giáo truyền thống và các nền văn hóa khác nhau tại Châu Á: Hồi Giáo, Ấn Giáo, Phật Giáo và Khổng Giáo. Ngài đã giáo huấn và rửa tội khoảng 30 ngàn người. Trong lúc rảnh, không bận rao giảng và ban các bí tích, ngài đi viếng thăm các bệnh nhân, phục vụ người nghèo khổ. Việc lưu ý cách riêng đến các người nghèo, các người đau khổ, các người mồ côi, các tù nhân... là một trong các đặc điểm của công việc tông đồ của Thánh Phanxicô. Ngài được gọi là "Nguời nhẫn nại, chịu đựng giống Thiên Chúa". Ngài chỉ có một lo lắng duy nhất này là làm sao đem Chúa Giêsu và Sứ điệp của Người cho các người chưa vào Giáo Hội. Từ Ấn Ðộ, ngài quì gối viết thư cho Thánh Inhaxio đệ Loyola ở Roma rằng: ngài muốn trở lại Ðại Học Sorbone (nơi ngài đã học) ở Paris, để hô lên cho các giáo sư và sinh viên biết rằng: vì lỗi của họ nhiều linh hồn không được cứu rỗi.
Trước khi lên đường đi Viễn Ðông, trong lúc phục vụ tại một bệnh viện Tây Ban Nha ở Roma, một đêm kia, trong lúc ngủ chung trong phòng với Thánh Simon Rodriguez, ngài kêu lên: Mas, mas, mas (hơn nữa, hơn nữa, hơn nữa). Thánh Simon Rodriguez hỏi ngài nhiều lần ý nghĩa lời kêu này là gì. Ngài không giải thích. Mãi tới lúc đi Bồ Ðào Nha, trước khi lên đường đi Ấn Ðộ, ngài mới chịu giải thích giấc mơ kia. Ngài nói: "Khi tôi hô lên: Mas, mas, mas (không biết tôi mơ hay tôi thức, chỉ mình Chúa biết mà thôi). Tôi thấy công việc truyền giáo quá mênh mông, nhiều mệt nhọc và nhiều ưu phiền gây nên bởi đói khát, bởi giá lạnh, bởi các chuyến ra đi, bởi những vụ đắm tầu thuyền, bởi những cuộc bách hại, bởi những phản bội và bởi nhiều nguy hiểm khác... được gửi đến cho tôi; Vì lòng yêu mến Chúa mà chính Chúa ban cho tôi và với ơn giúp của Người, tôi chịu đựng được. Vì thấy chưa đủ, tôi xin Người ban thêm và luôn luôn thêm mãi; nên tôi đã thốt lên những lời: mas, mas, mas, có nghĩa là: nhiều hơn nữa, nhiều hơn nữa, nhiều hơn nữa, những lời mà anh em đã được nghe".
Kết luận bài viết về cuộc đời của Thánh Phanxicô Xaviê, Ðức Cha Pittau viết như sau: "Trong những lời thánh Phanxicô thốt lên: "nhiều hơn nữa", chúng ta thấy gồm tóm bí quyết của tinh thần nhiệt thành và việc tận hiến của Thánh Phanxicô, để làm cho Chúa Giêsu được biết đến và để cứu các linh hồn". Ðức Cha Pittau khuyên hãy trở lại ngày 15 tháng 8 khác nữa của năm 1534, lúc Thánh Inhaxio đệ Loyola, Thánh Phanxicô Xaviê và các bạn cùng Dòng Tận Hiến cuộc đời cho Chúa, bằng lời khấn long trọng trong Ðền Thờ Montmarte ở Paris về các nhân đức khiết tịnh, khó nghèo, và về cuộc hành hương tại Thánh Ðịa. Trong lời khấn đi hành hương chúng ta thấy rõ ràng chiều kích truyền giáo của Dòng Tên. Sau đó các ngài sang Roma, đi Venezia, xuống tầu đi Viễn Ðông để rao giảng Tin Mừng cho các dân ngoại. Các ngài quyết định: nếu chờ đợi trong một năm mà không có tầu, sẽ trở lại Roma xin Ðức Thánh Cha chỉ vẽ phải đi nơi nào và phải làm việc tông đồ như thế nào. Các ngài sẵn sàng vâng lời và vui mừng được sai đi rao giảng Tin Mừng tại bất cứ nơi nào trên trái đất này.
Ðức Cha Pittau nhận định rằng: Thánh Phanxicô Xaviê không những là một Ðại Tông Ðồ, nhưng còn là một vị cổ võ ơn kêu gọi truyền giáo nữa. Trong Sở Lưu Trữ văn thư của Dòng Tên hiện còn giữ hơn 15 ngàn bức thư của tu sĩ trẻ Dòng Tên thuộc thế kỷ 17 và 18, xin đi các xứ truyền giáo; nhiều bức thư nói rõ: lý do thúc đẩy đi truyền giáo là gương sáng của Thánh Phanxicô Xaviê. Chính Ðức Cha Pittau cũng nhắc đến kinh nghiệm riêng của mình như sau: "Cả tôi nữa, ngày mồng 3 tháng 12 năm 1951, Lễ Thánh Phanxicô Xaviê, tôi gửi thư lên Bề Trên xin đi truyền giáo tại Nhật. Và tôi đã được sai đi truyền giáo tại đây trong nhiều năm". Trong chuyến viếng thăm mục vụ tại Ấn Ðộ tháng 2 năm 1986, giảng khuyên các linh mục và nam nữ tu sĩ tụ họp trong nhà thờ chính tòa Goa, nơi giữ xác không bị hư nát của Thánh Phanxicô Xaviê, và sau khi thuật lại những chặng đường truyền giáo của Thánh Nhân, vị tông đồ không biết mỏi mệt của miền duyên hải Ấn Ðộ, của quần đảo Moluques, của Nhật Bản và của Trung Quốc (đảo Sancian), ÐTC Gioan Phaolô II nói: "Ngày nay, các tông đồ của Tin Mừng phải theo bước chân của Nhà Truyền Giáo thời danh và nhiệt thành này để chiếu dọi ánh sáng Chúa Kitô cho mọi người dân của Lục Ðịa Á Châu này".