Tam Nhật

Cung Nghinh Tượng Ðức Mẹ La Vang

 

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

  VĂN PHÒNG PHỐI KẾT TÔNG ÐỒ MỤC VỤ VIỆT NAM HẢI NGOẠI

Coordinating Office of the Apostolate for the Vietnamese in Diaspora

Office Coordinateur de l'Apostolat pour les Vietnamiens de la Diaspora

Via Urbano VIII, 16  -  00165 ROMA

Tel. 06.698.82484 - Fax 06.698.82864 - E-mail: CIAM@PCN.NET  


 

Tam Nhật Cung Nghinh Tượng Ðức Mẹ La Vang

 

Lời mở đầu

 

Ngày 6 tháng 2 năm 2002, tại Ðại thính đường Phaolô VI (Vatican), trong buổi triều yết hàng tuần, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô VI đã làm phép 6 Tượng Ðức Mẹ La Vang cho Cộng Ðồng Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại rước về các Châu lục và các cộng đoàn trong năm chuẩn bị cuộc Hội Ngộ Niềm tin vào tháng 7 năm 2003 tại Rôma.

Ngày 30 tháng 6 năm 2002 tại Orange County, California, USA, các tượng nnày sẽ được trao cho đại diện các Châu Lục để rước về Châu của mình và sau đó sẽ luân phiên rước Tượng Ðức Mẹ La Vang trong các cộng đoàn.

Cuộc rước tượng Ðức Mẹ La Vang nhằm mục đích:

Tăng thêm lòng sùng kính Mẹ Maria.

Xin Mẹ trợ giúp Cộng Ðồng Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại sống đức tin sâu xa và chân thực trong hoàn cảnh cụ thể của mình, đặc biệt phát huy tinh thần hiệp nhất trong các gia đình, các cộng đoàn, các hội đoàn và phong trào công giáo tiến hành và tăng thêm tình thương yêu đối với những người đau khổ phần hồn, phần xác trong cộng đoàn và trong môi trường làm việc, không phân biệt chủng tộc hay tôn giáo.

Chuẩn bị mọi người hướng về Tuần Hội Ngộ Niềm Tin ở Rôma vào tháng 07 năm 2003.

Ðể giúp các cộng đoàn tổ chức cuộc ruớc Tượng Ðức Mẹ La Vang một cách sốt sắng và mang nhiều ích lợi, Tiểu ban Phụng Vụ xin đề nghị một chương trình có thể dùng trong dịp cung nghinh Tượng Ðức Mẹ La Vang. Tùy hoàn cảnh có thể thêm hoặc bỏ các chi tiết cho hợp với mỗi địa phương.

 

Ngày Thứ Nhất

Ðón Tượng Ðức Mẹ Về Cộng Ðoàn

 

Cuộc cung nghinh được cử hành tại khuôn viên ngoài nhà thờ, hoặc một nơì nào gần nhất, thuận tiện để lễ nghi diễn tiến một cách nghiêm trang sốt sắng và dân chúng có thể tham dự cách dễ dàng.

 

1. Mở đầu

Hát một bài kính Ðức Mẹ.

Khi giáo dân đã tập họp tại địa điểm đón rước Tượng Ðức Mẹ, linh mục (mặc áo dòng trắng, với dây stola trắng và áo choàng (cappa) nếu có, hoặc áo lễ, nếu sau đó cử hành thánh lễ,  nói qua về ý nghĩa việc cung nghinh Tượng Ðức Mẹ La vang trong cộng đoàn. Ngài mời gọi mọi người cùng nhau sốt sắng tham dự ba ngày tôn kính Ðức Mẹ. Sau đó ngài nói sơ về bức tượng, chương trình thánh du chuẩn bị Tuần Hội Ngộ Niềm Tin tai Rôma vào năm 2003.

Mọi nguời thinh lặng cầu nguyện.

