Bài xã thuyết của nhật báo
"Quan Sát Viên Roma"
nhân dịp kỷ niệm một năm
cuộc hành hương lịch sử của ÐTC tại Thánh Ðịa

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Bài xã thuyết của nhật báo "Quan Sát Viên Roma" nhân dịp kỷ niệm một năm cuộc hành hương lịch sử của ÐTC tại Thánh Ðịa.

 Cuộc hành hương đã được ÐTC mong ước hơn cả, là cuộc hành hương Thánh địa, nơi diễn ra tất cả các biến cố cuộc đời của Chúa Giêsu, Ðấng Cứu Thế duy nhất của nhân loại, từ lúc sinh ra cho đến cái chết trên Thánh giá. Thánh địa là nơi hoàn tất lịch sử cứu chuộc, do Thiên Chúa hứa, ngay sau lúc hai ông bà nguyên tổ phạm tội, và được chính Thiên Chúa chuẩn bị trong hơn bốn ngàn năm. Thánh địa là nơi diễn ra các biến cố quan trọng nhất của Lịch sử cứu chuộc đã được ghi chép lại trong Cựu và Tân Ước. Trở lại Thánh địa, tức là trở lại nguồn gốc của Kitô Giáo. Chính ÐTC Gioan Phaolô II đã muốn trở lại nguồn gốc nầy, trong dịp cử hành Ðại Toàn xá, mừng kỷ niệm hai ngàn năm lịch sử cứu chuộc. Ước mong này đã được thực hiện Tháng Ba Năm Thánh 2000, trong một tuần lễ từ 20 đến 27 tháng ba năm 2000.

 Nhân dịp kỷ niệm một năm cuộc hành hương lịch sử này, nhật báo "Quan Sát Viên Roma" số ra ngày 28.3.2001, dành một bài xã thuyết để đề cao ý nghĩa sâu xa của biến lớn lao này.

 Bài xã thuyết viết như sau: Có những hình ảnh đã được in sâu trong tâm hồn mãi mãi, những hình ảnh làm nên lịch sử. Có những bước đi làm nên lịch sử. Cách đây một năm, ngày 26 tháng ba năm 2000 là ngày kết thúc cuộc hành hương Thánh địa của người kế vị thánh Phêrô, cuộc hành hương trở lại nguồn gốc đức tin và của Giáo hội. Cuộc hành hương kết thúc bằng Thánh lễ cử hành bên cạnh Mồ Thánh và bằng lễ nghi tôn kính Thánh Giá trên Ðồi Golgotha. Mồ Thánh và Ðồi Golgotha: hai tiếng nói lên việc dấn thân của cả cuộc đời, cho dù chỉ được viết ra hay đọc lên.

 Bài xã thuyết viết tiếp như sau: Mỗi bước trở lại Thánh địa của người kế vị thánh Phêrô - tức Ðức Gioan Phaolô II - đều được liên kết với một hình ảnh, hình ảnh lịch sử cụ thể, được tạo nên bởi một người, chứng nhân của Mầu nhiệm nhập thể và của cuộc Phục sinh của Chúa Giêsu. Hình ảnh của con người chứng nhân này chính là Phêrô vậy, Vị Tông đồ đã được Chúa Giêsu đặt làm Ðầu Giáo hội.

 Những bước đi của Phêrô tại Thánh địa đã gợi lên một biến cố mầu nhiệm, biến cố này làm thành tổng hợp, cốt yếu và ý nghĩa duy nhất của Ðại Toàn xá Năm 2000. Chính Ðức Gioan Phaolô II đã viết lên trong Tông thư bế mạc Năm Ðại Toàn xá "Khởi đầu ngàn năm mới" như sau: "Làm sao mà không nhắc đến cuộc hành hương riêng của tôi trong Năm Ðại Toàn xá trên các ngả đường của Thánh địa? Khó lòng diễn tả lại sự cảm động mà tôi đã cảm nghiệm trong lúc được kính viếng các nơi thánh của việc giáng sinh và của cuộc đời Chúa Giêsu".

 Tác giả bài xã thuyết quả quyết thêm như sau: Thực là những hỉnh ảnh không thể xóa nhòa được và cũng không thể làm hư hại bởi những cuồng phong của bạo động, đang gây đổ máu cho miền Ðất, một miền đất không thể tách lìa khỏi tĩnh từ "Thánh", vẫn luôn luôn được gọi là THÁNH ÐỊA. Trong những ngày Toàn xá cách đây một năm, tại miền Ðất này người ta thở bầu khí hòa bình, hy vọng: Hòa bình và Hy vọng của Chúa Kitô. Ngày nay sống lại những hình ảnh kia, một năm sau - như thể mới qua đi cách đây môät ngày thôi - nghĩa là "sống lại một kinh nghiệm thiêng liêng đặc biệt và mạnh mẽ, như thể một sự kéo dài Năm Toàn xá với lời kêu gọi tha thiết thúc đẩy: "Hãy trở về với Thiên Chúa" (metanoia), hãy thay đổi dứt khoát cuộc sống. Mỗi một hình ảnh tại đây thuật lại một lịch sử, đó là lịch sử cứu chuộc.

