Thư Mục Vụ Mùa Chay 2003
Của Ðức Cha Phaolô Bùi Văn Ðọc
Giáo Phận Mỹ Tho
Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
Kính gởi: Quý cha,
Quý nam nữ tu sĩ chủng sinh
và toàn thể anh chị em giáo dân.
Anh chị em thân mến,
Mùa chay lại trở về trong Giáo Hội của chúng ta. Theo một truyền thống xa xưa và vô cùng quý báu của Giáo Hội, mọi người Kitô hữu cố gắng thực hành nhiều hơn ba việc cụ thể là ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Cả ba công việc ấy đều có một ý nghĩa vừa to lớn, vừa thực tế đối với đời sống đạo.
Cứ theo sự thường, vào mùa chay, các xứ đạo sinh hoạt sốt sắng hơn, các gia đình công giáo, các cá nhân cũng cố gắng nhiều hơn. Và đặc biệt là các dòng tu, nhất là các đan viện hay dòng kín đều coi mùa chay là một thời gian cần phải hy sinh cách đặc biệt để chuẩn bị tâm hồn thông phần mầu nhiệm Tử Nạn Phục Sinh của Chúa Giêsu.
Ðể mùa chay mang lại nhiều lợi ích thiêng liêng cho đời sống đạo, và để chuẩn bị thật tốt ba ngày cao điểm là Tam Nhật Thánh, mà Chóp Ðỉnh là Lễ Phục Sinh, chúng ta vẫn giữ những sinh hoạt đó.
Nhưng mùa chay năm nay, tôi đặc biệt mời gọi tất cả anh chị em cùng tôi suy nghĩ và chia sẻ chủ đề mùa chay của Ðức Thánh Cha: "Cho thì có phúc hơn là nhận" (Cv 20, 35). Ðó là lời dạy của Chúa Giêsu mà Thánh Phaolô gìn giữ và truyền đạt lại cho Giáo Hội. Chúng ta hãy suy niệm và cố gắng đưa ra thực hành.
Giáo phận của chúng ta là một giáo phận nghèo, có thể gọi là giáo phận vùng Ðồng Tháp Mười, vì ngoài tỉnh Tiền Giang, còn có trọn tỉnh Long An, mà phần lớn diện tích là Ðồng Tháp Mười ngày xưa, hai phần ba tỉnh Ðồng Tháp cũng là Ðồng Tháp Mười. Ngoại trừ vùng Cù Lao Tây thuộc Ðồng Tháp, các giáo xứ ở rải rác và xa nhau. Giáo dân rất nghèo, và ở một vài nơi, người có đạo còn nghèo hơn những người lương dân.
Phần lớn giáo phận chúng ta là vùng nước nổi, hằng năm đều có lũ lụt, tuy nó mang lại đất phù sa cho mùa màng, nhưng cũng làm thiệt hại khá nhiều về sinh mạng cũng như về vật chất. Nhiều người trong chúng ta có kinh nghiệm về thiếu thốn và nghèo đói. Nhưng mọi người đều lạc quan và vươn lên, chứ không phàn nàn than trách.
Có một điều có lẽ chúng ta chưa làm trọn, chưa thực thi đầy đủ giới răn bác ái yêu thương. Ðó là chúng ta ít biết chia sẻ cho những người nghèo hơn, ít lưu tâm đến đau khổ của người khác. Nhiều người trong chúng ta chưa có thói quen cho ai một điều gì. Nhiều người chưa cảm nghiệm được câu nói của Chúa Giêsu cho thì có phúc hơn là nhận. Có người chỉ muốn nhận, chỉ muốn xin, và vui vẻ hớn hở khi nhận được sự giúp đỡ hay tiền của người khác cho mình, nhưng chưa bao giờ nghĩ đến việc giúp đỡ cho người khác, hoặc góp một phần nhỏ bé vào công việc chung của địa phương hay của giáo xứ cũng như của giáo phận.
