Ðức Gioan Phaolô II
kêu gọi cứu trợ nạn nhân chiến cuộc
tại miền Balcan

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Ðức Gioan Phaolô II kêu gọi cứu trợ nạn nhân chiến cuộc tại miền Balcan.

Trong sứ điệp "Urbi et Orbi" đọc trưa Chúa Nhật Phục Sinh cho Thành Roma và cho Thế Giới, Ðức Gioan Phaolô II kêu gọi Tổng Thống Yougoslavie, ông Milosevic, cho mở một hành lang để có thể chuyên chở các đồ cứu trợ nhân đạo cho các nạn nhân của chiến cuộc tại miền Balcan, cách riêng tại Kosovo. Rồi trưa thứ Hai Phục Sinh, trong giờ đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng tại Castelgandolfo, ÐTC ca ngợi lòng quảng đại của dân tộc Ý trong việc cứu trợ các nạn nhân, qua tổ chức của Chính Phủ, mang tên "Cầu Vòng". Ngoài tổ chức này, tại Ý còn có nhiều tổ chức cứu trợ khác không thuộc chính phủ, như Hồng Thập Tự, Caritas...

Không những kêu gọi cứu trợ, ÐTC còn tả lại "cuộc nội chiến" (danh từ do Nhật Báo Quan Sát Viên Roma, cơ quan bán chính thức Tòa Thánh đã dùng để nói đến những bạo lực của quân đội Chính Phủ Belgrad đang thực hiện tại Kosovo, để thanh trừng người dân Kosovo, gốc Albania). Cuộc nội chiến này không phải mới xẩy ra từ lúc NATO dội bom xuống lãnh thổ Yougoslavie, nhưng từ hơn một năm nay.

Trong cuộc tranh luận trên đài truyền hình quốc gia Ý, từ 17 giờ đến 18 giờ thứ Hai 5/04/99 sau lễ Phục sinh, một viên chức đại diện Tổ Chức Amnesty International quả quyết: "Chúng tôi đã báo động Châu Âu từ nhiều năm nay về nguy cơ diệt chủng tại Kosovo, nhưng Châu Âu không muốn lưu ý tới, hoặc chia rẽ nhau... Nay tình hình trở nên trầm trọng, Khối NATO mới hành động: hành động này có thể bị coi là đã muộn. Trong lịch sử chiến tranh tại Châu Âu, chưa bao giờ xẩy ra một cuộc ra đi của từng triệu người chỉ trong một tuần lễ. Một biến cố đến bất ngờ và dồn dập. Các tổ chức cứu trợ không kịp trở tay".

Nhật báo Tin Chiều (Corriere della sera), số ra ngày 06.04.99 viết: "Với những lời bi thảm dùng trong sứ điệp Phục Sinh, ÐTC đã hết sức đắn đo, để lập trường của ngài không thể lẫn lộn với lập trường cũa những người hay những nhóm theo Chủ Nghĩa hòa bình", chỉ hô hào hòa bình, mà không đưa ra giải pháp tích cực nào để giải quyết các vụ tranh chấp - yêu cầu chấm dứt các vụ dội bom, báo động về các người di tản, tị nạn... nhưng không đả động gì đến những vụ diệt chủng và cuộc nội chiến tại Kosovo, căn cớ gây nên các thảm họa hiện nay). Mở đầu thánh lễ Chúa Nhật Phục Sinh lúc 10:30, trước sự hiện diện của hơn 100 ngàn tín hữu tham dự và từng triệu triệu người theo dõi qua các đài truyền hình và phát thanh, ÐTC nói hết sức rõ ràng: "Trong Thánh Lễ trọng thể Phục Sinh này, tôi muốn mời gọi tất cả cầu nguyện cho hòa bình tại miền Balcan, cho việc tôn trọng các quyền con người trong miền đất bị ngược đãi của Kosovo, cho làn sóng người tị nạn, bị cưỡng bức bỏ nhà cửa và trốn thoát đến các nước lân cận".