 Bài xã thuyết cũng đã nhắc lại tỉ mỉ chương trình về cuộc hành hương của ÐTC tại Thánh địa: Kìa Núi Nebo, nơi Thiên Chúa nói với Maisen. Kìa Sông Giordano, nơi Thánh Gioan làm phép rửa cho Chúa Giêsu. Thành Belem, nơi Chúa Cứu thế sinh ra trong cảnh khó nghèo - Rồi Núi Tám mối Phúc Thật và khu vực Carphanao, nơi Chúa rao giảng Tin Mừng và gọi các môn đệ theo Ngài. Tại đây Phêrô, nơi con người của Ðức Gioan Phaolô II, nhìn ngắm dòng nước xanh của Hồ Tiberiade, những chiếc thuyền của dân chài lưới. Cũng tại chính nơi đây Chúa truyền cho Phêrô: Duc in altum - Hãy chèo ra khơi. Phêrô, nơi con người của Ðức Gioan Phaolô II, trở lại Nhà Tiệc li, nơi Chúa lập Bí tích Thánh Thể và Chức Linh mục, để tiếp tục mãi mãi công việc cứu chuộc của Ngài để lại trong Giáo hội. Kìa Nagiaret, nơi Ngôi Lời nhập thể trong lòng cực sạch của Trinh Nữ Maria. Trở lại Giêrusalem, và kia là Vườn Cây Dầu, và từ đây tiến trên con Ðường đau khổ của Golgotha, nơi đây một Thập giá chờ đợi đón nhận những giờ phút sau cùng của Cuộc Tử nạn của Chúa Cứu Thế. Sau hơi thở cuối cùng: "Mọi sự đã hoàn tất. Con xin phó linh hồn trong tay Cha", Chúa Giêsu được an táng trong mồ đá, chờ ngày phục sinh trong vinh quang. Tất cả những bước đi, những hình ảnh này diễn lại Lịch sử Cứu chuộc và được toàn Giáo hội sống lại trong Năm Ðại Toàn xá với nhiều xúc động, do cuộc hành hương của Ðức Gioan Phaolô II tại Thánh địa.

 Ngoài các hình ảnh liên kết với lịch sử cứu chuộc, bài xã thuyết nhắc lại một số hình ảnh khác gây xúc động, không thể xóa nhòa khỏi lịch sử được. Hình ảnh lễ nghi kính nhớ các nạn nhân Do thái tại Lăng tẩm "Yad Vashem" ở Giêrusalem - Hình ảnh của cuộc gặp gỡ với đại diện Hồi giáo và Do thái giáo, trước cửa Ðền thờ Hồi giáo - Hình ảnh việc kính viếng Bức Tường Than khóc, nơi người Do thái đến cầu nguyện, nhớ lại Ðền thờ Giêrusalem xưa kia bị phá hủy. Tại đây Ðức Gioan Phaolô II đã nhét vào một lỗ của Bức tường bản kinh xin Chúa tha thứ cho tất cả những ai đã làm cho Dân của Lời Giao Ước bị khổ cực. Ngài đã rờ vào những viên đá của Bức tường và làm phép.

 Với cuộc hành hương Thánh địa trong Năm Ðại Toàn xá, ngoài việc nhắc lại cho toàn Giáo hội sống mỗi ngày mỗi đầy đủ ơn cứu chuộc, Ðức Gioan Phaolô II, Vị Kế nghiệp Phêrô, người đánh cá trên Hồ Tiberiade, còn muốn nhắc lai cho con cái Giáo hội, sau Năm Thánh, phải khởi sự từ Chúa Kitô và "Duc in altum": hãy can đảm tiến ra khơi, không một sợ hãi giông tố bão táp, nhưng với hy vọng và tín nhiệm hoàn toàn vào Chúa, luôn luôn hiện diện trên thuyền Giáo hội, vụ thả lưới sẽ thành công mỹ mãn.

 Và để nêu gương can đảm, tín nhiệm "Duc in altum" tiến ra khơi, đầu tháng 5/2001 tới đây, dù tuổi tác, yếu sức, đi lại khó khăn, ÐTC lên đường đi Atene, Damas và Malta, theo vết chân Thánh Phaolô, Tông đồ dân ngoại. Với cuộc hành hương sau cùng này trong chương trình kính viếng các nơi thánh, ngoài việc nêu gương, ÐTC muốn thúc đẩy con cái Giáo hội, theo vết chân Thánh Tông đồ, hãy hăng say trong công việc truyền giáo: "Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng". Việc rao giảng Tin Mừng trong Ngàn Năm thứ ba đặc biệt phải hướng về Á Châu, như ÐTC và các Nghị phụ đã nhấn mạnh trong Văn kiện Hậu-THÐGM về Á châu (tháng 4 năm 1998), nói về "Giáo hội tại Á Châu" (Ecclesia in Asia).
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page