Bài phỏng vấn
Ðức Tổng Giám Mục Jean-LouisTauran
Ngoại Trưởng Tòa Thánh
dành cho nhật báo "Người Ðưa Tin Chiều"
(Corriere delle sera)

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Bài phỏng vấn Ðức Tổng Giám Mục Jean-LouisTauran, Ngoại Trưởng Tòa Thánh, dành cho nhật báo "Người Ðưa Tin Chiều" (Corriere delle sera).

Với bài phỏng vấn dành riêng cho nhật báo "Người Ðưa Tin Chiều" (Corriere della sera), một trong các nhật báo lớn nhất của Ý, xuất bản tại Milano, Ðức Tổng Giám Mục Jean-Louis Tauran, phụ trách về các mối quan hệ với các quốc gia (tương đương với chức vụ Ngoại Trưởng ), trả lời cho những điều kiện tiên quyết do ông Jiang Zemin (Giang Trạch Dân), chủ tịch Nhà Nước Trung Quốc đặt ra, nhân dịp ông viếng thăm Cộng Hòa Ý trong những ngày này. Ðức Tổng Giám Mục không cho rằng việc quan tâm của ÐTC đến các người Công Giáo Trung Quốc, là như một việc xen lấn vào nội bộ của Trung Quốc. Ðồng thời Ngoại Trưởng Tòa Thánh quả quyết "mọi khó khăn có thể vuợt qua trong một đối thoại trực tiếp". Ðối với Ðức Tổng Giám Mục Tauran, sự quan tâm của chủ tịch Nhà Nước Trung Quốc về việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh là điều quan trọng. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo "Người Ðưa Tin Chiều" (Corriere della sera), số ra ngày 18 tháng 3 vừa qua, chủ tịch Jiang Zemin quả quyết rằng: Ðể cải tiến mối quan hệ với Trung quốc, Vatican phải đoạn tuyệt với Ðài Loan và đình chỉ mọi vụ xen lấn vào nội bộ. Ðối lại với lập trường trên, Ðức Tổng Giám Mục Tauran nói: Chúng tôi ý thức được rằng để bình thường hóa các mối quan hệ với Bắc Kinh, chúng tôi phải thay đổi hình thức của các mối quan hệ với Ðài Loan. Có những khó khăn, nhưng với một cuộc đối thoại trực tiếp có thể vượt qua tất cả". Ðối với vị ngoại giao Tòa Thánh, một cuộc đàm phán nhằm đi đến việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Tòa Thánh ngày nay là việc có thể làm.

Sau đây, chúng ta hãy theo nguyên văn bài phỏng vấn Ðức Tổng Giám Mục Tauran dành cho Nhật Báo "Người Ðưa Tin Chiều" (Corriere della sera):

Hỏi - Thưa Ðức Cha, chủ tịch Jiang Zemin (Giang Trạch Dân) đang ở Roma. Sẽ lưu lại ở Ý bốn ngày, nhưng ông không đến Vatican. Trái lại, trong một cuộc phỏng vấn dành cho Nhật Báo Người Ðưa Tin Chiều (Corriere della sera), ông đã đặt những điều kiện để "cải tiến mối quan hệ với Vatican": Vatican cần đoạn tuyệt với Ðài Loan và đình chỉ những xen lấn vào nội bộ của Trung Quốc. Vậy Ðức Cha đáp lại như thế nào?

Ðáp - Tôi xin thưa ngay rằng: quan tâm của chúng tôi là có được một sự liên lạc tôn giáo với những người Công Giáo Trung Quốc; quan tâm này không thể coi như một việc xen lấn vào nội bộ chính trị, nhưng chúng tôi ý thức rằng để bình thường quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh, cần phải thay đổi hình thức của những mối liên hệ của chúng tôi với Ðài Loan. Nhưng trước khi đối phó với những khó khăn, tôi muôn nói lên một lời về cơ hội thuận tiện đến với chúng tôi trong lúc này: Tòa Thánh vui mừng ghi nhận sự sẵn sàng của Chính Phủ Bắc Kinh muốn "cải tiến mối quan hệ với Vatican". Việc bảo đảm này, bởi vì do từ quyền bính chính trị tối cao của Quốc Gia, mang theo một sự quan trọng đặc biệt và có tính cách chính thức mạnh mẽ hơn cho những lời tuyên bố như vậy; những lời tuyên bố này đã được nói lên nhiều lần bởi những vị cầm quyền Chính Phủ hoặc bởi những phát ngôn viên của các ngài và Tòa Thánh đã lưu ý nhiều".

Hỏi - Chúng ta thử cứu xét xem điều kiện thứ nhất trong các điều kiện do chủ tịch Nhà Nước Trung Quốc đặt ra: nghĩa là trước hết các Ngài phải đoạn tuyệt với cái được gọi là liên lạc ngoại giao với Ðài Loan.

Ðáp - "Tòa Thánh, từ nhiều thế kỷ, chú ý theo dõi lịch sử của dân tộc Trung Quốc. Cuộc đối thoại với Trung Quốc, nhìn lại trong lịch sử, có từ thời Trung Cổ, khi có những vụ trao dổi đầu tiên các vị đại diện giữa triều đình Giáo Hoàng và triều đình Mông Cổ. Mối quan hệ với Trung Quốc trở nên ổn định vững chắc và trực tiếp kể từ năm 1922, nhờ vào sự hiện diện thường trực tại Bắc Kinh, trước hết của "một Khâm Sứ Tòa Thánh" và sau đó, từ năm 1946, của "một vị Sứ Thần Tòa Thánh". Nhưng những biến cố lịch sử, không tùy thuộc Tòa Thánh, trong năm 1951 đã đưa đến việc ra đi miễn cưỡng của vị Sứ Thần, Ðức Cha Antonio Riberi, khỏi lãnh thổ Trung Quốc.

