Hoàn cảnh xã hội và kinh tế
tại Macedonia ngày một tệ hơn

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Hoàn cảnh xã hội và kinh tế tại Macedonia ngày một tệ hơn.

 Ba Lan (Varsava) - (CNS 28/03/2001) - Một vị linh mục công giáo người Macedonia vừa lên tiếng báo động về hoàn cảnh xã hội và kinh tế ngày một trở nên tệ hại hơn, theo sau vụ nổi loạn của người dân gốc Albany dạo trung tuần tháng 3/2001 vừa qua. Tuy nhiên, cha Antun Siramotic, giám đốc Caritas Macedonia, cũng cho biết thêm là giáo hội công giáo tại đây vẫn giữ mối quan hệ tốt với các cộng đoàn tôn giáo khác, và luôn sẵn sàng đứng ra làm trung gian để giải quyết các cuộc tranh chấp.

 Cha Antun Siramotic cho biết là giáo hội công giáo Macedonia luôn chuẩn bị để làm chiếc cầu nối giữa các phe phái. Giáo hội đang giúp đỡ các người nghèo, người bị loại ngoài lề xã hội, và giáo hội cũng không có tranh chấp gì với phía giáo hội chính thống hay hồi giáo. Qua sự gắn bó này với một bên cộng đoàn, giáo hội công giáo luôn ở trong tư thế xây dựng tình hiệp nhất giữa các cộng đoàn tôn giáo với nhau. Trong khi đó, chính phủ Macedonia cho biết là quân đội Macedonia đã giành lại được quyền kiểm soát một số làng đã nằm trong tay của các phiến quân người gốc Albany tại vùng biên giới Tây Bắc Macenonia, luôn cả căn cứ của Quân Ðội Giải Phóng Quốc Gia Albany tại Kale. Trong cuộc phỏng vấn với thông tấn xã công giáo Hoa Kỳ vào hôm thứ ba (27/03/2001), cha Siramotic cho biết Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế đang gánh trách nhiệm săn sóc cho khoảng 35 ngàn người tị nạn từ Tetovo, và do đó Caritas Macedonia được rảnh tay để tập trung các công việc cứu trợ thường xuyên cho những người nghèo và bị thất nghiệp tại Macedonia. Cha nói tiếp như sau: "Hoàn cảnh hiện giờ không nghiêm trọng như khi người tị nạn chạy lánh nạn khỏi Kosovo. Nhưng chúng tôi vẫn cần sự trợ giúp càng nhiều có thể để tiếp tục công tác của chúng tôi tại đây. Nạn thất nghiệp đang lan tràn và các nhu cầu xã hội thì quả thật nhiều, từ thực phẩm cho tới các thứ căn bản nhất cho cuộc sống hằng ngày.

 Trong một bản thông cáo công bố hôm 27 tháng 3/2001 vừa qua, Cơ Quan Cứu Trợ Công Giáo Hoa Kỳ cho biết là họ đang cung cấp các dịch vụ cứu trợ cơ bản cho người dân tại Kosovo, nhất là cho số người tị nạn Macedonia ngày một nhiều hơn. Gần 5,000 người tị nạn từ Macedonia đã vượt qua dãy núi Sar bằng đường bộ để đến thành phố Prizen của tỉnh Kosovo. 50% dân chúng Macedonia đang bị thất nghiệp. Macedonia giành được độc lập sau khi cộng hòa liên bang Yugoslavia tan rã vào năm 1990-1991. Các vấn đề kinh tế tại đây vẫn trầm trọng như trước đây, cộng thêm là sự bất mãn của người dân gốc Albany. Hôm thứ tư ngày 28 tháng 3/2001 vừa qua, Ðức Cha Joakim Herbut, Giám Mục Skopje-Prizren cho biết ngài dự tính đưa ra một lời kêu gọi chung với các nhà lãnh đạo chính thống giáo và Hồi Giáo, để kêu gọi tín hữu các cộng đoàn nỗ lực xây dựng một quan hệ tốt đẹp hơn. Theo nhận định của cha Siramotic, giám đốc Caritas Macedonia, thì việc chấm dứt cuộc tranh chấp tùy thuộc một phần vào phản ứng của các thế lực bên ngoài, cũng như thái độ của người dân địa phương. Vấn đề của Macedonia phát sinh từ các chính trị gia, vì vậy các chính trị gia phải là người giải quyết, nhưng Macedonia hy vọng là các thế lực bên ngoài sẽ giúp giảm bớt tình hình căng thẳng hiện giờ.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page