Kỷ niệm một năm
cuộc hành hương lịch sử của ÐTC
tại Thánh địa. (03/2000- 03/2001)

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Kỷ niệm một năm cuộc hành hương lịch sử của ÐTC tại Thánh địa. (tháng 3 năm 2000-tháng 3 năm 2001).

 Ngày 20.3.2000, cách đây đúng một năm, sau cuộc hành hương trên Núi Sinai, nơi Chúa mạc khải cho Môisen và ban truyền Thập Giới, Ðức Gioan Phaolô II lên đường viếng thăm Thánh địa. Ðây là cuộc hành hương được mong ước từ lúc ngài được bầu lên làm Giáo Hoàng, kế nghiệp Thánh Phêrô, Vị Giáo Hoàng tiên khởi đến từ Galilea. Ðức Gioan Phaolô II là vị Giáo Hoàng thứ hai hành hương Thánh địa. Trước ngài, đầu tháng giêng năm 1964, ÐTC Phaolô VI đã đến đây, nhưng chuyến viếng thăm của ngài lúc đó giới hạn hơn nhiều, giới hạn về các nơi thánh được kính viếng cũng như giới hạn về thì giờ. Tình hình lúc đó khác hẳn tình hình hiện nay tại Thánh địa.

 Cuộc hành hương của Ðức Gioan Phaolô II kéo dài một tuần lễ, từ ngày 20 đến ngày 27 tháng 3 Năm Thánh 2000. Trong chuyến viếng thăm đó, ngài đã kính viếng trước hết Vương quốc Jordanie. Tại đây, ÐTC kính viếng Núi Nebo, nơi Chúa cho Môisen thấy Ðất hứa trước khi chết, cử hành Thánh lễ tại Sân vận động Thành phố Amman cho cộng đồng công giáo tại Jordanie và kính viếng sông Giordano, nơi Chúa lãnh phép rửa của Gioan Tiền hô. Sau Jordanie, ÐTC lên đường đi Israel. Tại đây ÐTC kính viếng hầu hết các nơi thánh ghi lại cuộc đời của Chúa Giêsu: Belem, Nagiaret, Núi Tám mối Phúc Thật, Hồ Tiberiade, Nhà của Thánh Phêrô, nhưng nhất là Giêrusalem, nơi diễn ra Cuộc Tử Nạn của Chúa Cứu Thế: Nhà Tiệc ly, nơi Chúa ăn bữa sau cùng với các môn đệ, lập Bí tích Thánh Thể và Chức Linh mục, Vườn Cây Dầu, Ðồi Calvario và Mồ Thánh.

 Cuộc hành hương của ÐTC đã để lại biết bao cử chỉ, gương sáng và sứ điệp thiêng liêng cho Giáo hội và cả thế giới nữa. Lúc đó, viễn tượng hòa bình xem ra gần kề và ngài đến như để nâng đỡ và khuyến khích tiến những bước sau cùng. Nhưng, sau sáu tháng, những căng thẳng lại bùng nổ giữa hai bên Palestine và Do thái. Viễn tượng hòa bình trở nên xa xôi. Dù sao, chìa khóa để giải quyết vấn đề phức tạp và gay go tại Trung Ðông vẫn là những chỉ dẫn do ÐTC đã nêu lên trong rất nhiều diễn văn, nhất là trong những diễn văn mạnh mẽ trong tuần vừa qua: "Hòa bình phải phát xuất bởi sự công bằng, nhưng hòa bình sẽ không bền bỉ, nếu không dựa trên nền tảng của đối thoại, trên sự vượt qua những thành kiến, trên việc tôn trọng nhau trong sự công nhận các quyền bất khả xâm phạm của mỗi người, của mỗi quốc gia, của mỗi dân tộc, trên việc cộng tác trong sự hiểu biết các đau khổ của nhau". Hòa bình tại Thánh địa nói riêng và tại miền Trung Ðông nói chung là một mối quan tâm liên lỉ của ÐTC.

 Ngay từ lúc đặt chân lên thủ đô Amman của Vương quốc Jordanie chiều ngày 20 tháng 3, năm 2000, chặng thứ nhất của cuộc hành hương, ngài nói: "Dù biết bao khó khăn kéo dài, tiến trình hòa bình phải được tiếp tục; không có hòa bình, sẽ không có việc phát triển đích thực cho miền này, cũng không có một dời sống tốt đẹp hơn cho dân tộc tại đây và cũng không có tương lai hứa hẹn hơn cho con cái và các thế hệ sau này".