Sau đó linh mục đọc lời nguyện say đây:

 

Lạy Chúa, Chúa đã đặt Ðấng sinh ra Con Chúa,

làm Mẹ và làm Nữ Vương chúng con,

Xin đoái thương chúng con,

nhờ sự bầu cử của Mẹ,

chúng con được hưởng vinh quang dành cho con cái Chúa

trong Nước Trời.

Chúng con cầu xin, nhờ Ðức Kitô Chúa chúng con.

Ðáp: Amen.

 

(hoặc đọc Lời nguyện trong Sách Các giờ Kinh Phụng Vụ, tuần IV, thứ bảy, Kinh sáng, lời nguyện).

Tiếp theo linh mục bỏ hương và xông hương Tượng Ðức Mẹ. Có thể cho các em bé dâng hoa cách vắn tắt để kính chào Ðức Mẹ tới viếng thăm Cộng đoàn.

 

2. Rước Tượng Ðức Mẹ tới nhà thờ

Sau khi xông hương, linh mục mời mọi người tham dự cuộc rước kiệu Tượng Ðức Mẹ tới nhà thờ. Ði đầu là bình hương, Thánh Giá, với hai nến chầu. Tiếp theo là đoàn thể giáo dân, sau đó tới các tu sĩ, các thừa tác viên, linh mục chủ sự kiệu và Tượng Ðức Mẹ La Vang.

Trong khi đi kiệu, tất cả cùng hát những bài kính Ðức Mẹ, hoặc lần chuỗi mân côi, hoặc đọc Kinh cầu Ðức Mẹ. Giữa các bài hát, kinh đọc phải để thinh lặng một vài phút để cầu nguyện riêng và suy niệm.

 

3. Tại nhà thờ

Khi tới nhà thờ, linh mục đặt Tượng Ðức Mẹ vào tòa đã dọn sẵn ở một nơi xứng đáng gần cung thánh. Nên lưu ý làm sao để đừng che khuất bàn thờ, hoặc vị chủ sự cử hành Thánh Lễ hay  tòa công bố Lời Chúa, làm sao để giáo dân có thể dễ dàng tham dự Thánh Lễ sắp cử hành. Hoa nến cũng phải đơn sơ vừa phải. Chú ý vẫn luôn hướng tới hy tế Thánh Thể sắp được cử hành. Các bài hát trong Thánh Lễ cũng được chọn cho hợp với Thánh Lễ cử hành và các phần của Thánh Lễ.

Khi đặt tượng Ðức Mẹ xong, linh mục lên hôn kính bàn thờ, bỏ hương và xông hương bàn thờ, Thánh Giá và tượng Ðức Mẹ, rồi xướng kinh Vinh danh Thiên Chúa, trừ Mùa Vọng và Mùa Chay. Sau kinh Vinh danh Thiên Chúa, linh mục đọc lời nguyện nhập lễ theo ngày, hoặc một lễ kính Ðức Mẹ, nếu là ngày tự do. Thánh lễ được cử hành như thường lệ. Sau bài Phúc âm, linh mục giải thích Lời Chúa vừa được đọc lên và nói lên vai trò của Ðức Mẹ trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa, là người cộng tác rất đặc biệt và gần gũi với Ðấng Cứu thế,

Sau bài giảng là lời nguyện giáo dân hay lời nguyện chung. Lời nguyện cần được dọn trước và không bao giờ được thiếu ý chỉ cầu cho Hội thánh, cho nhu cầu chung của nhân loại và cho những người đang gặp thử thách gian nan. Mỗi ý chỉ ngắn gọn và không dài dòng.

