Một nhà Thần Học
đề nghị Kitô hữu
hãy "cảm nghiệm Thiên Chúa"
nơi các tôn giáo khác

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Một nhà Thần Học đề nghị Kitô hữu hãy "cảm nghiệm Thiên Chúa" nơi các tôn giáo khác.

Tin Xingapo (UCAN 19/04/99) -- Một Linh Mục dòng Tên người Ấn Ðộ nói với một nhóm giáo dân ở đây rằng, việc đối thoại liên tôn không phải là cuộc đối thoại giữa hai tôn giáo, mà là cuộc đối thoại của hai người, đến từ hai truyền thống khác nhau. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm cơ sở chung trong khi vẫn tôn trọng các dị biệt, cha Sabastian Painadath, chuyên viên về đối thoại Kitô Giáo và Ấn Giáo, đã trích dẫn các đoạn văn về "thông cảm" của các Sách Thánh khác nhau. Trong Kitô Giáo, Tin Mừng theo thánh Mathêu dạy "Phúc cho người có lòng thương xót, vì họ sẽ được xót thương." Trong sách Tripitaka, Ðức Phật dạy: "Người cảm thông là người thân thiết đối với tôi." Trong Ấn Giáo, sách Bhagavad Gita dạy rằng: "Khi lòng thương xót đi mất, mọi người trở nên xa lạ với ngươi." Trong Do Thái Giáo, sách Torah dạy: "Nền tảng của thế giới là lòng cảm thông." Trong Hồi Giáo, sách Koran dạy rằng: "Ðiều quan trọng không phải là hướng mặt về phía đông hoặc phía tây, mà là cảm thông với vạn vật." Qua các lời dạy này, cha Painadath cảnh báo các tham dự viên về việc cải đạo cho người khác. Ngài giải thích: "Một người Hồi Giáo phải là người Hồi Giáo tốt và chỉ nên được xem và hiểu như thế, chứ không như một người sắp trở thành Kitô hữu." Ngài nói thêm: "Mọi đối thoại liên tôn phải dẫn đến đối thoại trong nội bộ một tôn giáo ở cấp độ linh đạo, nếu không, sẽ không thể thay đổi một con người." Phát biểu tại khóa hội thảo từ ngày 24-28 tháng 2/1999 vừa qua, về chủ đề: "Người Công giáo Ðối thoại với các Tôn Giáo khác trên Thế Giới", Cha Sabastian Painadath đã nói rằng: một người có thể chia sẻ kinh nghiệm đức tin của mình với người khác, nhưng không ai có thể dùng tôn giáo như một vũ khí và nói xấu về các niềm tin khác. Ngài nói, mục đích của đối thoại, nhất là giữa tín đồ các tôn giáo hữu thần, không chỉ là chia sẻ những ý kiến khác nhau, mà quan trọng hơn là chia sẻ cách thức Thiên Chúa hoạt động trong cuộc sống mỗi người. Ngài nói thêm, trong bối cảnh này, cách đối thoại liên tôn phải luôn ở cấp độ cảm nghiệm về Thiên Chúa, trở về nguồn mạch chính của nó. Cha Painadath còn trình bày sơ lược về lịch sử Giáo Hội và ảnh hưởng phương đông ban sơ đối với Giáo Hội.

Khóa hội thảo được tổ chức bởi Nhóm Ðối Thoại Liên Tôn do nữ tu Theresa Seow phụ trách và thuộc Ủy Ban Hoạt Ðộng Truyền Giáo của Tổng Giáo Phận Xingapo (ACMA).


Back to Radio Veritas Asia Home Page