Cuộc phỏng vấn Ðại sứ Do Thái
dành cho nhật báo Avvenire
nhân dịp kỷ niệm một năm
chuyến viếng thăm của ÐTC tại Thánh địa
(20~27/03/2000-2001)

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Cuộc phỏng vấn Ðại sứ Do Thái dành cho nhật báo Avvenire nhân dịp kỷ niệm một năm chuyến viếng thăm của ÐTC tại Thánh địa (20~27/03/2000-2001).

 Nhân dịp kỷ niệm một năm chuyến viếng thăm của ÐTC tại Thánh địa (20~27/03/2000-2001), Ðại sứ Do thái cạnh Tòa Thánh, ông Yosef Lamdan, dành cho nhật báo công giáo Ý "Tương Lai", số ra ngày 21/03/2001, một cuộc phỏng vấn về những cảm tưởng và nhận xét của Ông. Ông nhắc lại những lời ÐTC đã nói với Ông ngày 18 tháng 9 năm 2000, trong lễ nghi trình thư ủy nhiệm làm Ðại Sứ cạnh Tòa Thánh. Sau đây là nguyên văn của bài phỏng vấn này.

 Hỏi - Kính thưa Ðại sứ, cách đây một năm Ðức Gioan Phaolô II đã thực hiện một cuộc hành hương trong Năm Toàn xá tại Israel. Vậy Ðại sứ nhớ cách đặc biệt những gì về chuyến viếng thăm này?

 Ðáp - Tôi nhớ lại sự xúc động. Tôi nhớ lại tôi đã bị xúc động sâu xa về "đặc sủng" của ÐTC, do bởi uy tín của một vị lãnh đạo tinh thần mỗi ngày mỗi được thể hiện thêm mãi, không những trong lời nói, nhưng nhất là trong các cử chỉ của ngài, trong các sự không nói ra. Lời ngài nói với tôi ngày 18 tháng 9 năm ngoái (2000) gây xúc động nhiều cho tôi. Ngài nói: Tính cách ưu tiên của chuyến viếng thăm là tính cách tôn giáo: đây là chuyến viếng thăm ngài ước mong từ lâu. Xét về khía cạnh này chuyến viếng thăm tại Thánh địa đã và sẽ được chúng tôi ghi nhớ mãi.

 Hỏi - Chuyến viếng thăm này đã có những điểm biểu hiệu được đề cao: chúng ta nhớ lại chuyến viếng thăm Lăng tẩm Yad Yashem (tưởng niệm các nạn nhân của cuộc diệt chủng), thánh lễ với sự tham dự của hàng ngàn thanh niên trên Núi Tám Mối Phúc Thật tại Korazim, hoặc việc dừng lại cầu nguyện bên Bức Tường phía Tây Thành Giêrusalem, với cử chỉ đặt vào trong bức tường đá này một bản kinh do chính ngài viết ra. Thử hỏi: Tất cả những hành động này đã gây nên cái gì nơi dư luận quần chúng Do thái và cái gì vẫn còn lại?

 Ðáp - Tát cả các công việc này đã gây nên trong xã hội chúng tôi, cách riêng nơi giới trẻ, một ấn tượng sâu xa, nhiều thanh niên đã khám phá khuôn mặt và những nơi thánh của Kitô Giáo tại chính Quê hương của họ và, nói chung, như thể là ÐTC đã mở rộng trước con mắt của họ một thế giới mới và một thế giới bạn hữu, một thái độ đã không được biết đến trong những khía cạnh về cởi mởi, về hiểu biết nhau, về lòng nhân hậu đối với chúng tôi và với lịch sử chúng tôi. Nói tóm lại: đây là việc khám phá bất ngờ về một chiều kích thiêng liêng, nó sẽ ghi sâu vào tâm trí. Nhớ lại là một việc quan trọng, nhưng không đủ, cần phải theo đuổi tiến lên trên con đường này.

 Hỏi - Vậy theo đuổi theo chiều hướng nào?

 Ðáp - Trong chiều hướng của việc đối thoại giữa các tín hữu Kitô và Do thái. Cuộc đối thoại này hiện nay biết rõ các giai đoạn, các chặng kế tiếp. Nói cách đơn giản hơn, chúng ta có thể nói: chặng đầu tiên là chuyến viếng thăm của ÐTC tại nguyện đường Do thái ở Roma năm 1986; chặng thứ hai là cuộc hành hương tại Israel; chặng thứ ba và các chặng tiếp theo phải đánh dấu các giai đoạn của sự cộng tác mỗi ngày mỗi thêm mãi trên con đường của việc hiểu biết nhau... Các bước tiến này thật đáng khích lệ, nhưng chưa đủ.

 Hỏi - Nói cách cụ thể, vậy có thể làm những gì?

 Ðáp - Thí dụ nhằm đến việc thiết lập các trung tâm nghiên cứu chung, chuyên lo nghiên cứu về nguồn gốc và sự phát triển của các nền văn hóa Do thái và Kitô. Các đề tài thực nhiều và cũng đòi nhiều dấn thân, bắt đầu từ lịch sử nói chung đến ngôn ngữ, từ triết học đến thần học, từ khoa giáo phụ đến các hình thức tân thời của Do thái giáo. Hiện nay đã có một cái gì đó đang thực hiện tại Giêrusalem, để nghiên cứu về Kitô giáo. Tôi hy vọng trong thời gian gần đây cũng có thể thực hiện tại Roma này trong một Học viện nghiên cứu về Do thái giáo. Tôi ước mong rằng công việc này sẽ được sự ủng hộ rộng rãi của phía công giáo. Về dự án này tôi đã thấy có những dấu hiệu tích cực.

 Hỏi - Câu hỏi sau cùng. Xin Ðại sứ cho biết về sự cộng tác quốc tế giữa Tòa Thánh và Do thái như thế nào?

 Ðáp - Cùng với việc thiết lập Quỹ Gioan Phaolô II cho miền Sahel, (chống hạn hán) do Hội đồng Tòa Thánh "Cor Unum" đảm nhiệm, chúng tôi đã khởi sự một dự án về chống tàn phá rừng cây, bằng cách cử các chuyên viên hảo hạng của chúng tôi cộng tác. Tôi tin rằng cùng nhau hoạt động cho những mục tiêu nhân đạo có thể đem đến những ảnh hưởng tốt đẹp trong các lãnh vực khác nữa. Chúng ta biết cuộc đối thoại giữa chúng ta không dễ dàng, nhưng không đón nhận thách đố rất lớn lao và tốt đẹp này, cũng sẽ đem lại những hậu quả tai hại.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page