 

4. Sau Thánh Lễ

Sau khi ban phép lành, linh mục đến trước Tượng Ðức Mẹ và đọc lời kinh cảm tạ và cầu khẩn sau đây (toàn thể cộng đoàn cũng có thể cùng đọc):

 

Lạy Chúa, chúc tụng Chúa là Thiên Chúa trời đất,

là Ðấng nhân lành và công chính,

Chúa hạ kẻ kiêu căng xuống và tôn vinh người khiêm nhường lên;

Theo chương trình lạ lùng của Chúa,

Chúa ban Ngôi Lời nhập thể và Ðức Mẹ Ðồng trinh của Người

nên gương sáng tuyệt vời cho chúng con:

Vì Con Một Chúa đã tự hạ mình

tới chết trên thánh giá

được sáng ngời trong vinh quang đời đời

và ngự bên hữu Chúa là Vua các vua

và là Chúa các Chúa;

còn Ðức Nữ đồng trinh,

Mẹ muốn được gọi là tớ nữ của Chúa,

nên được tuyển chọn là Mẹ sinh ra Ðấng Cứu thế

và là Mẹ đích thực của mọi người

và bây giờ Mẹ được tôn vinh cao trọng hơn các phẩm trật thiên thần,

cùng hiển trị với Con Mẹ,

làm Ðấng cầu bầu đầy ơn phúc

và làm Nữ Vương nhân lành để cứu giúp mọi người.

Vì vậy lạy Chúa,

Xin đoái nhìn đến các tôi tớ Chúa,

Ðang tôn kính cung nghinh Tượng Ðức Mẹ

Dưới tước hiệu Ðức Mẹ La Vang,

và đang tung hô Con Chúa là Vua muôn loài,

cùng cầu khẩn Ðức Nữ Ðồng Trinh là Nữ Vương.

Xin Chúa cho các tôi tớ Chúa

biết theo gương Con Chúa và Mẹ Người

mà phụng sự Chúa và chu toàn luật yêu thương,

mà hăng hái phục vụ nhau,

biết hãm mình và hiến thân

để cứu linh hồn anh chị em,

biết nhận lấy mọi hy sinh đau khổ ở đời này

để được vinh hiển trên trời,

và lãnh triều thiên

Chúa dành cho các tôi trung của Chúa nơi hằng sống.

Nhờ Ðức Kitô Chúa chúng con.

Ðáp: Amen.

 

Sau đó linh mục bỏ hương và xông hương Tượng Ðức Mẹ; có thể dâng hoa vắn tắt để tôn kính Ðức Mẹ.

Cộng đoàn hát bài "Magnificat", hoặc một bài kính Ðức Mẹ và ra về.

 

5. Nếu không cử hành Thánh lễ, thì nên cử hành Nghi thức Lời Chúa.

Linh mục đặt Tượng Ðức Mẹ trên toà;

bỏ hương và xông hương;

đọc Lời Chúa (hai bài sách thánh, hoặc một bài, như:

- Sáng thế ký 3, 9-15.20; Sách Samuel quyển hai 7, 1-5.8b-11.16; Châm ngôn 8, 22-31; Isaia 7, 10-14; 8, 10; Công vụ các Tông đồ 1, 12-14; Galata 4, 4-7; Khải huyền 11, 19-12,10;

- Thánh vịnh đáp ca : 44, 11-12.14-15.16-17; Tv 112, 1-2.3-4.5-6.7-8.

- Mt 1,1-16; Mt 2, 13-15.19-23; Mt 12, 46-50; Lc 1, 26-38; Lc 2, 1-14; Gioan 19, 25-27.

 

Sau đó linh mục giảng

 

Lời nguyện chung:

Mở đầu (linh mục mời mọi người cầu nguyện):

Chúng ta hãy sốt sắng cầu xin Thiên Chúa Cha, Ðấng đã làm những việc cao cả nơi Ðức Mẹ Maria đồng trinh và hằng tiếp tục thực hiện trong Hội thánh các mầu nhiệm của lòng thương xót Chúa.

a) Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho Hội thánh, để Hội thánh hiệp lời cùng Mẹ Maria mà công bố cho mọi dân tộc biết những công việc lạ lùng của Thiên Chúa và chúc tụng lòng nhân hậu của Chúa, Chúa là Ðấng đã hạ những kẻ quyền thế xuống và nâng những kẻ hèn mọn lên.