Sau thánh lễ, trong sứ điệp Phục Sinh, lời của Ðức Gioan Phaolô II còn rõ ràng hơn nữa: "Làm sao có thể nói đến hòa bình, khi người dân bị cưỡng bức trốn chạy khỏi quê hương mình, khi người ta bắn giết săn đuổi người dân, khi người ta đốt phá nhà cửa? Khi không gian bị xé ra bởi những tiếng nổ kinh hoàng của chiến tranh, khi trên mái nhà tiếng réo của bom đạn, khi những trái bom phá hủy thành phố, làng mạc? Máu người vô tội đổ ra một cách tàn bạo quá nhiều rồi! Làm sao có thể nói đến hòa bình khi những vụ báo thù và những vụ tranh chấp phi lý huynh đệ tương tàn bùng nổ?" - ÐTC nói tiếp: "Hãy huy động tình liên đới của mọi nguời, để sau cùng mọi người trở lại nói đến tình huynh đệ và hòa bình!". Sau khi tả lại cảnh bi thảm của thù ghét, của bạo lực, Ðức Gioan Phaolô II kêu gọi cứu trợ các người tị nạn. Ngài nói: "Làm sao có thể lãnh đạm trước làn sóng đau thương của các người nam nữ đứng gõ cữa nhà chúng ta xin giúp đỡ? Trong ngày thánh thiêng này, tôi cảm thấy có bổn phận kêu gọi tha thiết Nhà Cầm Quyền Yougoslavie cho mở một hành lang để chuyên chở đồ cứu trợ nhân đạo cho dân chúng lũ luợt tuốn đến và chờ đợi tại vùng biên giới. Ðối với công việc của tình liên đới, người ta không nên đặt ra những biên giới; luôn luôn phải mở ra những con đường đưa đến hy vọng".

Người ta tự đặt câu hỏi: Lời kêu gọi của Ðức Gioan Phaolô II có được Nhà Cầm Quyền Yougoslavie đáp lại không? Thưa: Rất có thể được đáp lại. Trong bài phỏng vấn dành cho nhật báo Tin Chiều (Corriere della sera) số ra ngày 6.04.99 Ðại Sứ Yougoslavie cạnh Tòa Thánh, quả quyết rằng: "Tôi nghĩ rằng lời đáp lại sẽ có, sẽ đến nhanh chóng và sẽ là tích cực, bởi vì việc thỏa thuận này đã đạt được trong chuyến viếng thăm mới đây (hôm mùng 1 tháng 4) của Ðức Tổng Giám Mục Jean Louis Tauran tại Belgrad". Trong cuộc phỏng vấn cũng dành cho nhật báo Tin Chiều, số ra ngày Chúa nhật 4.04.99 Ông Lamberto Dini, Tổng Trưởng ngoại giao Ý, người đã cùng với Thủ Tướng Massimo D’Alema đến Vatican thảo luận với Ðức Hồng Y Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh và Ðức Tổng Giám Mục Tauran hôm ngày 03.04.99 đã quả quyết rằng: "Ðức Tauran đã nhận được nơi Tổng Thống Milosevic điều này là các tổ chức với mục đích nhân đạo, ít ra như Hồng Thập Tự và hoặc các tổ chức khác không chính phủ, có thể đến Kosovo". Ðược hỏi về tính cách chính xác của lời tuyên bố của ngoại trưởng Dini, Ðại Sứ Yougoslavie cạnh Tòa Thánh, trả lời: "Ðức Tổng Giám Mục Tauran cũng nói như vậy với tôi, lúc tôi tới phi trường đón tiếp ngài từ Belgrad trở về Roma, hôm thứ Năm 01.04.99, và chính ngài cũng lặp lại với tôi sáng thứ Sáu (02.04.99) tại Vatican". Hơn nữa, chính Ðức Tổng Giám Mục Abril, Sứ Thần Tòa Thánh tại Yougoslavie, đã xác nhận rằng: Cộng Hòa Serbia đánh giá cao lời của Ðức Gioan Phaolô II". Cũng trong những ngày này, Cao Ủy Tị Nạn của Liên Hiệp Quốc cũng yêu cầu Cộng Ðồng quốc tế tỏ tình liên đới trong việc cứu trợ các nạn nhân của chiến cuộc tại miền Balcan. Trên phương diện ngoại giao, sau thất bại của Thủ Tướng Primakov, Chính Phủ Nga lại đang ráo riết vận động. Và Ông Chủ Tịch Quốc Hội Nga, đã lên đường đi Belgrad hôm thứ Ba 6.04.99 gặp Tổng Thống Milosevic, để tìm giải quyết cơn khủng hoảng bằng những phương tiện chính trị. Trong lúc này Thế Giới chăm chú nhìn vào những sáng kiến ngoại giao khác nhau, của Nga, của Khối Liên Hiệp Châu Âu, nhất là của Tòa Thánh. ÐTC đã quả quyết nhiều lần rằng: Chiến tranh không thể giải quyết được các vụ tranh chấp bất cứ ở nơi nào trên thế giới này. Chỉ có cuộc đối thoại, đàm phán với nhiều nhẫn nại và với sự tôn trọng nhau, mới xứng đáng với con người.


Back to Radio Veritas Asia Home Page