Hoạt động ngoại giao
của Tòa Thánh
nhằm chấm dứt chiến tranh
tại miền Balcan

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh nhằm chấm dứt chiến tranh tại miền Balcan.

Tờ "Thời Báo" (l Tempo), số ra ngày thứ Tư 31.03.99, đã đăng một bài xã thuyết với tựa đề: "LHQ vô hiệu lực - Hy vọng chỉ còn nơi Giáo Hội Công Giáo mà thôi". Tất cả thế giới đều thấy rằng: Tiếng nói của Liên Hiệp Quốc trong lúc này không được lưu ý đến nhiều. Khối NATO đã hành động không có sự đồng ý trước của Hội Ðồng Bảo An. Có thể vì NATO thấy trước rằng: Nga và Trung Quốc sẽ bỏ phiếu phủ quyết và do đó cuộc diệt chủng tại Kosovo không thể giải quyết, qua ngả Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Cuộc diệt chủng tại Kosovo đã xẩy ra nhiều tháng, trước khi NATO ra lệnh oanh tạc vũ bão Yougoslavie. Cũng chính Ông MILOSEVIC đã thực hiện cuộc diệt chủng trước đây tại Bosni-Erzegovine.

Trong lúc Thủ Tướng của Nga, Ông Primakov thảo luận với Tổng Thống Milosevic của Yougoslavie, thì Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, theo chỉ thị của ÐTC, đã triệu tập hôm chiều thứ Hai (30.03.99) các vị Ðại Sứ thuộc các nước trong Khối NATO cạnh Tòa Thánh, dưới quyền chủ tọa của Ðức Hồng Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh, cùng với hai vị phụ tá của ngài, Ðức Tổng Giám Mục Jean Louis Tauran, Bộ Trưởng Ngoại Giao và Ðức Tổng Giám Mục Giovanni Re, Bộ Trưởng Nội Vụ, để tìm giải pháp công bình và có thể chấp nhận cho cả hai phe tranh chấp. Tờ "Thời Báo" đã viết như sau: "Cuộc họp thuợng đỉnh này là một biến cố lịch sử; biến cố đặt Roma vào hàng đầu trong việc đưa ra các sáng kiến để ngừng các vụ tấn công về phía NATO và chấm dứt ngay cuộc diệt chủng tại Kosovo về phía quân đội Serbie". Nhật báo viết tiếp: "Ðây là khía cạnh cụ thể, cực kỳ quan trọng về hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh, qua các đường lối ngoại giao khác nhau. Trong hai tiếng đồng hồ Ðức Hồng Y Quốc Vụ Khanh không những trình bày với các Ðại Sứ của Khối NATO một chương trình tiến đến hòa bình, nhưng còn nói đến những thành quả đã thu lượm được cách cụ thể nơi chính phủ Belgrad".

Bài xã thuyết kết luận: "Cho tới lúc này, trong khi chờ đợi ai là người thứ nhất sẽ đưa ra một cử chỉ quyết định, những hy vọng về hòa bình chắc chắn trở nên mạnh mẽ hơn nhiều do các hoạt động liên lỉ của Tòa Thánh. Cần phải lưu ý mọi người đến điểm nền tảng này đối với đời sống Giáo Hội Công Giáo: Giáo Hội có một ơn gọi và sứ mệnh hoàn vũ, có một khả năng can thiệp và làm trung gian rất đáng phục trong những vấn đề khó khăn của lịch sử thế giới. Những người chống đối muốn giam cầm Giáo Hội trong lãnh vực hoàn toàn tôn giáo, thì họ lên tiếng vu khống Giáo Hội xen lấn vào công việc của xã hội, của trần thế. May thay, chúng ta có vụ việc can thiệp này, vụ can thiệp mang ý nghĩa tôn giáo cao cả của con người, và đem đến một tia sáng trong tối tăm của một cuộc chiến bi thảm. Bên ngoài và trong lúc này, cuộc chiến xem ra không có lối thoát và rất có thể trở nên khốc liệt hơn nhiều". Theo tin tức của đài truyền hình Ý, người ta được biết: cả lãnh tụ đảng cộng sản Ý, ông Cossuta, thực sự không có cảm tình gì với Giáo Hội, cũng viết thư cho Ðức Gioan Phaolô II xin can thiệp, một cử chỉ mà ông đã không hề làm trước đây, lúc quân đội Liên Sô xâm chiếm Budapest (Hungari) năm 1956 và Praga (Tiệp Khắc) năm 1968, để đè bẹp lúc đó các vụ tranh đấu cho tự do, dân chủ của các dân tộc này.

Tờ "Thời Báo", số ra ngày thứ Tư 31.03.99 còn loan tin rằng: Một phái đoàn Tòa Thánh lên đường đi Belgrad ngay ngày thứ Tư 31.03.99. Quyết định nầy của Vatican đã được đưa ra hôm thứ Ba 30.03.99, sau cuộc gặp gỡ với các đại sứ NATO cạnh Tòa Thánh. Quyết định này là một trong các sáng kiến ngoại giao của Tòa Thánh, để tìm giải pháp chấm dứt chiến tranh. Mục đích của Phái Ðoàn là tìm cách thuyết phục Tổng Thống Milosevic mở cửa cho các cuộc đối thoại. Phái đoàn Tòa Thánh gồm ba vị, tới Belgrad trên chiếc máy bay riêng của Chính Phủ Ý và được NATO bảo đảm an ninh như đã bảo đảm phái đoàn Primakov hôm 30.03.99 vừa qua. Nguyên việc chấp nhận phái đoàn Tòa Thánh đến Belgrad về phía Milosevic đã được coi như là một thành công của đường lối ngoại giao Tòa Thánh, một đường lối ngoại giao không tìm tư lợi, không thiên vị, nhưng chỉ nhằm đến công ích của nhân loại, bất cứ thuộc miền nào, tôn giáo nào, khuynh hướng chính trị nào trên thế giới này. Mọi người còn nhớ: Khi Hoa Kỳ và Anh Quốc tấn công Irak tháng Hai 1999 vừa qua, ÐTC Gioan Phaolô II đã lên tiếng và coi đây là "một vụ xâm lăng". Chiến tranh trước đây tại Bosnia-Erzegovina và hiện nay tại Kosovo trong miền Balcan khác hẳn những vụ tấn công mới đây tại Irak. Nhưng tại cả hai nơi, Tòa Thánh đã và sẽ còn lên tiếng bênh vực các dân tộc bị đàn áp bất công, bất cứ do lực lượng nào, và từ phía nào.


Back to Radio Veritas Asia Home Page