Ðáp: Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin nhận lời chúng con.

b) Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mọi dân nước nhờ ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy, được hợp nhất thành một dân Chúa dưới sự lãnh đạo của Chúa Kitô Vua. Ðáp/.

c) Chúng ta hãy cầu xin Chúa, cho các dân tộc được hòa hợp, để nhờ lời cầu bầu của Nữ Vương hòa bình, giữa các dân tộc không còn ghen ghét chiến tranh, mà chỉ thấy chứa chan việc bác ái thuận hòa. Ðáp/.

d) Chúng ta hãy cầu xin Chúa, cho những kẻ ốm đau nghèo khó, đơn độc, và đau khổ, để nhờ sự săn sóc của Ðức Maria, Nữ Vương nhân lành, họ được niềm vui và ủi an. Ð/.

e) Chúng ta hãy cầu xin Chúa, cho tất cả chúng ta đang tụ họp nơi đây, nhận biết phẩm chức của Ðức Nữ Trinh Maria, và cố gắng bắt chước lòng khiêm nhường, tinh thần phục vụ của Mẹ, cùng mỗi ngày  yêu mến Mẹ nồng nàn hơn. Ðáp /.

(Có thể thêm một ý chỉ cầu cho Giáo hội và quê hương Việt Nam; có thể lấy ở Sách Các Giờ kinh phụng vụ, tuần III, thứ 7, giờ Kinh sáng: Lời cầu).

 

6. Ðọc lời Kinh cảm tạ và cầu khẩn như trên đây.

7. Rồi linh mục bỏ hương và xông hương, có thể dâng hoa vắn tắt để tôn kính Ðức Mẹ.

8. Cộng đoàn hát bài "Magnificat", hoặc một bài khác kính Ðức Mẹ.

9. Linh mục ban phép lành cho cộng đoàn.

Có thể dùng công thức ban phép lành trọng thể sau đây: Linh mục giơ hai tay trên dân chúng và đọc:

 

Thiên Chúa từ bi nhân hậu

đã muốn cho Con Một Người

sinh làm Con Ðức Mẹ Maria trọn đời đồng trinh

để cứu chuộc nhân loại.

Xin Người ban cho anh chị em muôn phúc lọc dồi dào.

ÐÁP: Amen.

 

Nhờ Ðức Mẹ,

anh chị em đã được hồng phúc đón nhận Ðức Kitô

là nguồn mạch sự sống muôn đời.

ước gì trong mọi nơi mọi lúc,

anh chị em hằng được cảm thấy

tay Mẹ hiền âu yếm chở che.

ÐÁP: Amen.

 

Hôm nay anh chị em họp nhau tôn kính Mẹ Maria

ước chi buổi lễ này đem lại cho toàn thể anh chị em

nguồn vui thiêng liêng cao quý,

và phần thưởng lớn lao trên trời.

ÐÁP: Amen.

 

Và xin Thiên Chúa toàn năng

là Chúa Cha, + và Chúa Con, + và Chúa Thánh Thần

ban phúc lành cho anh chị em.

ÐÁP: Amen.

 

10. Mọi người ra về trong niềm hân hoan.

 

Ngày Thứ Hai

Ngày Học Hỏi Sứ Ðiệp La Vang

 

1. Nhập đề

Ngày thứ hai có thể được tổ chức như một ngày cầu nguyện với Ðức Mẹ như trong nhà Tiệc ly xưa; một ngày tĩnh tâm và học hỏi về Ðức Mẹ.

Việc học hỏi về Ðức Mẹ có thể được thực hiện theo các chủ đề sau đây và có thể thực hiện trong cả ba ngày.

Sứ Ðiệp Ðức Mẹ La Vang (dựa theo bài suy niệm của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, nói trong Tuần Tu đức cho linh mục tu sĩ tại Rôma, tháng 2 năm 2002, xin mở: http://phoiket.net hoặc http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/y2vienam/vietin20.htm; Tuần Tu Ðức Linh Mục Tu sĩ năm 2002.

