Trung Quốc tăng cường thế lực
và ảnh hưởng tại Á Châu

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Trung Quốc tăng cường thế lực và ảnh hưởng tại Á Châu.

 Quí vị và các bạn thân mến,

 Tháng 11 năm ngoái (2000), chỉ vài ngày trước khi tổng thống Bill Clinton của Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam, chủ tịch nhà nước Trung Quốc, ông Giang Trạch Dân đã thực hiện một chuyến công du các nước Á Châu mà nhiều nhà phân tích quốc tế cho là một nỗ lực của Trung Quốc nhắm củng cố quan hệ giữa Trung Quốc với các nước trong vùng này. Trước hết ông Giang Trạch Dân viếng thăm Cambốt rồi đến Lào, và tiếp theo là vương quốc Brunei để gặp gỡ các nhà lãnh đạo Á Châu đến tham dự Diễn Ðàn Hợp Tác Kinh Tế Á Châu Thái Bình Dương. Sau ngày bế mạc diễn đàn này, chủ tịch Giang Trạch Dân đã nán lại Brunei theo một ngày để gặp gỡ quốc vương Bolkhiah và các nhà lãnh đạo của Brunei trong khi tổng thống Clinton lên đường đi thăm Việt Nam. Với chuyến công du các tiểu quốc Á Châu và đến gặp lãnh tụ các nước có nền kinh tế mạnh trong vùng, rõ ràng là Trung Quốc đang thực hiện một chiến dịch để thắt chặt quan hệ hữu nghị và củng cố ảnh hưởng của mình đồng thời điều này cũng mở màn một cuộc tranh đua của Trung Quốc với Hoa Kỳ để tăng cường ảnh hưởng của riêng mỗi nước trong vùng Á Châu-Thái Bình Dương. Mục Thời Sự Quốc Tế hôm nay xin gửi tới quí vị một vài phân tích về những nỗ lực mà Trung Quốc đã và đang thực hiện để đạt tới mục tiêu vừa nói.

 Trong vòng 3 năm vừa qua, nhiều nhân vật lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc, quân sự cũng như ngoại giao đã nhiều lần công du các nước Á Châu, dàn xếp các cuộc tranh chấp biên giới với Việt Nam, giải tỏa bớt những căng thẳng với Ấn Ðộ, cải thiện quan hệ ngày một hơn với các nước đồng minh thân cận nhất với Hoa Kỳ là Nam Hàn và Thái Lan, thắt chặt hơn quan hệ quân sự với các nước được coi là đồng minh với Trung Quốc như Myanmar, Cambốt và Lào. Xét về phương diện kinh tế-thương mại cũng như quân sự và luôn cả về mặt ngoại giao, Trung Quốc vẫn còn thua xa Hoa Kỳ. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, các nhà ngoại giao và chuyên gia về tình hình Á Châu, thì Trung Quốc đang đạt được những thành quả đáng kể tiến tới mục tiêu trở thành một thế lực hùng mạnh ở Á Châu. Tại Ðông Nam Á, được coi là chiến trường chủ yếu về mặt ngoại giao, Bắc Kinh đang thương lượng các hiệp ước hợp tác tương trợ với 8 quốc gia trong vòng hai năm vừa qua. Theo ông Carlyle Thayer, giáo sư Trung Tâm Á Châu Thái Bình chuyên về nghiên cứu an ninh, thì vị thế ngoại giao của Trung Quốc đang ở thời điểm mạnh nhất từ trước đến nay. Trong một buổi điều trần tại quốc hội Hoa Kỳ vào tháng 2 vừa qua (02/2001), giám đốc Cơ Quan Tình Báo Trung Ương Hoa Kỳ (CIA) là ông George Tenet cho rằng việc Trung Quốc tăng cường các quan hệ với các nước trong vùng để củng cố thế lực của mình là một trong những thách đố lớn nhất mà Hoa Kỳ đang phải đương đầu hiện giờ.

 Nhiều chuyên gia tin rằng, về lâu dài, với thế lực và ảnh hưởng được mở rộng, một nước Trung Quốc có trách nhiệm sẽ là yếu tố định đoạt tạo sự ổn định cho Á Châu. Tuy nhiên, người ta không thể chắc chắn là Trung Quốc sẽ xử dụng thế lực của mình với trách nhiệm, hay có thể là sẽ tiếp tục trên con đường trở thành một cường quốc của thế giới. Ông Andrew Nathan, một chuyên gia về Trung Quốc tại trường đại học Columbia bên Hoa Kỳ cho rằng, trong chính trường ngoại giao quốc tế, không một quốc gia nào muốn đứng dậm chân tại chỗ. Giữa một Trung Quốc tiếp tục đi lên và một Trung Quốc có thể bị suy sụp và co mình lại, thì vấn đề đối phó với một Trung Quốc ngày một hùng mạnh hơn phải cần được lưu ý tới nhiều hơn. Vấn đề nan giải đối với Hoa Kỳ nói riêng, và cả Á Châu nói chung, là làm thế nào để điều chỉnh quan hệ của mình với một Trung Quốc đầy tham vọng và có ảnh hưởng ngày một lớn mạnh trong vùng lãnh thổ mà từ lâu nay vẫn do Hoa Kỳ chế ngự và thường khi nắm cả quyền định đoạt các chính sách. Ðiều khó khăn hơn nữa là việc Trung Quốc luôn tin rằng Hoa Kỳ là mối trở ngại chính cản đường tiến của Trung Quốc để trở thành một cường quốc trên thế giới. Mối nghi ngờ này sẽ càng trở nên mạnh hơn nếu chính thể cộng hòa của tổng thống George Bush giữ lời hứa sẽ đối xử với Trung Quốc như là một đối thủ chiến lược, và tập trung vào việc củng cố quan hệ của Hoa Kỳ với Nhật Bản.

 Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục mở một mặt trận tấn công để gia tăng ảnh hưởng ngoại giao cũng như thế lực thương mại của mình trên khắp lục địa Á Châu, nơi có khoảng 100 ngàn binh sĩ Hoa Kỳ đang trú đóng tại các căn cứ quân sự. Theo ông Kavi Chongkttavorn, một chủ biên tờ Quốc Gia, một nhật báo tiếng Anh có ảnh hưởng rộng rãi, xuất bản tại Bangkok, Trung Quốc rất khôn khéo trong việc khai thác tâm thức bài Hoa Kỳ tại các nước Á Châu, cũng như sự bất mãn của nhiều người dân lục địa này cho rằng Hoa Kỳ hờ hững đối với các nước trong vùng. Quan điểm tiêu cực này của người dân Á Châu đối với Hoa Kỳ lại càng trở nên mạnh hơn sau cuộc khủng hoảng kinh tế dạo năm 1997-1998, vì họ cho rằng Hoa Kỳ đã bỏ rơi Á Châu khi Á Châu cần tới sự giúp đỡ của Hoa Kỳ nhiều nhất, nhưng rồi sau đó Hoa Kỳ trở lại Á Châu để khai thác tình trạng suy sụp kinh tế của các nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi cuộc khủng hoảng.

 Ngược lại, Trung Quốc được ca tụng nhiều và tô vẽ cho hình ảnh của mình được đẹp hơn qua quyết định không phá giá đồng Nhân Dân Tệ (Yuan currency), nhưng lại mau chóng trợ giúp kinh tế và tài chánh cho Thái Lan, là nước bị ảnh hưởng nặng nhất vì cuộc khủng hoảng tiền tệ. Tuy nhiên các phân tích không chỉ dừng lại ở đây mà thôi. Chắc chúng ta cũng không quên là cũng có nhiều chuyên gia cho rằng, để kiềm chế sự bành trướng và giấc mộng trở thành thế lực thống trị của Trung Quốc thì cần phải để cho nước này được hưng thịnh về mặt kinh tế, cái lợi nữa là việc mở rộng quan hệ kinh tế với quốc gia đông dân số đứng hàng thứ hai này sẽ mang lại những thu hoạch tài chánh khổng lồ cho các nước có giao tiếp thương mại với Trung Quốc. Có thể nói đây là chính sách mà cựu tổng thống Bill Clinton của Hoa Kỳ đã theo đuổi trong hai nhiệm kỳ tổng thống của ông. Nói như thế không có nghĩa là Trung Quốc muốn làm gì thì làm và mặc dù có củng cố ảnh hưởng và thế lực của mình đến mức nào, trong giai đoạn hiện nay các nước Á Châu khác cũng vẫn giữ một vài nghi kỵ đối với nước láng giềng khổng lồ của mình. Adam Ward, một chuyên gia phân tích về Á Châu thuộc Viện Quốc Tế về Nghiên Cứu Chiến Lược, trụ sở đặt tại Luân Ðôn, đã nói như sau: "Ðứng trước những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ có liên quan tới Trung Quốc, và khuynh hướng coi trọng tinh thần dân tộc, một vài quốc gia trong vùng Á Châu Thái Bình Dương vẫn còn nghi kỵ và luôn quan tâm tới viễn ảnh một nước Trung Quốc hùng mạnh và đầy thế lực sẽ ảnh hưởng thế nào tới an ninh trong vùng". Thật vậy, các nước trong khối ASEAN vẫn quan niệm là không một quốc gia nào có thể thay thế vai trò của Hoa Kỳ trong công tác duy trì sự ổn định trong vùng Á Châu - Thái Bình Dương. Mặc dù các nước này không muốn bị dùng như con cờ như trong thời chiến tranh lạnh, nhưng họ cũng không muốn Hoa Kỳ rút chân ra khỏi Á Châu. Ngược lại, Trung Quốc lớn mạnh bao nhiêu thì Hoa Kỳ lại càng phải giữ chân của nước này tại Á Châu bấy nhiêu. Ðiều quan trọng Hoa Kỳ nên làm trong lúc này là củng cố lại quan hệ ngày một yếu đi của mình với các nước Á Châu.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page