Vatican - (CNS 30/03/2001) - Ở vào tuổi 80 và qua những năm tháng công du vòng quanh thế giới, ÐTC Gioan Phaolô II đang chuẩn bị cho một chuyến công du qua nhiều quốc gia trong vài tháng tới đây có thể đưa tới những ảnh hưởng lâu dài cho tiến trình đại kết của giáo hội công giáo.
Những chuyến viếng thăm tới các nước Hy Lạp, Syria, Ðảo Malta,Ukraine và Armenia trong vòng sáu tháng tới đây sẽ đưa Ðức Gioan Phaolô II tới những nơi mà chưa có vị giáo hoàng nào trong thời hiện đại đặt chân nơi và đều là những nơi cộng đoàn công giáo chỉ là một thiểu số. Ðối với các nhà quan sát , thì con đường mà ÐTC Gioan Phaolô II sắp sửa đi có đầy những trở ngại đại kết, đưa ngài đi sâu vào lịch sử của chính thống giáo, những nơi mà sự ly giáo hằng mấy thế kỷ qua giữa công giáo và chính thống giáo vẫn còn đậm nét và rất sống động. Theo linh mục John Long, dòng Tên và là người đã làm việc trong các chương trình đại kết tại Vatican nhiều năm qua, thì các chuyến viếng thăm sắp tới tại những nước có truyền thống theo chính thống giáo sẽ là một cuộc trắc nghiệm thực sự, một cuộc trắc nghiệm về đại kết.
Từ nhiều thập niên qua, các quốc gia nay được coi là nơi cấm vào cho các vị giáo hoàng của công giáo, một phần vì những căng thẳng giữa hai tôn giáo. Tuy nhiên lần này thì Ðức Gioan Phaolô II và các cộng sự viên của ngài đang gõ cửa các quốc gia đó mạnh hơn, có lẽ vì sự ý thức rằng các chuyến công du của Ðức Gioan Phaolô II không phải là vô giới hạn. Kết quả là Ðức Gioan Phaolô II sẽ đặt chân tới Hy Lạp và Ukraine mặc dù không có lời mời chính thức và rõ ràng từ phía các giáo hội chính thống tại những nước này. Ðối với một số nhà quan sát khác, thì vấn đề này sẽ đặt ra một vài nghi vấn về di sản lâu dài mà các chuyến viếng thăm sắp tới của ÐTC Gioan Phaolô II sẽ để lại. Linh mục John Long đã bày tỏ cảm nghĩ của cha như sau: "Tôi muốn nghĩ tới một kết quả tích cực nào đó nhưng thực sự tôi không thể tự thuyết phục tôi được về điều nầy. Tôi e ngại là sẽ có một số vấn đề thực là khó khăn phát sinh từ đây.
Tại Hy Lạp, nơi Ðức
Gioan Phaolô II sẽ viếng thăm từ
ngày 4~5 tháng 5/2001 để kỷ niệm
2000 năm dịp Thánh Phaolô Tông Ðồ
tới đây rao giảng cho dân thành
Athens, THÐGM chính thống giáo Hy Lạp
đã bỏ phiếu không chính thức
lên tiếng chống đối cuộc viếng
thăm của ÐTC tại Hy Lạp đồng
thời cũng nhấn mạnh đây
là một cuộc hành hương của
riêng cá nhân Ðức Gioan Phaolô
II. Nhưng điều này cũng không
khỏi làm cho nhiều giáo sĩ chính
thống cảm thấy bất an. Một liên
hiệp các tu sĩ chính thống bảo
thủ đã có những lời
không mấy đẹp đẽ để
mô tả vị giáo hoàng công giáo
và dự đoán là sẽ có
những cuộc biểu tình rầm rộ
để phản đối sự hiện
diện của Ðức Gioan Phaolô II tại
Hy Lạp. 97% dân Hy Lạp theo chính thống.
Tuy nhiên giữa lúc Hy Lạp đang
muốn đóng một vai trò tích
cực hơn trong Liên Hiệp Âu Châu
nên xã hội Hy Lạp ngày một trở
nên tục hóa hơn. Mặc dù chính
Ðức Gioan Phaolô II cũng đã
lên tiếng phê bình về tình
trạng tục hóa tại Âu Châu, nhưng
riêng tại Hy Lạp, ngài cũng vẫn
bị coi là một người đại
diện của một phương tây đang
trên đường sa sút.