Sau 82 năm
Giáo Hội Công Giáo tại Nga
lại có lễ nghi phong chức Linh Mục

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Sau 82 năm, Giáo Hội Công Giáo tại Nga lại có lễ nghi phong chức Linh Mục.

Ngày 23.05.99 tới đây, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, sau 82 năm Giáo Hội Công Giáo tại Nga lại có lễ phong chức Linh Mục cho 5 Thầy Sáu được chuẩn bị từ sáu năm nay tại chủng viện duy nhất ở San Pietroburg. Ðây là một biến cố lịch sử không những cho Giáo Hội địa phương, nhưng còn cho Giáo Hội hoàn cầu nữa. Cách đây mấy năm không ai dám nghĩ đến một biến cố như vậy. Nay đã là một thực tại.

Ðại chủng viện "Nữ Vương các Thánh Tông Ðồ" tại Moscowa, mở cửa đón nhận các chủng sinh đầu tiên vào đầu tháng 9 năm 1993, được chuyển về thành phố San Pietroburg năm 1995.

Sau những năm chuẩn bị, ngày 31 tháng 5 năm 1998, cũng nhằm ngày Lễ Hiện Xuống, 5 chủng sinh đầu tiên của Chủng Viện được lãnh nhận Chức Sáu. Mỗi một Chủng Sinh trong số 5 Thầy Sáu này cũng như hơn 60 Chủng Sinh hiện đang học tại Chủng Viện, có một lịch sử riêng của mình, một lịch sử gây xúc động và nêu gương sáng, mỗi khi phải nhắc tới. Theo đức tin Công Giáo, chúng ta phải công nhận rằng Chúa Thánh Thần hoạt động và Người như cơn gió mát thổi vào những nơi nào Người muốn. Trong bài nói chuyện hôm nay, chúng tôi chỉ xin kể lại hai trường hợp mà thôi trong số 5 thầy Sáu sẽ lãnh Chức Linh Mục dịp lễ Hiện Xuống tới đây.

Trường hợp thứ nhất: Một thanh niên viết thư cho ÐTC Gioan Phaolô II để được biết nhiều hơn về Ðạo Công Giáo, bởi vì cậu không còn muốn tin vào những tuyên truyền dối trá của những thức hệ, luôn luôn tìm nhồi nhọ và đầu độc giới trẻ. Cha Antonini, người Ý, Giám Ðốc Ðại Chủng Viện "Nữ Vương các Thánh Tông Ðồ", nghe biết sự việc, đã tìm tiếp xúc với thanh niên này. Nhờ vậy cậu đã tìm được ơn gọi và sẽ lãnh chức Linh Mục ngày 23 tháng 5/1999 tới đây.

Trường hợp khác: Ðài Truyền Hình Nga đã cho phổ biến một trong các chuyến viếng thăm mục vụ của Ðức Gioan Phaolô II trên thế giới. Một thanh niên của Moscowa, thực sự không biết gì về Ðạo Công Giáo cả, nhưng chỉ biết những gì chế độ dạy trong nhà trường thôi. Xem buổi truyền hình về chuyến viếng thăm, cậu như bị thôi miên bởi chứng tá của ÐTC. Cậu nghĩ và nói với chính mình: "Nếu ngài đi khắp thế giới để rao giảng Tình Yêu của Chúa Kitô, thì tôi phải khám phá để biết Chúa Kitô là ai? Cậu đến gặp Cha Antonini, Giám Ðốc Ðại Chủng Viện, xin trở lại và sau đó xin vào Chủng Viện.

Chủng Viện "Nữ Vương các Thánh Tông Ðồ" và nhà thờ Công Giáo ở San Pietroburg hiện là một trong bốn tòa nhà, trong số 50 cơ sở của Giáo Hội bị Nhà Nước chiếm, nay mới trả lại một phần cho việc phụng tự. Các cơ sở này tại San Pietroburg thuộc về Giáo Hội Công Giáo trước thời Cách Mệnh năm 1917, trong số này có 8 nhà thờ lớn và 10 Giáo Xứ. Tại Moscowa cho tới nay chỉ có một tòa nhà được trả lại. Cũng cần nhắc lại điểm này là trong suốt thời kỳ chế độ cộng sản bách hại Giáo Hội tại Liên Xô, nhà thờ Ðức Mẹ Lộ Ðức ở San Pietroburg và nhà thờ Saint Louis của người Pháp ở thủ đô Moscowa không bao giờ bị đóng cửa hoàn toàn, cũng không bị tịch thu, bởi vì hai nhà thờ này dưới sự bảo trợ của Nước Pháp.

