Bàn về cuộc hành hương
của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II
theo vết chân Tổ Phụ Abraham

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Bàn về cuộc hành hương của Ðức Gioan Phaolô II, theo vết chân Tổ Phụ Abraham.

Trong giờ đọc Kinh Truyền Tin trưa 29.06.99, Lễ kính hai Thánh Phêrô-Phaolô, Ðức Gioan Phaolô II loan báo hai biến cố quan trọng: (1.) công bố bức thư về cuộc lữ hành tại các nơi thánh liên hệ đến lịch sử cứu rỗi và (2.) cuộc hành hương tại các nơi lịch sử này mà ngài ước mong từ lâu và muốn thực hiện trong Năm Ðại Toàn Xá của năm 2000, nếu Chúa muốn.

Và để đề phòng những giải thích sai lạc về chuyến ra đi này, ÐTC nêu cao ngay mục đích và ý nghĩa của cuộc hành hương: "Tôi muốn nhấn mạnh đến ý nghĩa hoàn toàn tôn giáo và thiêng liêng của cuộc hành hương này. Vì thế không thể gán ghép cho cuộc hành hương những giải thích khác". ÐTC cho biết thêm về chương trình của cuộc hành hương mà ngài ước mong thực hiện. Ðó là: "Viếng thăm thành phố Ur cổ kính xưa kia của nguời dân Chaldei (nay thuộc Cộng Hòa Ả Rập Irak), miền đất quê hương của Abraham hoặc Núi Sinai biểu hiệu của Cuộc Xuất Hành và của Lời Giao Ước và nhất là Nagiaret, Betlem và Giêrusalem ... tức là bước theo con đường của việc Mạc Khải của Thiên Chúa". Ðức Gioan Phaolô II nói thêm: "Nơi con người tôi có một ước muốn rất mạnh mẽ được đến cầu nguyện tại các nơi thánh này, trên các nơi đó Thiên Chúa Hằng Sống đã để lại dấu vết của Người và những nơi này, một phần, tôi đã viếng thăm năm 1965, lúc tôi còn là Tổng Giám Mục giáo phận Cracovia". ÐTC kết thúc: "Trở lại, như vị Giáo Hoàng lữ hành trong dịp năm 2000 là ý chỉ mà tôi xin phú thác cho Chúa và cho Ðức Maria rất thánh, tin tưởng vào lời cầu nguyện của anh chị em".

Bình luận lời loan báo về cuộc hành hương được dự tính của Ðức Gioan Phaolô II, trong bài xã thuyết của nhật báo Công Giáo Ý "Tương Lai", số ra ngày 30.06.99 ký giả Domenico del Rio, thành thạo về các vấn đề Vatican và về Năm Thánh, đã viết như sau: "Cha ông chúng tôi đã là một người lữ hành". Lời này người Do Thái đạo đức thường nói lên để minh chứng "căn cước riêng của mình là người thuộc về Dân Chúa". Người lữ hành là người di chuyển. Người cha ông của tôi, tức tổ phụ Abraham, sống tại thành phố Ur, trong nước Mesopotamia xưa kia, nay là Irak, nghe tiếng gọi của Thiên Chúa. "Ngươi hãy ra đi khỏi miền đất của ngươi và ra khỏi nhà của cha ngươi, tiến đến một xứ sở mà Ta sẽ chỉ cho ngươi". Ðây là khởi sự một lộ trình dài và khó khăn đưa Dân Chúa đến Ðất Hứa". Áp dụng vào Ðức Gioan Phaolô II, tác giả viết: Người lữ hành là Ðức Gioan Phaolô II. Ngài đã loan báo lộ trình cao cả nhất của ngài; với lộ trình này ngài muốn đến các miền đất, nơi mà lòng nhân hậu, quyền năng và ơn cứu rỗi của Thiên Chúa đã biểu lộ: tại Ur, theo vết chân của Abraham, trên Núi Sinai của Maisen, tại Palestine của Chúa Giêsu, Ðấng Cứu Chuộc nhân loại và của Ðức Maria thành Nagiaret. Một mơ ước đã được chính ngài tiết lộ cách đây mấy năm trong buổi gặp gỡ giới báo chí. "Tôi muốn ra đi theo vết chân của Dân Chúa, được khởi sự bằng cuộc ra đi của Abraham: tiến đi theo các nẻo đường của Cựu và Tân Ước: Nagiaret, Betlem và Giêrusalem". Chính trên các miền đất này, nơi Chúa Kitô đã là Người lữ hành, bằng việc làm nhiều phép lạ trên các ngả đường, Ðức Wojtyla muốn đến, dù bằng một chuyến ra đi mệt nhọc, dù phải chống gậy, để kết thúc thế kỷ này, để tiến đến đỉnh chót của lộ trình qua thế giới này. Một ngày kia ngài nói: "Tôi sẽ hoàn tất cuộc lữ hành của tôi tại Thánh Ðịa; cho tới lúc này đây, tôi đã đi qua rất nhiều nước, nhưng sau cùng phải đi đến các Nơi Thánh này". Ðức Wojtyla muốn đi đến Giêrusalem trên các con đường dốc đưa đến Ðồi Calvario, trèo lên các đồi của Nagiaret, qua bên bờ hồ Galilea, theo các lối đi của các mục đồng tại các thung lũng nhỏ bé của Betlem, tiến đến sa mạc dẫn về Gerico và đến bờ sông Giordano, chiêm ngưỡng những đám mây dầy đặc để hé lọt ánh sáng mặt trời trên Biển Chết.

Hôm thứ Ba 29 tháng 6/1999, ÐTC nhắc lại ngài đã đến những nơi thánh này vào đầu tháng 12 năm 1965, lúc là Tổng Giám Mục Cracovia. Những kỷ niệm về những nơi thánh này đã được ngài ghi lại trong mấy câu thơ, trong đó ngài thấy miền đất này như điểm trên đó Thiên Chúa muốn dừng lại để gặp gỡ loài người. Câu thơ ÐTC đã viết là: "Chúa tìm con người khắp nơi. Ðể tìm con người khắp nơi, cần phải dừng lại tại một điểm". Tác giả bài xã thuyết bình luận về câu thơ nầy của ÐTC như sau: Nhưng chính cái đó, cái Thiên Chúa tìm và dừng lại, cái gây ngạc nhiên, cái làm mê li ... phát xuất từ miền đất này. Ðức Karol Wojtyla đã cảm thấy mình bị xâm chiếm bởi sự kỳ diệu của miền đất được chúc phúc này, miền đất mà chính Chúa cũng là Ngưỡi Lữ Hành. Sau cuộc hành hương năm 1965, Ðức Karol Wojtyla viết: "Hỡi nơi kia, nơi của Thánh Ðịa, ngươi chiếm khoảng cách nơi tâm hồn ta. Vì thế ta không thể bước đi lên ngươi được. Ta phải quì gối trước ngươi"... Ký giả Domenico del Rio kết thúc: Ngày nay ÐTC còn mơ ước cảm thấy sự kỳ diệu kia. Trong Năm 2000, ngài muốn trở lại để chiêm ngắm lại cái ngạc nhiên, cái mê li đó. Trong thời gian của năm Ðại Toàn Xá và của lòng thương xót Thiên Chúa, chính tại Thánh Ðịa mà ÐTC muốn đến, dù với bước đi mệt nhọc, (muốn đến) để quì gối xin ơn tha thứ và lòng thương xót Thiên Chua cho Giáo Hội và cho nhân loại.


Back to Radio Veritas Asia Home Page