 

2. Cầu nguyện với Ðức Mẹ

Trong ngày thứ hai các đoàn thể, họ giáo, được phân chia để làm việc tôn kính Ðức Mẹ. Buổi cầu nguyện này được tổ chức cho đại chúng.

Buổi cầu nguyện kéo dài độ một giờ và được thể hiện như ngày hôm qua trong nghi thức cử hành Lời Chúa, với các phần sau đây:

 

Hát kính Ðức Mẹ

Ðọc một đoạn Sách thánh (dọn sẵn nhiều đoạn khác nhau để chọn đọc tùy theo từng nhóm)

Thinh lặng suy niệm về đoạn Sách thánh chừng 5 phút

Hát/ Ðọc thánh vịnh đáp ca  (như ngày thứ I)

Hát một bài kính Ðức Mẹ

Lần hạt mân côi

Ðọc kinh cầu Ðức Mẹ (có thể đọc kinh cầu như mọi khi, hoặc Kinh cầu mới)

Ðọc lịch sử biến cố La vang năm 1798, hoặc bài huấn dụ của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trưa 19-6-1988.

Ðọc lời nguyện chung như ngày hôm trước, hoặc lấy trong Sách Các giờ Kinh phụng vụ, tuần thứ IV, thứ 7, Kinh sáng, Lời cầu).

Ðọc/ hát Kinh Lạy Cha

Hát kinh Magnificat và ra về.

 

Chú ý: Ðể đời sống thiêng liêng của các giáo hữu thăng tiến hơn trong dịp đón rước Tượng Ðức Mẹ, nên tạo điều kiện để các giáo hữu được lãnh Bi Tích Hòa Giải. Vì thế, nếu có thể, nên mời một số linh mục ở vùng lân cận đến trong ngày thứ hai.

 

3. Tĩnh tâm

Buổi tĩnh tâm được tổ chức cho những ai muốn và tham dự cách nghiêm chỉnh. Có thể tổ chức trong vòng từ 9 giờ sáng đến 12 giờ trưa, hoặc giờ nào thuận tiện. Các việc làm khi tĩnh tâm:

Khai mạc: hát Kinh Chúa Thánh Thần

Ðọc giờ Kinh phụng vụ: như giờ Kinh sáng của ngày hôm đó; hoặc lần hạt để tạo bầu khí cầu nguyện và hồi tâm

Nghe giảng - suy niệm riêng

Ðọc sách đạo

Cầu nguyện chung theo đề tài giảng.

 

4. Thánh Lễ

Thánh lễ được cử hành cho tất cả cộng đoàn, vào lúc trưa, hoặ? vào ban chiều tùy theo thời gian thuận tiện. Cử hành Thánh lễ theo ngày hay, nếu là ngày tự do, cử hành Thánh Lễ kính Ðức Mẹ.

 

5. Học hỏi

Vào giờ thuận tiện có thể tổ chức học hỏi cho tất cả cộng đoàn. Ðề tài có thể được khai triển theo ba điểm sau đây:

Ðức Mẹ trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa (xin coi Hiến chế "Ánh sáng muôn dân, chương 8; Thông điệp "Mẹ Ðấng Cứu chuộc"; Tông huấn "Lòng sùng kính Ðức Mẹ Maria (Marialis Cultus).

Biến cố Ðức Mẹ La Vang và Giáo hội tại Việt Nam; Sứ điệp của Ðức Mẹ La Vang với chúng ta.

Cuộc sống đức tin trong môi trường hải ngoại; hoặc Lịch sử Giáo hội Việt Nam trong cái nhìn tổng quát và nhất là trong thời kỳ bắt đạo.

 

Kinh cầu Ðức Mẹ (mẫu II)

Ngoài Kinh cầu Ðức Mẹ mà chúng ta vẫn đọc, có thể dùng Kinh cầu Ðức Mẹ, mẫu II, trong Sách Nghi thức đội triều thiên tên ảnh tượng Ðức Mẹ Maria đồng trinh, công bố ngày 25 tháng 3 năm 1981; bản dịch tiếng Việt tạm thời được Bộ Phụng tự chuẩn y năm 1982.

