Bách hại tôn giáo tại Uzbekistan.
(Zenit 30/07/99) - Roma - Trong những tháng gần đây, chính quyền Uzbekistan đang gia tăng những vụ tấn công vào các nhóm tôn giáo thiểu số.
Một bản báo cáo của viện Keston cho biết như trên. Uzbekistan là quốc gia đông dân số và có thế lực quân sự mạnh nhất trong vùng Trung Á. Trung Á là vùng rộng lớn nhất nơi có thể diễn ra cuộc đụng độ giữa người Kitô và Hồi Giáo của thế giới. Vào đầu năm 1988, với những luật lệ mới được chính phủ ban hành, các cộng đoàn Tin Lành cảnh cáo là Uzbekistan đang trở thành một nước nơi mà tín hữu thuộc các tôn giáo thiểu số có thể trở thành phạm nhân. Lời cảnh cáo này đã ứng nghiệm tính cách tiên tri của nó. Trong số tất cả các Cộng Hòa thuộc cựu Liên Bang Sô Viết, Uzbekistan là nước đã ban hành luật lệ cụ thể nghiêm phạt các hoạt động tôn giáo không có đăng ký.
Sau khi đã cắt giảm nhiều chi nhánh của đạo Hồi, bắt đầu vào năm 1995, chính phủ Uzbekistan bắt đầu nhắm vào các nhóm Kitô Giáo thiểu số, đặc biệt là những ai chống lại chính sách chia rẽ chủng tộc giữa người gốc Uzbeks theo đạo Hồi, và người gốc Slavo, theo Chính Thống Giáo. Tháng 5 năm 1998, quốc hội Uzbekistan ban hành một đạo luật mới về tự do lương tâm. Luật này buộc tất cả các cộng đoàn muốn đăng ký với chính phủ phải có ít nhất là 100 thành viên người lớn. Các hình thức chiêu dụ người theo đạo, giáo dục tôn giáo bên ngoài các cơ sở có phép của chính phủ, đều bị nghiêm cấm. Tất cả các ấn phẩm hay tài liệu tôn giáo đều bị nhà nước kiểm duyệt, các cơ sở ấn loát tôn giáo cũng bị cấm đoán. Các hoạt động tôn giáo không có đăng ký sẽ bị xét xử như một tội hình sự. Thủ tục đăng ký cho tôn giáo lại càng trở nên khó khăn hơn, qua một khoản tu chính ban hành dạo tháng 6 năm 1998. Nhiều cộng đoàn Hồi Giáo, Tin Lành và chứng nhân Jehovah đã trở thành nạn nhân của những chiêu bài đàn áp từ chính phủ. Giáo hội Công Giáo Uzbekistan, nhờ quan hệ ngoại giao giữa nước này với Tòa Thánh, nên đã tránh được phần nào những trở ngại trong vấn đề đăng ký. Nói chung tín hữu thuộc bất cứ tôn giáo nào ở Uzbekistan đều là mục tiêu của chiến dịch bài tôn giáo do chính quyền đề xướng.