Những vụ bách hại các tín hữu Kitô tại Ấn Ðộ vẫn tiếp diễn.
Trong sứ điệp Phục Sinh gởi cho Thành Roma và cho Thế Giới, đọc trưa Chúa Nhật Lễ Phục Sinh, Ðức Gioan Phaolô II nói: "Trong lúc này tôi nghĩ đến những căng thẳng xã hội tại Châu Á". Ngài không nhắc đến tên nước nào, miền nào; nhưng ai cũng hiểu rằng: ngài muốn nói đến những căng thẳng tôn giáo giữa các tín hữu Ấn Giáo và Kitô Giáo tại Ấn Ðộ, cũng như đến những căng thẳng giữa các tín hữu Hồi Giáo và Kitô Giáo tại Indonesia.... Các vụ xung đột này vẫn tiếp tục xẩy ra từ hơn một năm nay.
Nguyệt san Jesus, số tháng 4/1999, có đăng bài nói lên lập trường của Ðức Cha Alan de Lastic, Tổng Giám Mục giáo phận Delhi, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Ấn Ðộ. Ngài tuyên bố: "Những ai lợi dụng các người nghèo khổ, để xây dựng cho mình một gia tài kinh tế và chính trị, dĩ nhiên họ coi người Công Giáo là một đe dọa". Ðức Tổng Giám Mục giải thích nguồn gốc của những vụ bạo hành chống lại các Giáo Hội Kitô trong những năm qua; đó là vì có những kẻ muốn chặn đứng các hoạt động của Giáo Hội trong xã hội. Ngài nói: "Chúng tôi chỉ là thiểu số rất nhỏ bé, 2,3% dân số toàn quốc; nhưng thực ra ảnh hưởng của Giáo Hội lại rất lớn lao, nhờ vào các công việc từ thiện-bác ái-xã hội". Ngoài những lời tuyên bố trên đây, Ðức Cha de Lastic còn viết một thư mục vụ trong đó ngài trả lời những tố cáo về chiêu mộ tín đồ và cưỡng bức các tín hữu Ấn Giáo trở lại Ðạo Công Giáo. Những tố cáo này do một số nhóm tín hữu Ấn Giáo quá khích tung ra. Ngài giải thích: "Chúng tôi có tới 7 ngàn trường học với 4 triệu học sinh mỗi năm. Nếu chúng tôi muốn chiêu mộ tín hữu, chúng tôi sẽ có 200 triệu tín hữu Công Giáo". Cũng trong thư mục vụ này, Ðức Tổng Giám Mục giáo phận Delhi cho biết: Cả ủy ban chính phủ phụ trách về các nhóm thiểu số đã không tìm ra một trường hợp nào của việc trở lại cưỡng bức. Ðức Cha de Lastic quả quyết: "Chúng tôi là mục tiêu của những vu khống và bạo hành: đây không phải là một sự kiện đáng ngạc nhiên. Họ thấy rằng: chúng tôi muốn thay đổi một chế độ xã hội bất công và chúng tôi thực hiện việc thay đổi này cách hòa bình, nghĩa là bằng việc làm cụ thể, thí dụ như các chiến dịch chống nạn mù chữ (nạn mù chữ hiện còn quá rộng lớn tại Ấn Ðộ), như việc mở các trường học hoặc giáo dục về Y Tế, Vệ Sinh, Dưỡng Nhi... Nhiều người thấy rằng tại Ấn Ðộ 60% tín hữu Kitô thuộc giai cấp nghèo nàn, bị bỏ rơi ngoài lề xã hội. Ðây là những người tranh đấu cho các quyền căn bản con người, đã được Hiến Pháp quốc gia công nhận, nhưng vẫn bị từ chối trong thực hành". Ðức Tổng Giám Mục viết: "Chính những người giầu có, những kỹ nghệ gia muốn giữ lại mãi mãi tình trạng kém mở mang này, để có thể tiếp tục khai thác người dân nghèo, như những nô lệ". Theo bản báo cáo sau cùng của "Diễn Ðàn Thống Nhất Kitô về Nhân Quyền" (United Christian Forum for Human rights), thì trong năm 1998 đã có 139 vụ bạo hành chống lại các tín hữu Kitô, trong số này có 84 trường hợp xẩy ra trong miền Gujarat. 5 Nữ Tu bị cưỡng hiếp; 9 bị giết và 25 bị đánh đập; 16 Linh Mục hoặc Mục Sư bị sát hại; 11 nhà thờ bị phá hủy. Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Ấn Ðộ viết: "Ðây là những trường hợp trầm trọng, nhưng giới hạn. Các đe dọa có thể làm chúng tôi lo ngại hơn. Ðó là những lời tuyên bố đầy hăm dọa như: "Chúng ta sẽ giết các Linh Mục, bắt cóc và hãm hiếp các Nữ Tu; chúng ta sẽ làm cho tất cả trở lại Ấn Giáo". Nhưng Ðức Tổng Giám Mục không muốn "vơ đũa cả nắm". Ngài xác nhận: "Nói rằng các tín hữu Ấn Giáo tấn công các tín hữu Kitô là không đúng. Những hành động này chỉ do một số người quá khích muốn áp đặt ý thức hệ của họ, một tôn giáo duy nhất cho toàn nước, bằng việc lạm dụng danh nghĩa "Ấn Ðộ giáo". Mới đây, Ðức Cha de Lasctic cùng với các lãnh tụ của Cộng Ðồng Hồi Giáo, cũng bị một số phận như các tín hữu Kitô, đã lên tiếng phản đối nơi Chính Phủ trung ương. Thủ tướng đã bảo đảm sự ủng hộ. Nhưng các vụ bạo hành vẫn tiếp tục và xem ra không ai muốn can thiệp như đã hứa. Nhật báo Công Giáo Ý Tương Lai (Avvenire), số ra ngày 8.04.99, loan tin: Các Bề Trên của các Dòng Nữ hoạt động tại Ấn Ðộ họp nhau trong những ngày vừa qua tại New Delhi, để nhắc lại rằng: Trong một xã hội có nhiều nền văn hóa và tôn giáo khác nhau, một chứng tá nghiêm chỉnh của các tu sĩ có thể mang lại những thành quả tích cực. Trong bài giảng thánh lễ khai mạc đại hội, Ðức Cha Ignatius Paul Pinto, Tổng Giám Mục giáo phận Bengalore, khuyến khích các Nữ Tu bắt đầu Ngàn Năm mới với can đảm và tín nhiệm. Nữ Tu Hazel DeLama, chủ tịch Liên Hiệp các Nữ Tu tại Ấn Ðộ, khuyên các chị em đừng khiếp sợ về những vụ bách hại và những khóù khăn của đời sống truyền giáo hiện nay, trái lại hãy gia tăng thành tín và dấn thân, mà không chờ đợi phần thưởng nào ở trần gian này.