 

Xin Chúa thương xót chúng con

Xin Chúa thương xót chúng con

 

Xin Chúa Kitô thương xót chúng con

Xin Chúa Kitô thương xót chúng con

 

Xin Chúa thương xót chúng con

Xin Chúa thương xót chúng con

 

Rất thánh Ðức Bà Maria

đáp : Cầu cho chúng con

Rất thánh Ðức Mẹ Chúa Trời

Rất thánh Nữ đồng trinh trên hết các kẻ đồng trinh

 

Ðức Mẹ là con yêu quý của Ðức Chúa Cha

Ðức Mẹ là Mẹ Chúa Kitô Vua

Ðức Mẹ là vinh quang của Chúa Thánh Thần

 

Ðức Mẹ đồng trinh thiếu nữ Sion

Ðức Mẹ đồng trinh nghèo khó và khiêm nhường

Ðức Mẹ đồng trinh hiền từ và khiêm nhường

 

Ðức Mẹ là tôi tớ Chúa

Ðức Mẹ là Mẹ Chúa

Ðức Mẹ là Ðấng đồng công cứu chuộc

 

Ðức Mẹ đầy ơn phúc

Ðức Mẹ đầy vẻ xinh đẹp

Ðức Mẹ là gương mọi nhân đức

 

Ðức Mẹ được ơn cứu chuộc hơn hết mọi người

Ðức Mẹ là môn đệ trọn lành của Chúa Kitô

Ðức Mẹ là hình ảnh vẹn tuyền của Hội thánh

 

Ðức Mẹ là người nữ mới

Ðức Mẹ là người nữ mặc mặt trời

Ðức Mẹ là người nữ đội triều thiên sao sáng

 

Ðức Mẹ nhân lành

Ðức Mẹ từ bi

Ðức Mẹ cai quản chúng tôi

 

Ðức Mẹ là niềm vui của Israel

Ðức Mẹ là ánh huy hoàng của Hội thánh

Ðức Mẹ là vinh quang của loài người

 

Ðức Mẹ là Ðấng cầu bầu đầy ơn phúc

Ðức Mẹ là Ðấng phù hộ trung tín

Ðức Mẹ cứu giúp dân Thiên Chúa

 

Nữ vương đầy lòng yêu mến

Nữ vương đầy lòng thương xót

Nữ vương ban sự bình an

 

Nữ vương các thiên thần

Nữ vương các thánh tổ tông

Nữ vương các thánh tiên tri

 

Nữ vương các thánh tông đồ

Nữ vương các thánh tử đạo

Nữ vương các thánh hiển tu

 

Nữ vương các thánh đồng trinh

Nữ vương các thánh nam cùng các thánh nữ

Nữ vương chẳng hề mắc tội tổ tông

 

Nữ vương linh hồn và xác lên trời

Nữ vương thế giới

Nữ vương trên trời

Nữ vương mọi loài mọi vật

 

Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế          Chúa tha tội chúng con

Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế          Chúa nhậm lời chúng con

Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế          Chúa thương xót chúng con

 

Xướng: Lạy Ðức Mẹ vinh hiển của Chúa  xin cầu cho chúng con

Ðáp: Ðáng chịu lấy những sự Chúa Kitô đã hứa

 

Chúng ta dâng lời cầu nguyện

Lạy Chúa nhân từ thương xót,

xin nghe lời các tôi tớ Chúa cầu khẩn

và ban cho chúng con

đang long trọng tôn nhận Ðức Maria là tôi tớ của Chúa

làm Mẹ và làm Nữ Vương chúng con,

cho chúng con biết phục vụ Chúa

và các anh chị em chúng con ở trần gian,

để chúng con được vào trong nước hằng sống đời đời.

