Kỷ niệm 10 năm sự tan rã của
chế độ Cộng Sản Liên Xô
Prepared
for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
Kỷ niệm 10 năm sự tan rã của chế độ cộng sản Liên xô.
Tháng 8 năm 2001, thế giới kỷ niệm 10 năm sụp đổ của Bức tường ô nhục Berlin. Cũng tháng 8 năm 2001, thế giới lại kỷ niệm một biến cố lịch sử khác: 10 năm sự tan rã của chế độ cộng sản Liên xô. Sau đây chúng tôi xin lược tóm diễn tiến của sự tan rã này.
Sáng
ngày 19 tháng 8 năm 1991, Hãng thông tấn Tass loan báo tình trạng
khẩn cấp. Chủ tịch Mikhail Gorbaciov, lúc đó đang nghỉ hè tại
Crimea, từ chối không cộng tác với nhóm đảo chính. Ông bị
nhóm truất chức "vì lý do sức khỏe". Xe thiết giáp tiến
vào thành phố Moscowa.
Liên
xô trong tình trạng hỗn loạn, ông Eltsin lúc đó là chủ tịch
cộng hòa Nga, là cộng hòa
lớn nhất trong 15 cộng hòa hợp thành Liên xô, lãnh đạo
phe chống đảo chính, hô dân xuống đường; ông trèo lên
xe tăng kêu gọi dân chúng: "Hãy giúp đỡ chủ tịch Nga.
Tất cả các đài truyền hình chiếu hình ảnh của ông và dân
chúng biểu tình lên án đảo chính. Quân đội không can thiệp.
Nhóm đảo chính và nhà cầm quyền quốc gia gặp nhau liên tiếp, để tìm lối thoát. Nhiều nhân vật quốc tế biểu lộ lập trường cứng rắn chống nhóm đảo chính. Tại Leningrad hơn 100 ngàn người xuống đường. Tại Moscowa ba thanh niên bị xe thiết giáp đè bẹp.
Quân đội đoàn kết chống lại nhóm đảo chính. Trong đêm 21 và 22 tháng 8/1991 nhóm đảo chính bị bắt giam. Chủ tịch Gorbaciov từ chức Tổng bí thứ Ðảng và mời gọi Ủy ban trung ương Ðảng giải tán. Sau đó 4 tháng, Liên xô cũng tan rã.
Nhóm đảo chính, Gồm các nhân vật cộng sản sau đây: Ông Gennadij Yanaev, hình ảnh nổi bật của nhóm đảo chính. Năm 1991 ông giữ chức phó chủ tịch Liên xô; bị bắt giam và năm 1994 được ân xá. - Ông Vladimir Kryuchkov, đứng đầu KGB, phác họa chương trình và chỉ huy cuộc đảo chính, bị bắt giữ tại sân bay Moscowa; được ân xá năm 1994 - Ông Anatoli Lukyanov, chủ tịch Quốc hội, bạn thân của Chủ tịch Gorbaciov, bị bắt giam và sau ba năm được ân xá. Ông vẫn coi vụ đảo chính năm 1991 là một hành động ái quốc. - Tướng Dmitry Yazov, Tổng trưởng Quốc phòng, từ chối bắn vào Tòa nhà trắng (trụ sở của Cộng hòa Nga ở Moscowa, dinh của ông Boris Eltsin), bị coi là người phản bội. Ðể thưởng công, năm 1998, Ông Eltsin đề nghị ông tham dự chính phủ. Tướng Valentin Varennikov, năm 1991, đứng đầu Bộ binh. Ông là người duy nhất trong nhóm đảo chính từ chối ân xá của Quốc hội năm 1994. Trong vụ xử, ông được thoát khỏi vụ tố cáo âm mưu lật đổ chính quyền và phản bội. - Ông Vasily Starodubtsev, sử gia, cầm đầu tất cả cơ cấu kỹ nghệ canh nông Liên xô. Ðược ân xá năm 1994 và năm 2001 được tái bầu làm Tỉnh trưởng Tula với số phiếu tuyệt đối, hầu hết của đảng cộng sản.- Ông Boris Pugo, Bộ trưởng Nội vụ, bị coi là người trách nhiệm về vụ sát hại tại Tbilisi (Georgia) và Vilnius (Lituania), trong những tháng sau cùng của Liên xô. Cùng với bà vợ, ông tự tử sau cuộc đảo chính thất bại, để lại ít hàng chữ: "Tất cả là một sự sai lầm". - Thống chế Sergej Akromeyev, cố vấn quân sự của chủ tịch Gorbaciov, thấy cuộc đảo chính thất bại, thắt cổ chết.
Cuộc
đảo chính xẩy ra như sau: Hôm đó là ngày chúa nhật 18 tháng
8 năm 1991, cách đây 10 năm. Sau cơm trưa, nhóm đảo chính đến
gặp chủ tịch Gorbaciov đang nghỉ hè tại Koros (Crimea, kế bên
Biển Ðen). Nhóm này đã tổ chức xong tất cả để làm lại
lịch sử và lấy lại vinh quang cho Liên xô. Chỉ thiếu sự ủng
hộ của Chủ tịch Nhà Nước và Tổng bí thư Ðảng cộng sản
Liên xô mà thôi. Chủ tịch
Gorbaciov, người chủ xướng chính sách Perestrojka, nghĩ sao và
hành động như thế nào? Sau 10 năm, các ý kiến và phê phán
vẫn không đồng nhất. Phe Boris Eltsin cho rằng: Ông Gorbaciov không
đồng ý, nhưng cũng không cương quyết ngăn cản nhóm đảo chính.
