ÐTC tiếp các Giám Mục Lào Quốc và Kampuchia đến Roma viếng Tòa Thánh (Ad Limina).
Vatican - 08.02.99 - Sáùng thứ Hai, mùng 8 tháng 2/1999, ÐTC tiếp tám vị Giám Mục của Hội Ðồng Giám Mục Lào và Kampuchia đến Roma viếng Tòa Thánh. Ðây là lần thứ nhất sau hơn 40 năm các Giám Mục Lào lại được đến Roma gặp Vị Ðại Diện Chúa Kitô và Vị Kế Nghiệp Phêrô. Lịch sử Giáo Hội Công Giáo tại Lào Quốc được đánh dấu bằng những vất vả, bách hại và tử đạo nữa. Năm 1973, số các người Công Giáo chỉ có 45 ngàn. Ðối với các người Công Giáo này, ngoài những hoạt động hoàn toàn có tính cách thiêng liêng, Giáo Hội còn lo lắng cho họ có trường học, trại cùi, các trạm phát thuốc và chữa bệnh miễn phí. Các nhà truyền giáo, cách riêng Dòng Tận Hiến của Ðức Maria vô nhiễm (OMI) đã tổ chức cả những lớp dạy nghề và hợp tác xã.
Những thành quả của việc trở lại đã phải trả bằng giá máu các vị tử đạo. Ngoài Cha Joseph Tien, linh mục người Lào, bị cộng sản giết năm 1954, còn có sáu vị khác thuộc Dòng Tận Hiến của Ðức Maria OMI, năm nhà truyền giáo Pháp và ba giáo lý viên cũng bị sát hại. Tên các ngài đã được Hội Ðồng Giám Mục Lào Quốc gửi về Roma để ghi vào Cuốn Tân Tử Ðạo Thư của Năm 2000. Từ năm 1975, với chính phủ xã hội Pathet Lào, Giáo Hội vẫn bị bách hại, các nhà truyền giáo ngoại quốc bị trục xuất, các cơ sở Giáo Hội bị tịch thu, nhiều tín hữu bị giam tại các trại tập trung. Năm 1977, Nhà nước Lào tịch thu cả các nhà thờ, nhà nguyện, biến thành những kho chứa hàng hóa, vật liệu hay trường học... Năm 1984, Ðức Cha Khamphan, Giám Mục đại diện Tông Tòa coi sóc giáo phận Paksé, bị giam tù và hiện vẫn còn bị giam; hai linh mục bị đưa đến trại cải huấn và một vị khác bị quản thúc tại gia. Năm 1989, các tín hữu miền Bắc bị cấm cử hành phụng tự cho tới năm 1991, Hiến pháp mới cho tự do tôn giáo, nhưng có những công chức chủ ý giải thích cách chủ quan: tự do cho các tôn giáo truyền thống của Lào mà thôi. Hiện nay, Nhà Cầm quyền nhận thấy cần phải có một cơ cấu Giáo Hội, để dùng như điểm tham khảo và đối thoại với Nhà Nước, nhưng không nghĩ đến việc thành lập Giáo Hội "ái quốc" như tại Trung Quốc. Cho tới này các giám mục Lào chưa đáp lại ý muốn của Nhà Cầm Quyền. Theo sự nhận xét của nhiều người, thái độ trên đây có thể là một cởi mở nhằm tiến đến việc công nhận tính cách pháp nhân của Giáo Hội và tiến đến việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh. Việc các Giám Mục lần thứ nhất, sau hơn 40 năm, được đến Roma viếng Tòa Thánh, là dấu hiệu tích cực cho một cởi mở nào đó về phía chính phủ Lào Quốc.
Cũng từ ngày 8.02.99, các Giám Mục thuộc Hội Ðồng Giám Mục Ý bắt đầu chuyến viếng thăm Tòa Thánh. Sáng thứ Hai 8.02.99, sau các Giám Mục Lào Quốc và Kampuchia, ÐTC tiếp 15 vị Giám Mục miền Lazio. Hội Ðồng Giám Mục Ý gồm 250 vị, được chia theo 20 miền. ÐTC sẽ tiếp các Giám Mục của mỗi miền. Có miền, vì con số đông, phải chia thành hai nhóm. Sáng thứ Hai 8/02/99, ÐTC tiếp nhóm thứ nhất của miền Lazio. Sau cùng, ÐTC sẽ đọc diễn văn chung cho tất cả các Giám Mục Ý trong Khóa Họp khoáng đại vào tháng năm 1999 tới đây.