Hỏi - Tại sao miễn cưỡng? Vậy không phải ngài đã tự quyết định chuyển về Ðài Loan sao?

Ðáp - Không, ngài đã bị cưỡng ép đến bước tiến đó. Chỉ thị của Tòa Thánh lúc đó là ngài phải ở lại lâu hết sức có thể tại chỗ của mình trên lãnh thổ Trung Quốc. Ðức Gioan Phaolô II đã nhiều lần bày tỏ thiện chí của Tòa Thánh về bình thường hóa mối quan hệ với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, trong ước muốn vừa để bênh vực những quyền lợi tôn giáo của cộng đồng Công Giáo Trung Quốc, vừa để góp phần vào việc tìm kiếm đối thoại về hòa bình giữa Cộng Ðồng Quốc Tế. Ðức Hồng Y Quốc Vụ Khanh đã nhắc lại, cách đây một tháng, sự sẵn sàng về đối thoại, một cuộc đối thoại đưa đến việc bình thường hóa các mối quan hệ, với ý thức cụ thể và minh bạch là công việc này sẽ đòi một sự thay đổi về mối quan hệ với Ðài Loan. Tất cả những điều này phải làm, không vì những khó khăn với Nhà Cầm Quyền Ðài Bắc, nhưng chỉ vì trong việc tìm kiếm công ích của Giáo Hội tại Trung Quốc.

Hỏi - Vậy thì các Ngài chấp nhận điều kiện thứ nhất này không?

Ðáp - Chúng tôi sẵn sàng thảo luận. Nhưng vì Tòa Thánh là một thực tại tôn giáo, một việc bình thường hóa quan hệ với Bắc Kinh nhất thiết phải bao hàm một sự thỏa thuận về một số khía cạnh của sự hiện diện và của hoạt động của Giáo Hội tại Trung Quốc.

Hỏi - Vậy điều yêu cầu này của các Ngài không đối nghịch với điều kiện do Chủ Tịch Jiang Zemin (Giang Trạch Dân) đặt ra, nghĩa là các ngài đình chỉ việc xen lấn vào nội bôï của Trung Quốc sao?

Ðáp - Thành thực nói, nhắc đến việc xen lấn vào nội bộ, như đã được quả quyết trên đây, không thể không gây nên nhiều ngạc nhiên. Thực ra, chúng tôi không thấy một việc liên lạc có tính cách tôn giáo, như việc liên lạc giữa các người Công Giáo với ÐTC, lại có thể tạo nên một sự xen lấn vào nội bộ của Xứ Sở hoặc gây hại cho chủ quyền hay nền độc lập của Nhà Nước như thế nào. Hơn nữa, không thấy cộng đồng Công Giáo hiện nay tại Trung Quốc có thể gây nên những căng thẳng về trật tự xã hội hoặc gây khó khăn có tính cách chính trị như thế nào.

Hỏi - Trong thực tế, xin Ðức Cha cho biết tình hình của cộng đồng Công Giáo tại Trung Quốc hiện nay.

Ðáp - Dựa vào những điều được biết, xem ra các vị Giám Mục trong hiệp thông hoàn toàn với ÐTC, với cách cử xử của các ngài, đã tạo nên những vấn đề hoặc gợi lên những dè dặt nơi nhà cầm quyền chính trị. Trái lại chúng tôi được biết các ngài dấn thân mạnh mẽ trong việc cổ võ công ích của người dân và của Xứ Sở. Về những gì liên hệ đến các tín hữu Công Giáo đơn sơ chất phác, theo sự chúng tôi biết, họ cũng được nhà cầm quyền dân sự đánh giá cao vì những dấn thân xã hội của họ và trong nhiều làng mạc họ còn được công nhận và thăng thưởng nữa, như những công dân gương mẫu. Vì thế một sự bình thường hóa các quan hệ sẽ ích lợi không những cho cộng đồng Công Giáo Trung Quốc, nhưng cho cả Xứ Sở nữa. Ðất nước có thể tin tưởng vào sự cộng tác còn quảng đại hơn nữa về phía các công dân Công Giáo. Do đó, cái mà Nhà Nước Trung Quốc coi như một sự xen lấn vào nội bộ, trên thực tế, có thể trở nên sự cộng tác cho công ích của chính những người vừa là công dân của một quốc gia, vừa là thành viên của một cộng đồng tôn giáo.

Hỏi - Ðức Cha có lạc quan về sự có thể tiến đến một thỏa uớc không?

Ðáp - Tòa Thánh ý thức rằng có những khó khăn, nhưng cũng vẫn tin tưởng rằng có thể tìm ra những giải pháp được cả hai bên thỏa thuận cho các vấn đề khác nhau, nhờ vào một cuộc đối thoại trực tiếp và xây dựng giữa hai bên.

Ðó là nội dung bài phỏng vấn Ðức Tổng Giám Mục Tauran, Ngoại Trưởng Tòa Thánh, về những vấn đề có liên hệ đến liên lạc ngoại giao giữa Tòa Thánh và Trung Quốc.


Back to Radio Veritas Asia Home Page