- Nhóm đảo chính chủ trương: Chủ tịch yên lặng tức là ưng
thuận mở đèn xanh cho họ. - Trái lại chính Ông Gorbaciov, trong
cuộc hội báo ngày 16 tháng 8/2001 vừa qua tại Moscowa, nhân dịp kỷ
niêm 10 năm vụ đảo chính, cương quyết giữ vững lập trường
của mình: "Tôi đã nói với họ rằng họ là những người
phiêu lưu và đang làm hại đất nước". Nhóm này tưởng
dễ dàng, chỉ cần ra mấy sắc lệnh là công việc đâu vào
đó. Nhưng họ không biết rằng: lúc đó Liên xô, sau đệ
nhị thế chiến, vẫn chưa ra khỏi cơn khủng hoảng kinh tế. Tại
các cửa hàng, thiếu thốn mọi sự, dân chúng phải nối đuôi
để mua bánh mì, bơ sữa
đều giới hạn theo khẩu phần, sà phòng rửa mặt cũng
không có... Nhóm đảo chính (tự xưng mình là phe cải cách), tố cáo chủ tịch Gorbaciov
chỉ muốn cứu vớt Ðảng cộng sản mà thôi, tố cáo ông phá
hủy chế độ.
Trái lại Chủ tịch Gorbaciov đã ấn định ngày 20 tháng 8/1991 để ký một Thỏa ước mới về Liên hiệp: trao quyền hành nhiều hơn cho các cộng hòa - tái lập đảng Ðảng cộng sản với bộ mặt nhân đạo hơn, và thi hành nền dân chủ. Lúc đó các nước miền Baltique đã loan báo là sẽ không tham dự vào Liên hiệp mới, do Liên xô lãnh đạo.
Thực sự vụ đảo chính đã được nói đến từ mấy tháng rồi. Ngày nào cũng tốt đẹp cả. Nhưng đột nhiên ngày 19 tháng 8/1991 đã được chọn, gây ngạc nhiên trong nước và trên thế giới. Trước 24 tiếng đồng hồ, Ủy ban đảo chính "truất quyền ông Gorbaciov, đang nghỉ hè tại Foros, vì "lý do sức khỏe", lên nắm chính quyền. Chức chủ tịch Nhà Nước được chuyển sang ông Yanaev, phó chủ tịch của ông Gorbaciov. Tại Moscowa, thiết quân luật, đình chỉ các báo chí, xe tăng tiến vào thành phố. Chủ tịch Gorbaciov và gia đình bị giam lỏng tại trại nghỉ hè. Các đường điện thoại bị gián đoạn. Nhờ máy thu thanh của cô con gái Irina, ông nghe biết tin tức về đảo chính qua đài BBC mà thôi.
Cuộc
đảo chính thất bại, vì nhóm cải cách không bắt giữ Ông
Eltsin và cũng không cắt đứt các đường điện thoại của
Tòa Nhà trắng (trụ sở của Eltsin và bản doanh của ông).
Dân chúng Nga phản ứng tức khắc. Họ bao vây chung quanh Nhà
Trắng, để bảo vệ trụ sở khỏi vòng vây của quân đội.
Ngày 19 tháng 8/1991, ông Eltsin trèo lên xe thiết giáp ngỏ lời với
dân chúng. Ngày 20/08/2991 nhóm đảo chính thất vọng. Tổng trưởng
quốc phòng, tướng Yazov, loan báo: ông không ra lệnh bắn vào
Nhà Trắng và vào dân chúng. Thủ tướng lúc đó là ông
Pavlov cáo bệnh. Ngày 21 tháng 8/1991 ông Eltsin cử vị phó của mình
giải phóng ông Gorbaciov và bắt giam nhóm đảo chính. Ông
Gorbaciov trở về Moscowa, nhưng người chiến thắng là ông
Eltsin. Các cộng hòa thuộc Liên xô đều tuyên bố tách khỏi
Liên Bang, để theo đường lối riêng của mình. Thay vì Liên xô
cộng sản của Gorbaciov, cộng hòa dân chủ Nga của Ông Boris
Eltsin lên nắm quyền. Sau này, ông Gorbaciov tuyên bố: "Nếu
tôi đã cử ông Eltsin đi làm đại sứ ở một nước, thì
sự việc xẩy ra khác hẳn".
Kinh nghiệm cho hay: dân chúng dù đói khổ, nhưng họ vẫn khát khao tự do hơn tất cả các sự khác. Nếu cần, họ sẵn sàng hy sinh cả mạng sống, để tranh đấu cho tự do dân chủ. Một khi đã lấy lại được tự do, họ sẵn bảo vệ và không bao giờ muốn trở lại chế độ đàn áp một lần nữa.