Nhận xét của ký giả Egor Man
về chuyến thăm của ÐTC tại Israel
sau một năm

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Nhận xét của ký giả Egor Man về chuyến thăm của ÐTC tại Israel sau một năm.

 Giêrusalem - 21.3.2001 - Tiến sĩ Egor Man, một ký giả lão thành biết rõ tình hình Do thái và miền Trung Ðông, nhân dịp kỷ niệm một năm cuộc hành hương Thánh địa của Ðức Gioan Phaolô II, thuật lại trên nhật báo "Tương Lai" (Avvenire), số phát hành ngày 21.3.2001, một số nhận xét của ông như sau:

 "Cách đây tháng rưỡi trở lại Giêrusalem, tôi thấy bộ mặt hấp dẫn không có gì thay đổi; nhưng đi lại trên các phố xá, đâu đâu tôi cũng ngửi thấy sực mùi "thù ghét ".

 Ký giả giải thích những bạo động và căng thẳng hiện nay giữa Do thái và Palestine như sau: "Một đàng Israel như một xứ sở lạc lõng, đang đi tìm" căn cước riêng của mình. Ngay tiếng nói của dân Do thái đang trở thành một vấn đề nan giải. Tại Do thái có 29 tờ báo tiếng Nga; nhiều nhà trí thức lại nói tiếng Anh. Sự sợ hãi làm cho họ trở nên xấu tính. Tuyên truyền của đối phương càng gây nên nhiều lo lắng. Dân Palestine tin rằng người Do thái chủ trương xóa bỏ và bắt họ làm nô lệ. Trái lại người Do thái nghĩ rằng dân Palestine muốn sát hại họ và ném xác xuống biển".

 Egor Man viết thêm: "Nhưng nghĩ lại chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II, tuy nhiều người đã quên đi, vẫn hứa hẹn một hy vọng hòa bình, không phải hòa bình của việc chấm dứt bạo động, thù địch giữa hai dân tộc trong thời gian, nhưng hòa bình đích thực và lâu bền, dựa trên đối thoại thành thực, trên tôn trọng quyền lợi của nhau. Ðây là chính ý nghĩa sâu xa của chuyến viếng thăm của ÐTC và của việc nhớ lại biến cố lịch sử này. Cử chỉ và đặc sủng của ngài đã tạo nên một bầu khí mới chưa từng có tại Thánh địa".

 Ông còn cho biết thêm như sau: Theo cuộc thăm dò dân ý, thì hiện nay có tới 73% dân Do thái ước muốn và khao khát hòa bình.

 Ký giả Egor Man kết thúc: "Tôi cũng xin nhắc lại là do nguồn tin của người bạn rất đáng tin cậy, thì hằng ngày trên ghế quì của ÐTC trong nhà nguyện vẫn có những ý chỉ cầu nguyện, đến từ nhiều nơi trên thế giới, cả từ Do thái nữa. Người dân, cả những người ngoài công giáo, xin ngài cầu nguyện cho hòa bình, vì họ tin rằng: ngài là một người của hòa bình. Tôi nghĩ rằng: lời cầu nguyện tha thiết của ngài sẽ đáp lại hy vọng chính đáng của hai dân tộc Do thái và Palestine".
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page