Dĩ nhiên đa số chúng ta là những người nghèo, và đồng tiền nối liền khúc ruột; cho một đồng tiền giống như cắt đi một khúc ruột. Cũng có những người khá giả hơn, tiêu xài mua sắm rất nhiều cho mình, nhưng không cho người khác được một đồng. Nhiều giáo dân quen đi nhà thờ, nhưng không quen làm việc bác ái.
Giới luật bác ái không dừng lại ở tư tưởng, tình cảm hay lời nói suông, mà đòi hỏi chúng ta phải hành động.
Bác ái phải là một hành vi bất vụ lợi. Chúng ta giúp đỡ, chia sẻ lương thực, của cải cho những người nghèo hơn chúng ta, những người không có khả năng trả lại cho chúng ta. Trong đoạn Phúc Âm nói về cuộc phán xét chung, Chúa Giêsu tự đồng hoá mình với người nghèo đói, rách rưới, tù tội để thúc giục chúng ta thực hành bác ái: "Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han." (Mt 25,35-3).
Chúa Giêsu phán xét chúng ta chỉ dựa vào một tiêu chuẩn duy nhất là các hành vi bác ái mà chúng ta làm khi còn sống ở đời này. Chỉ có những những hành vi bác ái mới cho thấy rõ Ðạo Chúa là Ðạo Yêu Thương: "Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu". (1 Ga 4, 8)
Năm nay Giáo Hội Việt Nam dành cho việc thánh hoá gia đình, vậy trước hết anh chị em hãy dạy cho con cái biết thi hành bác ái, biết yêu thương và chia sẻ với những người nghèo, biết cho đi, chia sẻ miếng bánh, cây kẹo với các bạn nghèo hơn mình. Ðừng bao giờ la mắng con cái, khi thấy con chia miếng bánh cho một đứa trẻ khác. Khi dẫn con đi đường và gặp người hành khất, hãy đưa cho con đồng tiền, tập cho con dâng cho kẻ nghèo khổ.
Nếu khám phá ra gia đình nào, vì quá nghèo đói túng quẩn, mà có nguy cơ tan rã, con cái nheo nhóc, vợ chồng lục đục, anh chị em hãy giúp đỡ cho họ đôi chút, để góp phần củng cố gia đình họ. Nếu thấy gia đình nào quá nghèo mà anh chị em không giúp được, hãy trình lên cha sở. Thấy gia đình nào gặp hoạn nạn, hãy giúp đỡ và gọi hàng xóm láng giềng đến trợ giúp.
Tôi rất ước mong các linh mục và tu sĩ trong các xứ đạo hãy tích cực tập cho giáo dân làm việc bác ái. Linh mục hãy nhớ mình là thầy dạy yêu thương. Linh mục dạy cho mọi hạng người trong giáo xứ bài học yêu thương, không những bằng lời nói, mà còn bằng hành động. Một giáo phận trong đó có nhiều linh mục, tu sĩ , giáo dân làm gương bác ái chia sẻ cho người nghèo là hình ảnh của Thiên Ðàng như Lời Chúa trong đoạn phán xét cánh chung: "Bấy giờ Ðức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: "Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa" (Mt 25,34-34).
Sau cùng, tôi xin kính chào các cha, các nam nữ tu sĩ, chủng sinh và toàn thể anh chị em giáo dân, kính chúc anh chị em một mùa chay đạo đức thánh thiện, một mùa chay dệt bằng chất yêu thương, và xin anh chị đừng quên cầu nguyện cho hoà bình thế giới. Những việc lành nho nhỏ của anh chị em trong mùa chay sẽ là những hy lễ thiêng liêng dâng lên Thiên Chúa để Người ban bình an cho mọi người, đặc biệt là những người dân Irak vô tội phải gánh chịu những hậu quả đau thương của các xung đột chính trị thật hãi hùng.
Mỹ Tho, ngày 24 tháng 02 năm 2003
Giám Mục Giáo Phận
Phaolô Bùi Văn Ðọc