Nhờ Ðức Kitô Chúa chúng con.

Amen.

 

Ngày Thứ Ba

Cao Ðiểm Của Tam Nhật

 

Ngày thứ ba trong tuần Tam Nhật có tính cách tôn vinh Ðức Mẹ La Vang do toàn thể cộng đoàn dâng lên và để tiễn Tượng Ðức Mẹ thánh du tới cộng đoàn khác.

Các việc có thể được thực hiện như sau:

 

1. Các buổi cầu nguyện với Ðức Mẹ

Các buổi cầu nguyện với Ðức Mẹ được tiếp tục do các đoàn thể, khu giáo thay phiên thực hiện như ngày thứ hai.

 

2. Thánh Lễ cho cả cộng đoàn

Thường là Thánh lễ ngày Chúa Nhật. Trong lời mở đầu, trong bài giảng, lời nguyện giáo dân, linh mục có thể nói về việc rước Tượng Ðức Mẹ La Vang; bài giảng rút ý từ các bài đọc sách thánh của Chúa Nhật và trình bày liên hệ tới vai trò của Ðức Mẹ trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa.

Nên nhắc nhở giáo dân, nhất là trong lời nguyện giáo dân, cầu cho Giáo hội và Quê hương Việt Nam nhờ lời bầu cử của Ðức Mẹ La Vang.

Trước khi cử hành Thánh Lễ, linh mục đến xông hương Tượng Ðức Mẹ, dâng hoa vắn tắt, để buổi lễ không kéo dài.

 

3. Giờ cầu nguyện với Ðức Mẹ do cả cộng đoàn thực hiện và bái kính Ðức Mẹ trước khi được rước đi nơi khác

(nếu Thánh Lễ cử hành chiều Chúa Nhật, thì nghi thức làm vào lúc nào khác thuận tiện).

 

Sau đây là diễn tiến buổi cầu nguyện:

Linh mục nói mấy lời mở đầu

Xông hương Tượng Ðức Mẹ La Vang

Hát kính Ðức Mẹ

Lần hạt: trước mỗi chục hạt đọc đoạn phúc âm về mầu nhiệm và linh mục giúp suy niệm vắn tắt

(đọc Kinh cầu, nếu còn giờ)

Nói về Ðức Mẹ La Vang

Linh Mục quản nhiệm trao phó các gia đình, các lớp người trong cộng đoàn cho Ðức Mẹ và hứa làm việc gì cụ thể, dễ thực hiện, như bác ái xã hội, xây dựng tình hiệp nhất cộng đoàn... để làm trong những ngày tới.

Linh mục quản nhiệm có thể đọc danh sách các gia đình, các hội đoàn tông đồ trước Tòa Ðức Mẹ

Ðọc Kinh Ðức Mẹ La Vang

Sau đó Linh mục quản nhiệm, hoặc vị chủ tịch Ban chấp hành cộng đoàn nói mấy lời cảm tạ Ðức Mẹ và tiễn đưa Tượng Ðức Mẹ đến cộng đoàn khác.

Hát Kinh Magnificat / hay một bài khác kính Ðức Mẹ.

Trong khi đó linh mục xông hương Tượng Ðức Mẹ.

Hát và xông hương xong, linh mục ban phép lành cho mọi người.

Mọi người hân hoan ra về với tâm tình yêu mến Mẹ Maria.

 

Phụ Lục

 

1. Kinh Thánh mẫu La Vang

(Bản kinh chính thức được Imprimatur, Tòa Tổng giám mục Huế, 8-12-1997).

 

Lạy Mẹ Maria, Thánh Mầu La vang

đầy muôn ơn phước,

ngời chói vạn hào quang,

muôn vàn thần thánh không ai sánh bằng.

 

Ðức Chúa Trời đã đoái thương chọn Mẹ

tinh tuyền thánh thiện

sinh Ðấng Cứu độ muôn loài.