 ÐTC còn khai triển đề tài hòa bình trong nhiều dịp khác, nhất là lúc đến phi trường quốc tế Tel Aviv của Israel chiều ngày 21 tháng 3/2000, trong diễn văn đáp từ Tổng Thống Dó thái, lúc đó là ông Ezer Weizman. Rồi cả lúc ngài đến viếng thăm xã giao Tổng thống ở Giêrusalem, thứ năm 23 tháng 3/2000 và trong buổi gặp gỡ Chủ tịch Palestine, ông Yasser Arafat, ngày 22 tháng 3/2000 tại Belem.

 Ðề tài hòa bình được tiếp tục nhắc đến cả trong những cuộc gặp gỡ có tính cách tôn giáo: trong cuộc gặp gỡ với các Rabbin Do thái và nhất là trong cuộc gặp gỡ liên tôn chiều thứ năm 23 tháng 3/2000 tại Trung Tâm Giáo Hoàng "Notre-Dame of Jerusalem", với Vị Giáo trưởng Do thái, Meir Lau và Vị Thẩm phán Tòa án Hồi giáo, ông Taysir Al Tamimi. Trong diễn văn đọc trươc các đại diện Do thái giáo và Hồi giáo, ÐTC nói: "Trong lúc múc kín những kho tàng phong phú của mỗi tôn giáo, chúng ta phải phổ biến ý thức này là các vấn đề ngày nay không thể giải quyết được, nếu chúng ta không tìm cách nhận biết nhau và nếu chúng ta vẫn cô lập người này khỏi người khác. Chúng ta phải làm hết sức có thể, để biến đổi việc nhận biết những xúc phạm và những tội lỗi trong quá khứ thành một sự quyết định chắc chắn xây dựng một tương lai, trong đó sẽ chỉ có sự công tác hiệu nghiệm và tôn trọng giữa chúng ta".

 Chuyến viếng thăm tưởng niệm "các nạn nhân Do thái của cuộc diệt chủng" và việc kính viếng Bức Tường Than khóc ở Giêrusalem, nay trở nên những biến cố lịch sử mang ý nghĩa rất sâu xa. Ðây là những cử chỉ thành thực, đầy xúc động. ÐTC lại gần Bức Tường của Ðền thờ Giêrusalem bị phá hủy, cầu nguyện trong yên lặng, rồi để lại trong một lỗ của Bức Tường bản kinh cầu nguyện dâng lên "Thiên Chúa là Cha của các Tổ phụ chúng con". Cử chỉ này sẽ ghi lại lâu dài trong tâm trí của những ai đã được chứng kiến tại chỗ, và của những ai đã thấy qua các đài truyền hình. Hình ảnh cảm động này sẽ để lại dấu vết sâu xa, nhất là trong tâm hồn dân Do thái, vì nó nói lên việc vượt qua dĩ vãng, một bước quặt lịch sủ về hòa giải, mà biết bao diễn văn, biết bao cuộc gặp gỡ giữa người Do thái và tín hữu Kitô đã không đem lại thành quả trước dư luận quần chúng.

 Những biến cố trên đây không cho phép chúng ta quên rằng: cuộc hành hương năm 2000 của ÐTC tại Thánh địa là một cuộc hành hương thiêng liêng, trên các chặng đường của lịch sử cứu rỗi. Những buổi cầu nguyện trên bờ sông Giordano, thánh lễ tại Belem, tại Nagiaret và trong Ðền thờ Mồ Thánh, nhất là trong Nhà Tiệc ly, nhớ lại việc lập Bí tích Thánh Thể và Chức Linh mục, việc Chúa Thánh Thần hiện xuống và cũng là nơi "khai sinh" của Giáo hội, nơi từ trước tới giờ chưa có một Vị Giáo Hoàng nào đã viếng thăm.

 Ðây cũng là một cuộc hành hương có tính cách Giáo hội. Các tín hữu thuộc mọi lễ nghi khác nhau tại Thánh địa ngày nay vẫn cảm thấy như vậy. Ðây là cuộc hành hương ÐTC, trong tư cách là Vị Chủ chăn toàn Giáo hội, thực hiện trong Năm Thánh kỷ niệm 2000 năm Cứu chuộc. Ðây cũng là cuộc hành hương đại kết, vì cuộc hành hương này đã để lại một dấu vết sâu đặm và là một thúc đẩy tiến đến sự hiệp nhất các Giáo hội: chính thống, tin lành và Công giáo Ðông phương. Tất cả các tín hữu Kitô tại Thánh địa có mặt trong thánh lễ cử hành chiều ngày 24 tháng 3/2000 cho giới trẻ bên sườn Núi Tám Mối phúc thật, với sự hiện diện của khoảng 100 ngàn thanh niên nam nữ, trong số này có hơn một nửa đến từ 85 quốc gia khác nhau, do sự huy động của Phong trào Tân chầu nhưng. Một biến cố chưa bao giờ thấy tại Thánh địa. Một biến cố đem lại hy vọng cho miền đất, từ bao năm sống trong đau khổ, trong tranh chấp.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page