Ngày 26 tháng 3 năm 1996, Ðại Chủng Viện San Pietroburg được Bộ Giáo Dục Nhà Nước chính thức công nhận như Viện Cao Học và tháng 2 năm 1998, được Tòa Thánh công bố là Liên Chủng Viện cho tất cả Nước Nga miền Châu Âu và Châu Á. Hiện nay đang làm thủ tục để được coi như là một chi nhánh của Giáo Hoàng Ðại Học Lateranense ở Roma.

Hơn 60 Chủng Sinh hiện đang theo học tại Ðại Chủng Viện phần lớn là người Nga, một số khác thuộc các Cộng Hòa trước đây thuộc Liên Xô như Kazakhstan, Moldavia, Georgia, Bielorussia... Chủng Viện còn gặp nhiều khó khăn: các Chủng Sinh sống và học trong một lầu của tòa nhà đã được trả lại. Phần còn lại vẫn do một Ngân Hàng và các Hãng khác chiếm đóng. Tình trạng này không cho phép mở rộng thêm Ðại Chủng Viện trên cấp bậc Ðại Học hoặc mở một Thư Viện cho công chúng hay tổ chức các lớp Thần Học cho giáo dân. Chủng Viện sống được cho tới lúc này hoàn toàn nhờ vào những dâng cúng của các tín hữu Công Giáo, nhất là từ Châu Âu và cả thế giới nữa. Nhiều vị khách và nhiều nhóm du lịch Tây Phương khi dến San Pietrobug đã tới viếng thăm cơ sở duy nhất này tại Nga, một cơ sở nghèo nàn, đơn sơ, nhưng rất giầu về tinh thần và chứng tá Kitô.

Ban giáo sư hiện nay của Chủng Viện là người Nga, phần lớn là những vị Ðại Diện của Giáo Hội Chính Thống, rồi các giáo sư người Ý, Pháp, Argentina, Hoa Kỳ, Ba Lan và Tchèque... Ngoài ra, mỗi năm còn có các Giáo Sư của nhiều Ðại Học Châu Âu đến dạy hoặc diễn thuyết tại Chủng Viện.

Ðại Chủng Viện Công Giáo đầu tiên tại Nga ở San Pietroburg được mở cửa năm 1801, trong Học Viện của các Cha Dòng Tên. Học Viện là trụ sở của Hàn Lâm Viện Vilnius (nay là thủ đô Lituani), hoạt động từ năm 1579. Hàn Lâm Viện Vilnius được chuyển về San Pietroburg năm 1842 do lệnh của Hoàng Ðế Nga. Năm 1877, Chủng Viện San Pietroburg được chuyển về các tòa nhà, hiện còn cho tới lúc này. Năm 1918, sau cách mạng vô sản bùng nổ, tòa nhà chủng viện bị tịch thu tạm thời, để làm bệnh viện quân sự. Nhóm Giáo Sư Chủng Viện rút lui về Lublino (Ba Lan) và góp phần vào việc thành lập Ðại Học Công Giáo tại thành phố này. (Ðức Karol Wojtyla là giáo sư trong nhiều năm tại Ðại Học này trước khi làm Giáo Hoàng). Lệnh đóng của tạm thời trở thành vĩnh viễn và kéo dài mãi cho tới năm 1993. Lễ Phục Sinh cũng năm 1993, Ðức Tổng Giám Mục Tadeuz Kondrusiewicz, Giám Quản Tông Tòa miền Nga Châu Âu, loan báo mở lại Chủng Viện. Tin này được cộng đồng Công Giáo Nga đón nhận với nhiều hân hoan, nhưng cũng với run sợ. Ngày 29.06.1993, ÐTC Gioan Phaolô II ký sắc lệnh thành lập Chủng Viện. Ngày 14.07.1993, Ðức Cha Kondrusiewicz nhận được một chén thánh và một mặt nhật do ÐTC gửi tặng cho nhà nguyện của Chủng Viện. Ngày mồng một tháng 9/1993, chủng viện bắt đầu hoạt động. Sau hai năm sống trong những nhà lúp túp ở thủ đô Moscowa, Chủng Viện, như chúng tôi nhắc trên đây, được chuyển về San Pietroburg, trụ sở cũ của chủng viện tại Nga từ năm 1877.


Back to Radio Veritas Asia Home Page