 

Mẹ đã chọn La Vang mà hiện đến,

cứu giúp, hộ phù tổ tiên chúng con

lương giáo giữa thời ly loạn

cấm cách khốn khổ trăm bề.

 

Từ ấy gót chân Mẹ bước đến vẫn mãi đầy ơn thiêng.

ơn phần hồn, ơn phần xác

người bệnh tật, kẻ ưu phiền,

nào ai cầu khẩn mà Mẹ khôn nhận lời.

 

Lạy Mẹ Maria, Thánh Mẫu La Vang

Mẹ là Thánh Mẫu Chúa Trời

cũng là Thánh Mẫu loài người chúng con,

cúi xin xuống phước hải hà,

đoái thương con cái thiết tha van nài.

 

Xin cho chúng con tấm lòng từ bi nhân hậu

đại lượng khoan dung

cùng nhau bồi đắp

nền văn minh tình thương và sự sống.

 

Xin Mẹ phù hộ chúng con

sống đức hạnh đầy lòng cậy trông.

Và sau cuộc đời này,

xin cho chúng con được về sống bên Mẹ,

hưởng vinh phúc

trong Chúa Ba Ngôi muôn đời.

Amen.

 

2. Kinh Ðức Mẹ La vang

(Bản kinh do Cha J.M. Thích, trong báo Vì  Chúa, 1938).

 

Lạy ơn Ðức Mẹ La vang

Xin nghe con mọn thở than mấy lời,

Mẹ là Mẹ Chúa Ngôi Hai,

Muôn vàn thần thánh không ai sánh cùng.

Mẹ tuy hiển hách ngàn trùng,

Nhưng mà Mẹ cũng đầy lòng thương thay.

Mẹ đã chọn lấy chốn này,

Gót chân bước đến còn đầy ơn thiêng.

Người bệnh tật, kẻ ưu phiền,

Cầu liền đặng đã, xin liền đặng vui.

Dập dìu kẻ tới người lui,

Trong Nam ngoài Bắc mọi người giáo lương.

Ơn phần xác ơn phần hồn,

Nào ai cầu Mẹ mà không đắt lời.

Lạy Mẹ là Mẹ Chúaa Trời,

Mà Mẹ lại cũng Mẹ loài người ta.

Cúi xin xuống phước hà sa,

Ðoái xem con cái thiết tha khẩn cầu.

Này con quỳ gối cúi đầu,

Trước bàn thờ Mẹ xiết bao ước nguyền.

Xin cho con đặng bình yên,

Giữ gìn ơn thánh vẹn tuyền thuỷ chung.

Cho con ghét tội hết lòng,

Mến đàng phước đức ra công sửa mình.

Cho con một dạ đinh ninh,

Kính thờ Một Chúa hết tình thảo ngay.

Nay con dâng tấm lòng này,

Một niềm mến Mẹ từ rầy về sau.

Lòng con rầy chỉ ước ao,

Chết trong tay Mẹ phước nào lớn hơn.

Lạy xin Mẹ cũng xuống ơn,

Giữ gìn cha mẹ nhà con yên hàn.

Xin cho nước trị dân an,

Nơi nơi nghe tiếng Phúc âm giảng truyền.

Những người sầu não tật nguyền,

Xin cho để đặng bình yên xác hồn.

Muôn vàn xin nhậm lời con,

Lại cho con đặng mọi ơn riêng này ( . . . )

Lẽ nào ra khỏi nơi đây,

Mà con lại chẳng đầy lòng cậy trông.

Con xin cảm tạ muôn trùng,

Vì con biết Mẹ sẵn lòng với con.

Còn trời đất còn nước non,

Con còn cầu khẩn Mẹ còn đoái thương.

Nay con từ biệt thánh đường,

Thân tuy cách đó, dạ thường mến đây.

Chốn này, ngày này, hội này,

Lòng này ghi tạc dám phai đá vàng.

Lạy ơn Ðức Mẹ La Vang,

Xin nghe con mọn thở than mấy lời.

 


Back to Radio Veritas Asia Home Page